Thứ hai, 26/05/2025 16:50

Hóa học và kỹ thuật hóa học hướng tới phát triển bền vững

Đây là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ 2 do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức ngày 24/05/2025 tại Hà Nội. Hội thảo quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên đầu ngành trong và ngoài nước, cũng như đại diện các doanh nghiệp, tạo nên một diễn đàn học thuật chất lượng nhằm thảo luận, kết nối, lan tỏa tri thức và cùng nhau tìm kiếm giải pháp khoa học cho những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực hóa học và kỹ thuật hóa học.

Từ sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học nổi tiếng

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Thị Mai Hương - Trưởng khoa Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, vai trò của khoa học, đặc biệt là hóa học và kỹ thuật hóa học ngày càng trở nên thiết yếu. Những lĩnh vực này không chỉ góp phần tạo ra các công nghệ xử lý chất thải, tiết kiệm năng lượng, mà còn có khả năng chuyển hóa nguồn nguyên liệu tái tạo thành các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững.

PGS.TS Phạm Thị Mai Hương - Trưởng khoa Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.

PGS.TS Phạm Thị Mai Hương cho rằng, Hội thảo không chỉ là dịp để các nhà khoa học chia sẻ những thành tựu nghiên cứu mới nhất, mà còn là cơ hội để kết nối tri thức học thuật với nhu cầu thực tiễn trong sản xuất và đời sống. Đây cũng là minh chứng cho việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 về phát triển S.T.I.D quốc gia trong thời đại công nghiệp 4.0.

Hội thảo vinh dự được đón tiếp nhiều nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước như GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu - Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa, GS.TS Trần Đại Lâm - Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm,  GS.TSKH Trần Văn Sung - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Hóa học Việt Nam, GS.TS Phạm Hùng Việt - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Dương Minh Hải - Đại học Quốc gia Singapore….

Hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững

GS.TS. Phạm Hùng Việt đã mang đến Hội thảo một góc nhìn sâu sắc và đầy tâm huyết thông qua báo cáo xoay quanh chủ đề “Hiện đại hóa bài thuốc dân gian vùng Tây Bắc - Một chặng đường đầy thách thức và kỳ thú đi tìm thuốc bảo vệ gan, mật”. Theo GS Phạm Hùng Việt, khu vực Tây Bắc là nơi hội tụ kho tàng tri thức y học dân tộc phong phú, với hàng trăm bài thuốc cổ truyền được người dân bản địa gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, do thiếu điều kiện nghiên cứu bài bản và công nghệ chế biến hiện đại, nhiều bài thuốc quý đang đứng trước nguy cơ mai một hoặc chưa được khai thác đúng mức.

GS.TS Phạm Hùng Việt - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo.

GS.TS Phạm Hùng Việt nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp y học cổ truyền với các phương pháp nghiên cứu hiện đại nhằm xác định rõ thành phần hóa học, cơ chế tác dụng cũng như đánh giá độ an toàn và hiệu quả điều trị của các bài thuốc này. Việc hiện đại hóa không chỉ góp phần bảo tồn di sản y học bản địa, mà còn mở ra hướng phát triển các sản phẩm dược liệu mới có giá trị ứng dụng cao trong điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong các bệnh lý về gan - vấn đề đang ngày càng phổ biến. Đây là minh chứng điển hình cho việc khoa học có thể đồng hành cùng văn hóa truyền thống để tạo ra giá trị bền vững, phục vụ thiết thực cho đời sống con người.

PGS.TS Dương Minh Hải - Đại học Quốc gia Singapore phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS Dương Minh Hải đã chia sẻ giá trị về xu hướng công nghệ kinh tế tuần hoàn, một mô hình phát triển đang được nhiều quốc gia tiên tiến quan tâm và thúc đẩy. Ông nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn không chỉ đơn thuần là việc tái chế chất thải, mà là một chiến lược toàn diện nhằm tối ưu hóa vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế, sản xuất, sử dụng đến thu hồi và tái sử dụng. Thay vì mô hình sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ truyền thống, kinh tế tuần hoàn hướng tới việc tái tích hợp chất thải trở lại chuỗi giá trị, giảm thiểu tác động đến môi trường và tiết kiệm tài nguyên. Đặc biệt, PGS.TS Dương Minh Hải đã giới thiệu một số công nghệ tiên tiến đang được áp dụng tại Singapore, như chuyển đổi rác thải nhựa thành nhiên liệu sạch, sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ công nghiệp, hay mô hình nhà máy không phát thải carbon. Những kinh nghiệm thực tiễn này cho thấy tiềm năng to lớn của kinh tế tuần hoàn trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Để áp dụng thành công mô hình này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách, công nghệ và ý thức cộng đồng, trong đó khoa học và giáo dục đóng vai trò then chốt.

Chia sẻ về định hướng phát triển lĩnh vực hóa học, PGS.TS. Phạm Thị Mai Hương nhấn mạnh vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói chung và của Khoa Công nghệ Hóa học nói riêng. Theo PGS.TS Phạm Thị Mai Hương, trong những năm gần đây, Khoa Công nghệ Hóa học đã không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy gắn liền với nghiên cứu ứng dụng, thông qua việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại và khuyến khích sinh viên, giảng viên tham gia vào các đề tài nghiên cứu thiết thực, có khả năng chuyển giao công nghệ và phục vụ sản xuất. Đặc biệt, hoạt động đổi mới sáng tạo được xem là trụ cột trong định hướng phát triển lâu dài của Khoa, với trọng tâm là các lĩnh vực như hóa học xanh, vật liệu tiên tiến, xử lý môi trường và hóa dược. PGS.TS Phạm Thị Mai Hương cũng chia sẻ rằng, Khoa luôn tạo điều kiện thúc đẩy tinh thần học thuật cởi mở, xây dựng môi trường nghiên cứu liên ngành và mở rộng hợp tác với doanh nghiệp cũng như các viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Những nỗ lực đó không chỉ giúp nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên, sinh viên, mà còn góp phần đưa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến thực tiễn, góp phần giải quyết các thách thức về kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Từ những giá trị mà Hội thảo mang lại, có thể thấy rõ xu hướng phát triển của lĩnh vực hóa học cũng như kỹ thuật hóa học trong giai đoạn hiện nay và sắp tới sẽ tập trung vào các mục tiêu mang tính bền vững và đổi mới sáng tạo. Các nghiên cứu không chỉ còn là lý thuyết mà đã và đang đóng vai trò định hình tương lai, thông qua việc kiến tạo công nghệ mới, sản phẩm mới và cả những mô hình kinh tế - xã hội mới.

Xuân Diện

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)