Chính sách khí hậu = chính sách môi trường?
BĐKH đang tác động phức tạp ở hầu khắp các khía cạnh của đời sống xã hội. BĐKH cũng trở thành thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong mọi tầng lớp. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là hiểu biết về BĐKH rất khác biệt, tùy thuộc vào trường phái nghiên cứu và mức độ nhận thức. Đánh đồng ô nhiễm môi trường với BĐKH được xem là một nhầm lẫn phổ biến [1]. Trong nghiên cứu chính sách khí hậu, sự đánh đồng này không được khuyến khích. Để bắt đầu lý giải, chúng ta cần làm sáng tỏ khái niệm “chính sách khí hậu” và “chính sách môi trường”.
Nghiên cứu quốc tế định nghĩa “chính sách khí hậu” (climate policy) hay “chính sách BĐKH” (climate-change policy) là thuật ngữ chỉ các chính sách và tài liệu pháp lý (nghị định, chỉ thị, chiến lược quốc gia...) được xây dựng để ứng phó với các tác động tiêu cực từ BĐKH ở cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực hay quốc tế. Chính sách khí hậu được phân thành hai loại: những chính sách được thiết kế để giảm thiểu quy mô của BĐKH (gọi là chính sách giảm thiểu BĐKH - climate mitigation policy) và những chính sách nhằm hạn chế nguy cơ tác động và giúp tận dụng cơ hội từ BĐKH (chính sách thích ứng BĐKH - climate adaptation policy) [2]. Chính sách khí hậu được xây dựng bởi tổ chức liên kết chính phủ, tổ chức siêu quốc gia, chính quyền liên bang, quốc gia dân tộc và các chính quyền cấp địa phương.
Chính sách môi trường (environmental policy) là những văn bản pháp lý tuyên bố về quan điểm, cam kết và/hoặc quy định ứng xử của một chính phủ, tổ chức hoặc tập đoàn kinh tế công lập hoặc tư nhân về những tác động của con người cùng các biện pháp ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực của con người đến môi trường và các hệ sinh thái đi kèm [3].
Mặc dù BĐKH thoạt nhìn dễ được xem là một vấn đề môi trường, nhưng thực tế nó liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội, nhất là lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và nông nghiệp. Vì vậy, chính sách khí hậu luôn bao hàm nhiều lĩnh vực và không nhất thiết phù hợp, hay bị dẫn dắt bởi chính sách môi trường của một quốc gia. Ở nhiều nước, như Anh và Mỹ, nơi sự tồn tại của BĐKH vẫn còn bị đối mặt bởi một làn sóng phủ nhận, chính sách môi trường chiếm ưu thế hơn các chính sách khí hậu. Về lý thuyết, chính sách khí hậu độc lập với chính sách môi trường, nhưng sự liên kết của hai hệ thống chính sách này sẽ giúp bổ trợ mục tiêu cho nhau [4-6].
Quan sát ở Việt Nam, chính sách môi trường được hoàn thiện ở cấp độ quốc gia với sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và 2014, đi kèm là các chỉ thị, nghị quyết và chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng thành lập nhiều đơn vị chuyên trách về bảo vệ, giám sát và đánh giá tác động môi trường cấp trung ương, khu vực và ở những địa phương trọng yếu về sinh thái. Tuy nhiên, chính sách và việc thực thi chính sách môi trường ở Việt Nam đang theo hướng quản trị tập trung (top-down): vai trò, quyền lực và trách nhiệm thực thi hành động môi trường nằm ở các cơ quan nhà nước với rất ít sự tham gia hoặc trao quyền cho khu vực ngoài nhà nước (doanh nghiệp, tổ chức xã hội...). Sự gia tăng suy thoái môi trường những năm gần đây đã bộc lộ hạn chế của cách tiếp cận này: các cơ quan chuyên trách không đủ nguồn lực để giám sát việc thực thi luật bảo vệ môi trường trong khi ngày càng có nhiều các doanh nghiệp lựa chọn vi phạm để tối đa hóa lợi ích.
Khi đặt vào bối cảnh thực thi cam kết cắt giảm khí thải quốc gia (thông qua mức đóng góp dự kiến quốc gia tự quyết định - NDC), lựa chọn quản trị môi trường tập trung sẽ có ít sự cộng hưởng với thực thi chính sách khí hậu bởi nó giới hạn trách nhiệm và sự cam kết của nhiều bên trong một thể chế quản trị đa thành phần (multi-stakeholders). Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần cân nhắc áp dụng tiếp cận “phi tập trung hóa” trong quản trị môi trường bằng cách trao quyền, chia sẻ trách nhiệm và cam kết hành động môi trường cho nhiều bên (nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế). Các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế cần có trách nhiệm xây dựng chính sách môi trường dựa trên đặc thù sản xuất; công khai các cam kết và trách nhiệm giải trình để đảm bảo tuân thủ các quy định của nhà nước và minh bạch hành động môi trường (1). Vai trò giám sát được thể chế hóa cho các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương cũng sẽ giúp giảm gánh nặng nguồn lực, tối đa hóa hiệu quả quản trị và tăng cường tính minh bạch trong thực thi cam kết của các bên.
Các lựa chọn tiếp cận quản trị khí hậu
Những năm gần đây, các vấn đề tiếp cận chính sách và quản trị khí hậu đã được thảo luận sôi nổi trong các nghiên cứu quốc tế. Có ba hướng tiếp cận chính mà các nước và tổ chức quốc tế đang áp dụng, gồm: tiếp cận “trung ương tập quyền”, hay từ trên xuống (top-down), “tiếp cận phân quyền” (bottom-up) và “tiếp cận lai” (hybrid model) [7-9]. Các học giả nghiên cứu luật và quan hệ quốc tế cho rằng, BĐKH là một vấn đề toàn cầu, do đó các nỗ lực và quyết sách mang tính tập trung do các diễn đàn quốc tế (như Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển) quyết định sẽ phù hợp để giải quyết. Ở chiều ngược lại, các nhà địa chính trị và nghiên cứu phát triển phản biện rằng, BĐKH là vấn đề toàn cầu nhưng nguồn gốc và tác động của nó nằm ở phạm vi địa phương. Vì vậy, các chính sách và hành động khí hậu nên xuất phát từ địa phương. Các nhà kinh tế lập luận rằng, hành động khí hậu ở cấp địa phương là thỏa đáng, nhưng sự lệ thuộc toàn cầu và cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay sẽ khiến các chính sách và hành động khí hậu ở phạm vi địa phương bị thách thức hoặc khó khả thi [10]. Những tranh luận này nói lên bản chất “lưỡng cực” của BĐKH: một vấn đề toàn cầu có tác động ở phạm vi địa phương và giải pháp cho nó phụ thuộc vào sự liên kết ở cả hai phạm vi.
Từ năm 2015, khi Thỏa thuận chung Paris (2) chính thức thông qua bởi 194 quốc gia, hướng tiếp cận bottom-up được quan tâm nhiều hơn. Hướng tiếp cận này được mô tả là sự trao quyền và khuyến khích sự tham gia của chính quyền và cộng đồng địa phương [9]. Tiếng nói, nhu cầu và những sáng kiến hành động khí hậu của họ cũng được xem là trọng tâm cốt lõi trong hoạch định chính sách và hành động khí hậu. Cụ thể, đối với chính quyền địa phương, họ đóng vai trò trong thực thi chính sách và quyết định hạn mức cũng như sự cam kết chính trị trong nỗ lực cắt giảm phát thải nhà kính. Đối với cộng đồng, nhất là nông dân, họ vừa là đối tượng thụ hưởng chính vừa chịu tác động trực tiếp và đầu tiên từ mọi chính sách khí hậu. Họ nắm rõ quy luật khí hậu địa phương, diễn biến môi trường và hiểu rõ khả năng thích ứng cũng như nhu cầu của bản thân [8, 9].
Thực tế cho thấy, cộng đồng địa phương là “bậc thầy thích ứng” bởi suốt nhiều thế hệ, họ phải liên tục đối mặt với các thay đổi về địa lý và khí tượng mang tính chu kỳ như triều cường, lũ lụt, El Niño, La Niña... Các biến cố tự nhiên này giúp họ tự điều chỉnh hành vi sản xuất và tích lũy kinh nghiệm được kiểm chứng qua thực tế phục vụ cho dự báo và đề xuất chiến lược ứng phó (gọi chung là năng lực thích ứng). Vì vậy, Điều 7.5 của Thỏa thuận chung Paris đã nhấn mạnh sự quan trọng của “tri thức địa phương” (local knowledge) trong xây dựng chính sách và hành động khí hậu mà các chính phủ cần để tâm.
Hình 1. Kinh nghiệm và tri thức địa phương giúp tạo dựng các sáng kiến thích ứng BĐKH hiệu quả.
Nguồn: tác giả chụp tại mô hình VACB Cần Thơ, tháng 12/2019.
Ở nhiều quốc gia đang phát triển, với nền tảng chính trị trung ương tập quyền còn cao, vai trò của cộng đồng địa phương hầu như không được đề cập trong quy trình chính sách công [8, 9]. Chính quyền địa phương cũng ít có tiếng nói và thậm chí không được trao quyền. Chính quyền địa phương đơn thuần đóng vai trò thực thi chính sách và lệ thuộc hoàn toàn vào sự chỉ dẫn cùng nguồn kinh phí từ chính quyền cấp cao hơn. Thêm vào đó, nhiều chính phủ lệ thuộc vào tư vấn nước ngoài - những chuyên gia thường ít am hiểu về bối cảnh địa phương - để hoạch định các chính sách và kế hoạch hành động. Kết quả là nhiều chính sách và nguồn lực phục vụ ứng phó BĐKH bị thất bại do không đáp ứng được nhu cầu hoặc không tương thích với hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Hình thức quản trị khí hậu này được gọi là quản trị “trung ương tập quyền” hay top-down. Sự thất bại của Nghị định thư Kyoto 2005 cũng được cho là do áp dụng cách tiếp cận quản trị này [1, 8].
Thiếu hụt tiến triển trong hành động khí hậu và bế tắc trong các đàm phán quốc tế đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu hướng chú ý đến một cơ chế quản trị khí hậu khác, gọi là “quản trị khí hậu đa cấp” (multi-level governance of climate change). Liên minh châu Âu (EU) là điển hình cho lựa chọn phi tập trung hóa và trao quyền trong cơ chế quản trị khí hậu đa cấp. Mặc dù vẫn còn những tranh luận về tính hiệu quả của “mô hình EU” trong quản trị khí hậu đa cấp và đa thành phần, nhưng “mô hình EU” vẫn mang lại những bài học đáng tham khảo cho các nước, nhất là những quốc gia đang phá triển như Việt Nam. Hai yếu tố quan trọng đảm bảo cho tính hiệu quả trong quản trị khí hậu là: (i) sự cân bằng giữa chính sách giảm thiểu và chính sách thích ứng; và (ii) sự phân quyền giữa các cấp quản lý.
Chẳng hạn, EU xem lĩnh vực năng lượng là lĩnh vực then chốt trong cuộc chiến khí hậu, bởi nó vừa là lĩnh vực chịu trách nhiệm về phát thải cao (chỉ sau nông nghiệp), vừa là lĩnh vực nhạy cảm bậc nhất về an ninh và kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách của EU ở các cấp độ quốc gia và địa phương xem “sự hiệu quả trong sử dụng năng lượng” (energy efficiency) là chìa khóa cho giảm thiểu BĐKH. Chính quyền các quốc gia EU đã thiết lập các mục tiêu năng lượng chung cho cả khu vực đến năm 2030. Chính quyền các quốc gia thành viên và chính quyền địa phương (tỉnh/thành phố/bang...) xây dựng mục tiêu cụ thể tương thích với bối cảnh và nhu cầu của mình. Nguyên tắc quan trọng là sự phân quyền, trách nhiệm, tài chính và trách nhiệm giải trình trong quan hệ quản trị khí hậu giữa các cấp (quốc tế ⇔ siêu quốc gia/quốc gia ⇔ tỉnh/thành phố ⇔ địa phương). Các chính sách khí hậu ở cấp dưới phải liên kết và đóp góp vào mục tiêu chung của cấp trên. Ngược lại, các đề xuất hành động khí hậu quốc gia được xây dựng phải phù hợp với đặc thù địa phương và không tạo ra các yêu cầu hoặc tác động có thể làm trầm trọng thêm tính dễ tổn thương do khí hậu (climate vulnerability) của cộng đồng và các hệ sinh thái địa phương [8, 10].
Hướng tiếp cận thứ ba được gọi là “tiếp cận lai” - sự “pha trộn” của hai hình thức tiếp cận “trung ương tập quyền” và tiếp cận phân quyền. Về lý thuyết, trong mô hình quản trị theo “tiếp cận lai”, chính quyền trung ương một mặt kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để định hướng thực thi các chiến lược và hành động khí hậu quốc gia, nhưng đồng thời trao quyền và khuyến khích các thử nghiệm, đổi mới ở phạm vi địa phương để có thể nhân rộng hoặc điều chỉnh chính sách quốc gia [10].
“Tiếp cận lai” được áp dụng phổ biến ở một số quốc gia có thể chế quyền lực phi tập trung hóa cao như Thụy Điển, Phần Lan và Nhật Bản - nơi mà chính quyền địa phương được trao quyền và khuyến khích hành động để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính ở phạm vi địa phương. Những nơi “cởi mở” với cơ chế đối tác công-tư (PPP) như Brazil, khối kinh tế tư nhân giữ vai trò trung tâm và tích cực dẫn dắt hành động khí hậu thông qua các thị trường mua bán phát thải quốc gia và quốc tế. Trong mô hình “tiếp cận lai” này, sự thành công trong mục tiêu khí hậu của quốc gia lệ thuộc vào sự tương tác qua lại giữa nhà nước và các tập đoàn kinh tế trong cơ chế hợp tác đối tác công-tư [10].
Quản trị khí hậu ở Việt Nam: Những vấn đề cần xem xét
Ở Việt Nam, cơ chế quản trị và điều phối hành động khí hậu được xây dựng khá hoàn thiện với sự phân cấp đa dạng. Đứng đầu là Ủy ban quốc gia về BĐKH - cơ quan thể chế cấp cao nhất chịu trách nhiệm về điều phối quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách khí hậu của quốc gia. Ủy ban này có thẩm quyền ban hành các hướng dẫn đối với tất cả các bộ/ngành có liên quan và UBND 63 tỉnh/thành phố trong cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam tại Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) và chỉ đạo nhóm công tác liên ngành rà soát và cập nhật những đóng góp dự kiến quốc gia tự quyết định (NDC).
Khung chính sách khí hậu quốc gia cũng đa dạng với một loạt chính sách, luật và chiến lược được xây dựng để thúc đẩy hành động khí hậu ở cả hai khía cạnh thích ứng và giảm thiểu (3). Việt Nam cũng đề xuất Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH đến năm 2020 nhằm thu hút các nguồn lực tài chính khí hậu quốc tế, bao gồm các nhà tài trợ lớn như Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Cơ quan phát triển quốc tế Canada…
Ở cấp tỉnh, quyền tự chủ có sự khác biệt giữa các địa phương. Các đô thị đặc biệt - thành phố trực thuộc trung ương và các đô thị loại I có quyền tự chủ và mức độ ưu tiên nguồn lực cho hành động khí hậu cao hơn. Chính quyền cấp tỉnh, bao gồm các thành phố lớn, chịu trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện hàng loạt chính sách BĐKH quốc gia dưới sự hướng dẫn chỉ đạo từ các bộ/ngành chủ quản tương ứng. Một số tỉnh đã thành lập ban điều phối liên ngành cấp tỉnh hoặc văn phòng BĐKH thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để điều phối các hành động BĐKH.
Quyết tâm chính trị và nỗ lực tích cực của Việt Nam những năm qua đã mở ra triển vọng thu hẹp “dấu chân carbon” (carbon footprint) và cơ hội cho một tương lai phát triển bền vững. Việt Nam đệ trình NDC đến UNFCCC vào tháng 9/2015 và thông qua Thỏa thuận chung Paris vào tháng 11/2016. Theo Kế hoạch thực thi Thỏa thuận chung Paris, năm 2020 là năm cuối cùng để đánh giá, điều chỉnh và hoàn thiện chính sách, các cơ chế đánh giá và khung quản trị khí hậu. Trong bối cảnh nhiều thách thức an ninh phi truyền thống và áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam được cho là ít cơ hội để đạt mục tiêu NDC 2030 như mong đợi. Trong khi trông chờ một thể chế quản trị khí hậu đặc thù và hiệu quả được định hình, Việt Nam cần xem xét năm vấn đề sau đây:
Một là, đặc thù của Việt Nam cho thấy có sự phù hợp với lựa chọn tiếp cận thứ ba trong quản trị khí hậu: “tiếp cận lai”. Tuy nhiên, mặc dù mô hình quản trị khí hậu quốc gia hiện nay mang dáng dấp của một cơ chế quản trị khí hậu đa cấp, nhưng mức độ phi tập trung hóa trong quy trình chính sách khí hậu vẫn còn giới hạn. Hệ quả là nhiều kế hoạch BĐKH tại địa phương chỉ là bản thu nhỏ các chiến lược quốc gia từ trên xuống, đôi khi không phù hợp với thực tế địa phương. Đây là một cản trở về mặt thể chế, đòi hỏi giải pháp cải cách đột phá để giúp cơ chế quản trị khí hậu đa cấp phát huy được hiệu quả và thế mạnh của nó.
Hai là, thiếu cân bằng giữa chính sách giảm thiểu và thích ứng. Phân tích các chính sách khí hậu quốc gia cho thấy, chính sách và giải pháp thích ứng BĐKH chiếm số lượng áp đảo. Nguồn lực tài chính phân bổ cho khía cạnh giảm thiểu BĐKH cũng vì thế mà bị giới hạn. Sự mất cân bằng giữa giảm thiểu và thích ứng sẽ khiến nỗ lực ứng phó BĐKH trở nên ít tác dụng, cũng giống như một người cố tháo cạn bồn tắm trong khi không khóa van xả nước. Việt Nam có thể là quốc gia có mức độ phát thải khí nhà kính ít hơn những nước khác, nhưng trên quan điểm vi khí hậu, các hoạt động phát thải ở nước ta đang là nguyên nhân chính cho sự nóng lên bất thường ở các đô thị và làm trầm trọng hơn tính dễ tổn thương do khí hậu của các đồng bằng (ngập lụt, khô hạn, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở và sụt lún...).
Ba là, sự minh bạch, chia sẻ thông tin và trách nhiệm giải trình ở cấp địa phương cần được hiện thực hóa trong hành động khí hậu.
Bốn là, tính gắn kết liên ngành trong chính sách và hành động khí hậu cần được đánh giá đầy đủ để tránh chồng lấn, lãng phí nguồn lực và tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các lĩnh vực.
Cuối cùng, Việt Nam cần tạo ra một “hệ sinh thái hành động khí hậu phân quyền” để thúc đẩy sáng kiến hành động khí hậu địa phương, và bằng cách đó, giảm sức ép quản trị cho Nhà nước.
Trong khi chờ đợi các sách lược ứng phó với BĐKH từ Nhà nước, nông dân ở một số địa phương đã tích cực tìm kiếm giải pháp riêng để thích ứng. Nhiều sáng kiến đổi mới sản xuất của họ dựa trên sự tự lực hoặc sự giúp đỡ từ các tổ chức phi chính phủ và chuyên gia đã cho thấy thành công đáng chú ý[11]. Một số mô hình đổi mới có thể kể đến như đa dạng hóa cơ cấu mùa vụ, mô hình Vườn - Ao - Chuồng - Biogas (VACB), hay nông nghiệp sinh thái, du lịch nông nghiệp và farmstay. Mẫu số thành công chung của các mô hình đổi mới sáng tạo này chính là tính thích ứng và bền vững. Chúng cho phép duy trì sinh kế, cải thiện doanh thu trong hoàn cảnh khí hậu bất ổn, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường hoặc giúp phục hồi sinh thái địa phương. Chính vì vậy, các sáng kiến của họ cho thấy nhiều tiềm năng để nhân rộng ở quy mô cộng đồng.
Dù nhìn nhận từ quan điểm chính sách khí hậu hay chính sách môi trường thì những sáng kiến hành động khí hậu nêu trên cung cấp cơ sở thực tiễn về triển vọng xây dựng mô hình quản trị khí hậu đa cấp và bottom-up ở Việt Nam. Sự năng động và tri thức địa phương mà cộng đồng sở hữu là nguồn lực cần được nhìn nhận trong hoạch định chính sách khí hậu.
Ghi chú:
(1) Hành động môi trường (environmental action) được hiểu là sự tự đánh giá tác động môi trường của hoạt động sản xuất/kinh doanh của một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... và đề xuất các cam kết, giải pháp khả thi để hạn chế tối đa các tác động đó. Lấy Hãng hàng không KLM (Hà Lan) làm ví dụ: kế hoạch hành động môi trường của KLM công khai các biện pháp cắt giảm phát thải từ hoạt động không vận như: đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu và sử dụng nhiên liệu sinh học; tiên phong sử dụng vật liệu tái chế (không dùng dụng cụ nhựa khi phục vụ các bữa ăn trong chuyến bay), giảm 20% lượng khí thải trên mỗi hành khách trong 5 năm, giảm tiếng ồn; sử dụng năng lượng tái tạo cho các dịch vụ mặt đất...
(2) Là một thỏa thuận tại Hội nghị về BĐKH của Liên hợp quốc năm 2015 trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) nhằm tìm kiếm các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.
(3) Một số chính sách khí hậu quan trọng gồm: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010), Chiến lược BĐKH quốc gia (2011), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2012), Quyết định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới (2012), Nghị quyết 24/NQ-TW về ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (2013), Luật Phòng chống thiên tai (2013), Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (2014); Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và NDC (2016), và Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH (2017).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Christopher Napoli (2012), “Understanding Kyoto’s Failure”, SAIS Review of International Affairs, 32(2), pp.183-196. Doi:10.1353/sais.2012.0033.
[2] https://www.nature.com/subjects/climate-change-adaptation.
[3] United Nations Economic Commission for Europe - UNECE (2007), Environmental policy and international competitiveness in a globalizing world: challenges for low-income countries in the unece region, Geneva, Switzerland.
[4] Mark Maslin (2019), “The five corrupt pillars of climate change denial”, The Conservation, https://theconversation.com/the-five-corrupt-pillars-of-climate-change-denial-122893.
[5] Jamie Ross (2018), America is a global hotbed of climate-change denial: poll, The Daily Beast Company LLC.
[6] Yong-Xiang Zhang, et al. (2017), “The withdrawal of the U.S. from the Paris Agreement and its impact on global climate change governance”, Advances in Climate Change Research, 8(4), pp.213-219.
[7] L. Grunbaum (2015), “From Kyoto to Paris: How bottom-up regulation could revitalize the UNFCCC”, Journal of Environmental Law and Policy, https://jelpblog.wordpress.com/2015/11/28/from-kyoto-to-paris/
[8] K. Jörgensen, A. Jogesh, A. Mishra (2015), “Multi-level climate governance and the role of the subnational level”, Journal of Integrative Environmental Sciences, 12(4), pp.235-245.
[9] OECD (2014), Cities and Climate Change: National governments enabling local action, Bloomberg.
[10] J. Gupta (2008), “The multi-level governance challenge of climate change”, Environmental Sciences, 4(3), pp.131-137.
[11] Nguyen Minh Quang, et al. (2019), “Transformative learning as a ground-up approach to sustainable development: narratives from Vietnam’s Mekong delta”, Asian Journal of Agriculture and Development, 16(2), pp.98-116.