Thứ ba, 24/03/2020 15:27

Thúc đẩy phát triển CNHT ở Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Lê Huyền Nga

Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Cùng với tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, CNHT Việt Nam tuy đã có những bước tiến nhất định, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, rất cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển.

Thực trạng CNHT Việt Nam

Thống kê của Bộ Công Thương năm 2018 cho thấy, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT có khoảng hơn 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giầy (chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Các doanh nghiệp CNHT tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động (tương đương 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo) với doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh ước đạt hơn 900.000 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Ví dụ như tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30-35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40%  (chủ yếu cho sản xuất xe máy). Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%).

Tuy nhiên, trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp.

Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm CNHT, song rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực.

Lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp CNHT trong nước khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới công nghệ sản xuất.
Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp CNHT của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp, khả năng chấp nhận rủi ro để thực thi các điều chỉnh, cải cách thông qua đầu tư, đổi mới công nghệ, cách thức quản lý...

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo, sản phẩm CNHT chưa phong phú về chủng loại, kiểu dáng và mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành cao…

Một số giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT

Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018 cho thấy, hơn 71% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và phần lớn các doanh nghiệp FDI liên kết với nhà cung cấp nước ngoài. Trong khi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% số doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng chỉ có 21% số doanh nghiệp này liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu. Cả nước có 700.000 doanh nghiệp nhưng mới chỉ có trên 300 doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp lớn cho các tập đoàn đa quốc gia. Trong khi đó, CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững. Để phát triển ngành CNHT, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể gồm:

Về chính sách

Việc phát triển CNHT được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thiết thực thúc đẩy phát triển CNHT và giải quyết cụ thể những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp này, như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT, Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025… Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút các dự án đầu tư FDI quy mô lớn, gắn với chính sách phát triển nhà cung cấp nội địa trên cơ sở mức độ ưu đãi và hỗ trợ được hưởng. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, đất đai, tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT phát triển, cũng như các dự án sản xuất công nghiệp lớn (tiêu biểu là ngành sản xuất, lắp ráp ô tô). Nghiên cứu ban hành chính sách thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện tử… nhằm tạo thị trường cho các ngành CNHT phát triển. Ưu tiên bố trí phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 để thành lập các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp của các vùng kinh tế trọng điểm và của các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp. Các trung tâm này đóng vai trò là các trung tâm kỹ thuật, công nghệ dùng chung, nhằm cung cấp các dịch vụ chế tạo thử nghiệm, đo lường, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp CNHT và các dịch vụ cải tiến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các địa phương trong việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT riêng; đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách CNHT đến các doanh nghiệp trên địa bàn để họ tiếp cận đầy đủ với các chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, để các doanh nghiệp CNHT phát triển, Nhà nước cần đơn giản hóa các chính sách, thủ tục về thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp và CNHT phát triển. Điều chỉnh các quy định về thuế và ngân sách như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp CNHT.
Phát triển thị trường cho CNHT

Phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn: phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) có vai trò quan trọng trong việc phát triển CNHT, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho CNHT trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

Phát triển các ngành công nghiệp vật liệu: phát triển các ngành công nghiệp vật liệu sẽ giúp các ngành CNHT tự chủ được nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu. Chính phủ cần có chiến lược và chính sách tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để đảm bảo đầu vào cho các ngành CNHT cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.

Thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách phát triển CNHT để thu hút đầu tư các nguồn lực xã hội vào phát triển CNHT. Thu hút đầu tư của các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp cụm linh kiện, linh kiện lớn trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và thị trường ASEAN hơn là định hướng xuất khẩu, phục vụ thị trường toàn cầu. Đồng thời, có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp chế xuất lớn bán hàng vào nội địa, tìm kiếm cơ hội tại thị trường trong nước và phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Nâng cao năng lực doanh nghiệp CNHT

Thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp: xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp CNHT Việt Nam và cụm liên kết nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp trong nước và các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam. Triển khai hiệu quả các chương trình kết nối kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành (cluster).

Phát triển khoa học và công nghệ: xây dựng lộ trình về tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm đối với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đầu tư, sản xuất tại Việt Nam dựa trên lộ trình công nghệ và phát triển sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất, chế tạo sản phẩm CNHT trong nước. Tăng cường tư vấn, tìm kiếm, giới thiệu và hỗ trợ chuyển giao các công nghệ sản xuất hiện đại; hỗ trợ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trong nước, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp CNHT. Thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hỗ trợ nâng cao trình độ đội ngũ nhà khoa học, nhà quản lý và người lao động trong lĩnh vực CNHT. Nhà nước cần lập ra trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trung tâm này có chức năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, như dịch vụ tư vấn về đổi mới công nghệ, cải tiến trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia tư vấn kỹ thuật, công nghệ, hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ, giúp các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới…

Phát triển nguồn nhân lực CNHT: xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ lao động tay nghề thấp sang lao động tay nghề cao. Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư vấn công nghiệp để cung cấp đội ngũ các chuyên gia tư vấn, đánh giá năng lực  các doanh nghiệp CNHT trong nước. Phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực CNHT. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành CNHT.

Các giải pháp về tài chính

Thực hiện việc cấp bù lãi suất sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Tiếp tục xác định CNHT là lĩnh vực ưu tiên và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn cho vay theo trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Xây dựng hệ thống đánh giá năng lực doanh nghiệp, dịch vụ tư vấn, đánh giá doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ các ngân hàng trong việc đánh giá, thẩm định cho vay các doanh nghiệp CNHT. Khuyến khích các tổ chức tín dụng có những sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp CNHT; kết hợp thẩm định cho vay đối với khách hàng kèm theo tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc miễn, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, máy móc cho các doanh nghiệp phụ trợ. Cũng như các ngành công nghiệp khác, ngành CNHT rất cần mặt bằng để phát triển, vì thế Chính phủ nên dành quỹ đất hợp lý cho các khu CNHT, trong đó có đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ như nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ kiểm định chất lượng, dịch vụ tài chính…
 
 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)