Thứ sáu, 17/01/2020 09:21

Giáo dục khai phóng

Nguyễn Thị Hiền
 

(theo: https://www.aacu.org)

Giáo dục khai phóng (GDKP) hiểu một cách đơn giản là khai minh và giải phóng bản thân để trở thành con người tự do, tránh trở thành con người phận vị, công cụ, hoang dã hay nô lệ. Thang đo thành công và hạnh phúc thường thấy trong xã hội là “to have” - “có được” (tiền tài, địa vị, danh vọng…); hoặc “to give” - “cống hiến” và được công nhận, khen ngợi. Con người thường sẽ chọn một trong hai cách sống này. Mô hình GDKP hướng người học đến thang đo thành công và hạnh phúc là “to be” - sống với chính mình, được là chính mình; trở thành con người tự do, công dân trách nhiệm, chuyên gia ưu tú. Vì thành công bền vững và hạnh phúc đích thực là hệ quả tất yếu khi những người trẻ dấn thân, sống đúng phẩm giá của mình.

Mở đầu
Văn minh phương Tây là cái nôi lâu đời của truyền thống GDKP, được định nghĩa là giáo dục nhấn mạnh vào sự phát triển toàn diện của một cá nhân ngoài việc đào tạo nghề nghiệp (một cách hẹp hơn). Sự khởi đầu của triết lý này có thể được bắt nguồn từ bộ tam (ngữ pháp, hùng biện, tư duy logic) và bộ tứ (số học, hình học, thiên văn học và âm nhạc) trong các khoá học cơ bản của trường đại học thời trung đại. Truyền thống đó vẫn tiếp tục, và ngày nay GDKP là một phân khúc quan trọng của giáo dục đại học ở tất cả các nước phát triển. Vai trò của GDKP trong việc nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo và những công dân hiểu biết được công nhận trong cả lĩnh vực công và tư. GDKP của các nước phát triển có sự khác biệt khá rõ với giáo dục của các nước đang phát triển. Điều này được phản chiếu trong chương trình giáo dục phổ thông và đại học thường gắn với đào tạo nghề hơn là giáo dục sự phát triển toàn diện.

GDKP hướng người học đến thang đo thành công và hạnh phúc là “to be” - sống với chính mình, được là chính mình; trở thành con người tự do, công dân trách nhiệm, chuyên gia ưu tú.

Những tác động tích cực của GDKP
Bằng cách dạy học sinh tư duy như thế nào thay vì tư duy về cái gì, và cách học như thế nào hơn là học cái gì, GDKP tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có khả năng thích ứng tốt hơn và đáp ứng nhu cầu của một môi trường kinh tế, xã hội năng động, nhiều thay đổi. Dưới đây là một số tác động cơ bản:
Tác động đến kinh tế: các lãnh đạo doanh nghiệp có nhiều khả năng đổi mới hơn nhờ được giáo dục và đào tạo từ nền GDKP. GDKP khuyến khích mọi người đặt câu hỏi và thách thức tư duy. Đây là một chất xúc tác quan trọng giúp tăng tính thông thoáng của nền kinh tế. Ngoài ra, GDKP có thể nâng cao giá trị xã hội về khía cạnh công trạng, trái ngược với địa vị xã hội hay sự giàu có từ sinh thời.
Tác động đến việc hoạch định chính sách: không có công thức tiêu chuẩn nào để đạt được mục tiêu phát triển, nhưng quản trị quốc gia tốt, quản lý kinh tế vĩ mô tốt, quan tâm đến giáo dục, sức khỏe và hội nhập vào nền kinh tế thế giới là những yếu tố quan trọng. Tất cả những yếu tố này đều đòi hỏi cả kiến thức chung, kiến thức chuyên môn và kỹ năng - nó chỉ có thể có được nhờ nền GDKP.
Thúc đẩy tham gia hoạt động chính trị: người lãnh đạo giỏi giúp đất nước đi lên, những người dân có tri thức có thể giúp cân bằng cán cân quyền lực quốc gia. Dân chủ đại diện đóng góp tích cực vào việc duy trì nền kinh tế và ổn định xã hội lâu dài ở phương Tây, nó phụ thuộc vào đại đa số công dân hiểu biết, có khả năng thích ứng và làm việc với những ý tưởng sáng tạo. Bằng việc lan tỏa tri thức, mở rộng GDKP sẽ giúp mỗi công dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị.
Tăng cường gắn kết xã hội: bằng cách đưa ra loạt quan điểm khác nhau và khuyến khích sinh viên kết nối giữa các ngành và nền văn hóa khác nhau, GDKP sẽ thúc đẩy lòng vị tha và hiểu biết lẫn nhau. GDKP cũng giúp nuôi dưỡng ý thức cộng đồng và cùng nhau làm việc hướng tới mục tiêu, với việc mở rộng và làm sâu sắc thêm kiến thức về lịch sử, nghệ thuật và khoa học, nuôi dưỡng niềm tự hào về văn hóa và sự tôn trọng lẫn nhau.

GDKP giúp tăng cường gắn kết xã hội.

Làm giảm chảy máu chất xám: nền GDKP thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời, thúc đẩy sự phát triển của một nền văn hóa trí tuệ sôi động và khuyến khích các chuyên gia được đào tạo ở các quốc gia khác về làm việc tại quê hương. Bản thân học sinh, sinh viên của các nước đang phát triển có thể tiếp cận nền GDKP tại nước nhà mà không nhất thiết phải du học tại các nước phát triển.
Tác động đến toàn cầu hóa: GDKP thúc đẩy sự gắn kết không chỉ bên trong, mà còn giữa các cộng đồng, dân tộc. Nghiên cứu, học tập văn học, lịch sử và ngôn ngữ… của các quốc gia đã làm sáng tỏ cách suy nghĩ trong quá khứ và hiện tại của một quốc gia. Trong một thế giới ngày càng hội nhập, sự đồng cảm với các nền văn hóa khác có thể khuyến khích cả hai có mối quan hệ hòa bình, tương tác kinh doanh và văn hóa hiệu quả.
Phát triển một nền GDKP
GDKP ở phương Tây theo thời gian đã phát triển một “thực đơn” phong phú như lịch sử, chính trị, văn học, ngôn ngữ, khoa học, vật lý và sinh học... Các nước đang phát triển có cơ hội học hỏi từ kinh nghiệm của phương Tây, nhưng họ cũng cần tính đến khía cạnh kinh tế, xã hội và chính trị của nước mình. Ủy ban Phát triển nông thôn Bangladesh (BRAC) gần đây đã thành lập một trường đại học cung cấp nền GDKP nhằm mục đích phản ánh nhu cầu và nguyện vọng của xã hội Bangladesh bằng cách đào tạo những sinh viên tốt nghiệp, những người sẽ làm việc để giảm nghèo và khắc phục các vấn đề nghiêm trọng của quốc gia trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và việc làm. Nghiên cứu của BRAC cho thấy, các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm sinh viên tốt nghiệp với khả năng phân tích, kỹ năng viết, sử dụng tiếng Anh và giao tiếp tốt. Khả năng suy nghĩ độc lập và chủ động trong công việc cũng được đánh giá cao. Sự tham gia của các bên liên quan chính trong quá trình thiết kế chương trình giảng dạy có lẽ là cách tốt nhất để tối đa hóa lợi ích cho xã hội.
Nội dung của chương trình GDKP sẽ thay đổi một cách tự nhiên giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia sẽ cần phải học các bài học ở nơi khác và áp dụng sáng tạo, phù hợp với nhu cầu riêng của quốc gia mình. Ví dụ, ở Nam Phi - nơi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, nên có thể không cần các khóa học ngôn ngữ giống như Hàn Quốc, thay vào đó có thể tập trung đặc biệt vào nhu cầu của đất nước để xây dựng các nội dung đào tạo như luật, triết học, kinh tế, chính trị.
Sau khi đã xác định việc dạy gì, tiếp theo cần quyết định về phương pháp dạy. Mô hình người học thụ động, kiểu thuộc lòng là đặc trưng cho rất nhiều thể chế giáo dục đại học tại các quốc gia đang phát triển, khiến vấn đề trở nên đặc biệt quan trọng. Phương pháp mới yêu cầu sinh viên cần chủ động, thích ứng hơn trong hợp tác thực hiện những công việc mà một xã hội tri thức yêu cầu. Một hệ thống GDKP phát triển có thể mang lại cho những cử nhân khởi đầu trong việc phát triển những kỹ năng cần thiết trong làm việc nhóm để giải quyết vấn đề và tìm kiếm giải pháp. Tuy nhiên trên thực tế, việc tìm kiếm những giảng viên có thể tham gia vào việc dạy và học tương tác là trở ngại chính cho sự phát triển GDKP ở các nước đang phát triển.
Các cải cách cần thiết sẽ chỉ diễn ra nếu các khía cạnh chính trị được xem xét một cách thực tế. Các nhà hoạch định chính sách và các bên hữu quan cũng phải thừa nhận/nhận thức rằng trong cải cách, các khía cạnh kỹ thuật và sư phạm quan trọng, tuy nhiên chúng chỉ là một phần của câu chuyện. Các bên quan tâm - từ sinh viên đến phụ huynh, các nhà giáo dục các cấp, từ doanh nghiệp đến các nhà tài trợ phải đóng góp để thực hiện, và nếu bất kỳ nhóm nào cảm thấy bị bỏ qua, sự thành công của cải cách có thể bị đe dọa.
Câu hỏi mà các nhà thiết kế chương trình giảng dạy cho GDKP phải đối mặt là làm thế nào để cho sinh viên nhận thức được giá trị của GDKP? Hiện nay, như chúng ta đã thấy, đào tạo chuyên ngành thường có sức hút mạnh mẽ hơn các môn học tổng quát. Việc cộng tác với các nhà tuyển dụng trong việc thúc đẩy GDKP là rất quan trọng. Ví dụ, Đại học Quốc gia Singapore đã đưa ra một chương trình GDKP mới cho một số sinh viên đại học với mục tiêu đầy tham vọng rằng, những sinh viên này có thể sánh ngang với các sinh viên thuộc các trường đại học có nền tảng lâu đời hơn tại các nước phát triển phương Tây. Đồng hành với Đại học Quốc gia Singapore còn có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp tại địa phương khi đưa ra những tiêu chí tuyển dụng liên quan đến GDKP, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của phụ huynh và sinh viên về vai trò của GDKP.
Do tỷ lệ giảng viên/sinh viên thấp, nên GDKP có xu hướng đắt hơn so với đào tạo chuyên môn và do đó không phải tất cả học sinh ở các nước nghèo đều có thể được cung cấp một khóa học GDKP. Những trường đại học với truyền thống xây dựng lâu đời trong lĩnh vực giáo dục có thể cung cấp các chương trình chuyên sâu hơn, nhưng để GDKP đóng góp đầy đủ hơn cho xã hội, việc mở rộng quy mô vượt ra ngoài các nhóm ưu tú là cần thiết. Ví dụ, Đại học tư nhân Aga Khan của Pakistan (AKU) đã sử dụng một số khoản tài trợ để cấp học bổng mở rộng khóa học nghệ thuật và khoa học tự do còn non trẻ của mình vượt ra ngoài các nhóm giàu có.
Mặc dù GDKP đem lại nhiều lợi ích, nhưng hầu hết các nước đang phát triển sẽ thấy không thể và cũng không cần thiết cung cấp cho tất cả các sinh viên của mình một nền GDKP. Xây dựng một hệ thống giáo dục đại học, trong đó nhiều loại tổ chức phục vụ các mục đích khác biệt sẽ là điều cần thiết cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc tăng số lượng sinh viên với nền tảng GDKP cơ bản sẽ giúp gỡ bỏ cái mác ưu tú và đặc biệt là giúp tăng cường nguồn vốn nhân lực quốc gia.


 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)