Chuột trong đời sống
Loài chuột có đôi răng cửa rất to, cứng, khỏe và phát triển suốt đời. Do đặc tính của răng chuột có thể dài tới 13 mm/năm, nếu không gặm nhấm răng cửa sẽ dài và cong lại như ngà voi dẫn đến chết đói. Vì vậy, chuột phải gặm nhấm thường xuyên thức ăn, thậm chí cả gỗ và các vật liệu xây dựng. Chuột có khả năng sinh sản rất nhanh, trung bình một con chuột cái có thể đẻ được 45 con/năm (mà theo ước tính, một cặp chuột có thể tạo ra một quần thể với 1.000-3.000 con/năm). Trong điều kiện khí hậu thuận lợi, chuột sinh sản quanh năm, nhưng thường mạnh nhất từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Bên cạnh những điểm “bất lợi” mà đàn chuột gây ra cho con người, chuột hiện vẫn là món ăn ở một số vùng quê thuộc Bắc và Trung Bộ, và người ta thường gọi loài chuột - thực phẩm này với danh từ “chuột đồng” (chuột sống ở khu vực ruộng đồng). Tuy nhiên, chỉ vào các mùa không canh tác, loại chuột này mới dễ tìm, và có lẽ là chúng ăn các loại rau, củ, lúa... còn sót lại sau mỗi vụ thu hoạch. Gần đây, cùng với đời sống ngày càng được cải thiện, chuột lang (còn gọi là bọ ú) có thể coi là một “nghề” mới nhằm phục vụ cho các gia đình trẻ hoặc một số gia đình có điều kiện kinh tế. Khác với “chuột đồng” tự nhiên, loài chuột “nhà” này ở dạng chuột cảnh, và là loài thú cưng đòi hỏi khá nhiều không gian, sự chăm sóc và tương tác của người. Chuột lang thường ăn cỏ Timothy - là loại cỏ chùm lâu năm phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu mát mẻ, ẩm ướt. Khác với loài chuột thông thường, chuột lang gần gũi với con người giống như một số loại gia cầm (mèo, chó, gà cảnh...).
Chuột lang nhà thường ăn cỏ Timothy
Chuột trong văn học, hội họa
Chuột là hình ảnh xuất hiện khá nhiều, đặc biệt là trong các thành ngữ, ca dao, tục ngữ - kho tàng văn học dân gian nước nhà: “Hôi như chuột chù”; “Chuột chù chê khỉ rằng hôi/Khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm?”. Dưới thời phong kiến dù ghét họ hàng nhà chuột phá hoại đồ vật, mùa màng, khi bị bọn cường hào ác bá áp bức, bóc lột, người dân lao động lại kéo chuột về phía mình để đối chọi với mèo giả nhân, giả nghĩa - đại diện bọn thống trị; và cặp hình ảnh mèo - chuột chỉ là ẩn dụ: “Con mèo trèo lên cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ đường xa/Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo”. Hay muốn chê những kẻ ngu dốt mà lại hay tỏ ra thành thạo, lên mặt dạy đời, có câu: “Chuột chù nếm dấm”; chê những kẻ muốn che giấu bản chất xấu xa, không tốt của mình bằng vỏ bọc ngoài giả tạo, có câu: “Chuột đội vỏ trứng”; phê phán những kẻ táo bạo, liều lĩnh, làm những công việc phiêu lưu mạo hiểm, có câu: “Chuột gặm chân mèo”. Với những người vốn sống trong cảnh nghèo khó, túng thiếu bỗng dưng gặp vận may, được cuộc sống đổi đời, sung sướng, ấm no và hạnh phúc, dân gian thường nói: “Chuột sa chĩnh gạo”, “Chuột sa bồ nếp”, hoặc “Chuột sa lọ mỡ”... Trong văn học viết, Trinh thử (Con chuột trinh tiết) (*) là một truyện thơ lục bát dài 850 câu bằng chữ nôm cổ nhất còn lưu giữ được đến ngày nay viết về đề tài này. Năm 1937, nhà văn Tô Hoài cũng đã đưa chuột vào tác phẩm “O chuột” và Nguyễn Quang Lập cũng đã chọn chuột là một trong ba nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi” xuất bản năm 2019…
Trong lĩnh vực điện ảnh, hình ảnh chuột Mickey đã xuất hiện trong khoảng hàng trăm bộ phim, hàng nghìn truyện tranh và rất nhiều đồ lưu niệm. Đối với phim hoạt hình dành cho trẻ em, tên tuổi của chú chuột Mickey còn được sánh ngang với các nghệ sỹ lớn như Sác lơ, có mặt trong Từ điển Bách khoa Larousse bằng định nghĩa: “Con chuột nhắt được nhân cách hóa, một nhân vật hỗn hợp không là người mà cũng không phải thú, nhưng ranh mãnh, năng động và gan dạ”. Hình ảnh chuột Mickey còn là đề tài ưa thích của các họa sỹ, nhà thiết kế truyện tranh, tem thư trên thế giới. Ở nước ta, trong hội họa, từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, cùng với các dòng tranh dân tộc, tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) nói chung và bức tranh “Đám cưới chuột” nói riêng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam còn sống mãi với thời gian. “Đám cưới chuột” hiện lên bức tranh đậm nét dân dã, mang tính cộng đồng cao, vừa hóm hỉnh, vừa rất thâm thúy, sâu cay, qua đó phê phán thói hư, tật xấu của con người trong xã hội phong kiến. Chuột còn có mặt trong đồ gỗ, đồ gốm... bày bán ở các phiên chợ ngày tết trông rất sống động…
Chuột trong đời sống khoa học và công nghệ
Như chúng ta biết, chuột là tên gọi của một trong những bộ phận quan trọng của chiếc máy tính để bàn mà hầu như công sở nào cũng có. Người ta thường nói: có cả thế giới qua một cái rê chuột là vậy. Chuột máy tính ngày càng đẹp, tiện ích, nhỏ gọn, mẫu mã phong phú... Về tính năng, chuột cũng nhạy, chính xác hơn trước. Bên cạnh chuột máy tính, với ý nghĩa “linh hoạt, thông minh, nhanh nhẹn”..., robot chuột cũng xuất hiện trong ngành tự động hóa. Một trong những chuột rô bốt công nghệ được biết đến trên thế giới do các nhà khoa học tại Đại học Waseda (Nhật Bản) có tên là Mini-Robot WR-3 chế tạo cách đây hơn 10 năm và tiếp đó là thế hệ 2 có tên WR-4. Tại Đức, robot Kangaroo sinh học của hãng Fresto nổi tiếng ra đời sau đó ít lâu, đến nay liên tục được hoàn thiện về mặt kỹ thuật, công nghệ và tính năng. Robot chuột túi này có thể bắt chước cách di chuyển của chuột túi, cho phép tiếp đất và nhanh chóng sử dụng hiệu quả năng lượng hấp thu và dự trữ cho các cú nhảy kế tiếp. Một trong những điểm quan trọng nhất của cú nhảy của robot chuột túi là nhờ được trang bị một hệ thống dây chằng gót cấu tạo hết sức đặc biệt cùng loại lò xo dẻo bằng nhựa... nên có thể tạo ra các cú nhảy mạnh mẽ mà vẫn duy trì độ thăng bằng cần thiết.
Chuột bạch, bộ lông màu trắng được sử dụng phổ biến trong các thí nghiệm khoa học
Theo Wikipedia, “chuột thí nghiệm thường được gọi là chuột bạch, bộ lông màu trắng, được sử dụng phổ biến trong các thí nghiệm khoa học trong lĩnh vực y học, sinh học, tâm lý học hoặc các lĩnh vực khác”. Sở dĩ được sử dụng trong các phòng thí nghiệm trên thế giới bởi đây là loài có tỷ lệ gen giống với người tới hơn 80% và sinh sản dễ dàng. Bên cạnh đó, chuột còn là loài dễ biến đổi gen. Các nhà khoa học có thể tác động đến một số gen nhất định của chuột, khiến chúng ở trạng thái bất hoạt hoặc chèn thêm đoạn ADN ngoại lai. Sau đó, họ quan sát sự thay đổi trong hành vi và sinh lý của chuột để tìm ra chức năng và cách thức gây bệnh của những gen này ở người. Từ năm 1889, loài chuột bắt đầu được sử dụng làm vật nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Đến nay, chuột được dùng thử nghiệm trong nhiều dự án khoa học mà khó có thể thống kê được số con tham gia các thí nghiệm khoa học hay định lượng chính xác sự đóng góp cho khoa học của loài chuột. Chỉ biết rằng, các loại thuốc chữa các bệnh nan y được tạo ra (như: ung thư, HIV...) hay nhiều loại vacxin trên thế giới đều được triển khai thử nghiệm trên chuột với nhiều giai đoạn, sau khi được xác định là hiệu quả và không gây độc trên chuột mới mang ra thử nghiệm ở người. Khó có thể tìm ra loài nào có thể thay thế chuột để có thể sớm thấy những gì diễn biến trong nghiên cứu bởi những ưu thế về thời gian thai nghén, sinh trưởng và kết thúc vòng đời chỉ khoảng 3 năm/con. Trong hai năm 2018, 2019, các nhà khoa học của Pháp đã đưa chuột vào hệ thống thí nghiệm nhằm điều chế thuốc trị tiểu đường tuýp 2 với nhiều kết quả rất triển vọng.
Xin khép lại bài viết này bằng hình ảnh chú “Chuột đầu bếp” với tính cách vui nhộn, đáng yêu trong bộ phim hoạt hình hài hước của Mỹ. Mong rằng, năm Canh Tý sẽ đem đến mỗi chúng ta thật nhiều niềm vui như những nụ cười sảng khoái mang lại từ nhân vật chú chuột ngộ nghĩnh trong bộ phim “Chuột đầu bếp” đem lại doanh thu 620,7 triệu đô la Mỹ.
Ghi chú:
(*) Theo nhà nghiên cứu Triêu Dương, Trinh thử mượn chuyện loài vật để nêu lên hình ảnh người phụ nữ ở góa biết giữ lòng chung thủy đối với người chồng đã mất, đả kích hạng dâm dật giở trò ong bướm đối với người góa bụa, và phê phán những phụ nữ ghen tuông quá đáng. Trinh thử đề cao lối sống trong sạch, chỉ trích những kẻ keo bẩn ky cóp làm giàu một cách không chính đáng. Tác phẩm cũng chĩa mũi nhọn vào bọn quyền thần, và phản đối lối sống tùy thời của những kẻ chuyên luồn cúi. Luân lý ở đây có phần hợp với nhân dân lao động, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của lễ giáo phong kiến chính thống (mục từ "Trinh thử" trong Từ điển văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới, 2004).
(TH tổng hợp)