Lấy con người làm trung tâm và động lực cho phát triển
Đề án “Đầu tư phát triển nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh chuẩn quốc tế” không chỉ là một chương trình phát triển nhân lực chất lượng cao, mà còn là hệ sinh thái đổi mới khoa học, công nghệ toàn diện, lấy con người làm trung tâm và động lực cho phát triển. Thông qua Đề án, ĐHQGHN xác định việc phát triển đội ngũ nhà khoa học xuất sắc và các nhóm nghiên cứu mạnh là nhân tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, đồng thời trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về sản phẩm chip bán dẫn của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (nguồn: VNU Media).
Theo Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, việc tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu chuẩn quốc tế không chỉ giúp bù đắp sự thiếu hụt nhà khoa học đầu ngành mà còn nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, góp phần quan trọng vào phát triển nền kinh tế tri thức của Việt Nam. Đề án đặt trọng tâm huy động tối đa các nguồn lực, đồng thời xây dựng môi trường nghiên cứu tiên tiến, thu hút, trọng dụng các nhà khoa học xuất sắc trong và ngoài ĐHQGHN. Các hoạt động này được tiến hành phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và khoa học, công nghệ quốc gia, cũng như tầm nhìn phát triển ĐHQGHN đến năm 2030 và 2045.
Cụ thể hóa điều kiện và tiêu chuẩn
Đề án đã cụ thể hóa điều kiện và tiêu chuẩn đánh giá. Theo đó, điều kiện để tham gia đánh giá: a) Cán bộ cơ hữu của ĐHQGHN, có trình độ từ tiến sỹ trở lên; b) Đã và đang tham gia đào tạo tiến sỹ; c) Là tác giả chính của ít nhất 03 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín, hoặc chủ biên 01 sách chuyên khảo, hoặc là tác giả của 01 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ và được ứng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; d) Sử dụng thành thạo ít nhất 01 ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn; đ) Đã hoặc đang chủ trì ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp ĐHQGHN trở lên; e) Đang không bị xem xét kỷ luật hoặc thi hành kỷ luật.
Về tiêu chuẩn đánh giá, Đề án đã tính điểm cho từng tiêu chí cụ thể của mỗi tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn về vai trò dẫn dắt hoạt động chuyên môn, gồm các tiêu chí: hoạt động quản lý chuyên môn; hoạt động dẫn dắt chuyên môn (số lượng nghiên cứu sinh - NCS) hướng dẫn chính đã bảo vệ luận án thành công trong 3 năm gần đây, số lượng NCS đang hướng dẫn); tham gia điều phối/lãnh đạo các tổ chức hoặc mạng lưới khoa học và công nghệ (hội đồng khoa học, hiệp hội nghề nghiệp, mạng lưới chuyên môn, liên minh phòng thí nghiệm…); tham gia các ủy ban, hội đồng chuyên gia kỹ thuật của các cơ chế quốc tế như hiệp hội nghề nghiệp, quỹ tài trợ, tổ chức quốc tế...
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, gồm các tiêu chí: trình độ học thuật; giải thưởng khoa học đã đạt được; đề tài khoa học đã chủ trì trong 03 năm gần đây; cấp độ nhóm nghiên cứu đang tham gia; tham gia ban biên tập các tạp chí khoa học; số lần được mời chủ tọa các hội thảo khoa học hoặc tiểu ban chuyên môn của hội thảo khoa học cấp quốc gia hoặc quốc tế trong 3 năm gần đây; số lần được mời đóng góp ý kiến tại các diễn đàn tư vấn chính sách xã hội, kinh tế, khoa học, công nghệ cấp quốc gia và quốc tế trong 03 năm gần đây.
Tiêu chuẩn về đóng góp khoa học, gồm các tiêu chí: số lượng bài báo công bố (là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ) trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (Web of Science/Scopus) trong 05 năm gần đây (tổng số và số bài thuộc chuyên ngành trực tiếp); số sách chuyên khảo do nhà xuất bản quốc tế hoặc trường đại học nước ngoài có uy tín xuất bản bằng tiếng nước ngoài trong 5 năm gần đây; số sách chuyên khảo xuất bản trong nước trong vòng 05 năm gần đây; số sản phẩm khoa học và công nghệ được chuyển giao để thương mại hóa hoặc sản xuất trong 05 năm gần đây; số hợp đồng tư vấn chính sách/giải pháp hữu ích được áp dụng trong 03 năm gần đây; số lượng sáng chế (hoặc tương đương) được cấp văn bằng bảo hộ trong 03 năm gần đây; chỉ số H-index từ cơ sở dữ liệu Scopus; số bài báo trung bình/năm được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước thuộc danh mục của Hội đồng Giáo sư Nhà nước trong 3 năm gần đây.

Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu khoa học tại một phòng thí nghiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội (nguồn: VNU Media).
Tiêu chuẩn về năng lực hội nhập quốc tế, gồm các tiêu chí: trình độ ngoại ngữ; số lượng đối tác quốc tế đã và đang triển khai chung dự án khoa học và công nghệ trong vòng 03 năm gần đây; số báo cáo được mời trình bày tại hội thảo khoa học quốc tế trong 03 năm trở lại đây; số lần được mời giảng dạy tại trường đại học hoặc nghiên cứu tại tổ chức khoa học và công nghệ có uy tín ở nước ngoài trong 05 năm gần đây; tham gia hướng dẫn cao học, NCS ở nước ngoài; số lần tham gia phản biện luận văn, luận án ở các cơ sở giáo dục nước ngoài; được bổ nhiệm GS, PGS thỉnh giảng (visiting), kiêm nhiệm (adjunct), chính thức (fulltime) tại các cơ sở giáo dục quốc tế.
Tiêu chuẩn về cá nhân, gồm các tiêu chí: độ tuổi; thời gian công tác tại ĐHQGHN; kết quả thẩm định Dự thảo Kế hoạch nghiên cứu chi tiết gắn với định hướng chuyên môn sâu của nhà khoa học.
Lộ trình phát triển
Đề án ưu tiên phát triển các công nghệ chiến lược theo từng giai đoạn, trong đó giai đoạn ngắn hạn (2025-2030) tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến và kinh tế số để tạo ra các đột phá ban đầu. Giai đoạn trung hạn (2030-2040) sẽ đẩy mạnh phát triển công nghệ lượng tử, tự động hóa thông minh, năng lượng tái tạo và y sinh tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng. Cuối cùng, giai đoạn dài hạn (2040-2045) định hình công nghệ nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo, gồm công nghệ nano, sinh học ứng dụng trong y học chính xác và AI cấp độ cao, với mục tiêu đưa ĐHQGHN trở thành trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới.
Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 2024-2025, ĐHQGHN phát triển đội ngũ 200 nhà khoa học xuất sắc, mỗi người có tối thiểu 04 bài báo công bố trên các tạp chí thuộc danh mục Web of Science/Scopus, qua đó tăng số lượng công bố quốc tế lên 400-500 bài so với năm 2023. Đồng thời, ĐHQGHN sẽ thành lập Câu lạc bộ Nhà khoa học xuất sắc VNU200 nhằm kết nối, hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu chất lượng cao. Về phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, ĐHQGHN đầu tư 50 nhóm nghiên cứu theo hai định hướng: i) Nhóm nghiên cứu gắn với sản phẩm ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu; ii) Nhóm nghiên cứu tập trung công bố quốc tế đỉnh cao, nâng cao vị thế học thuật của ĐHQGHN.
Giai đoạn 2026-2030, Đề án đặt mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu chuẩn quốc tế, xếp hạng top 500.
Chính sách phát triển
Đề án đưa ra các giải pháp tăng thu nhập cứng từ ngân sách và quỹ nội bộ như: thành lập Quỹ phát triển khoa học xuất sắc; chi trả thu nhập tăng thêm theo hiệu suất (KPI-based Salary); lương cơ bản + thu nhập tăng theo hiệu quả công việc (giảng dạy, nghiên cứu); nhà khoa học xuất sắc chuẩn ĐHQGHN được hưởng tối thiểu gấp 03 lần tổng thu nhập lương hàng tháng; nhà khoa học xuất sắc chuẩn quốc tế được hưởng tối thiểu gấp 05 lần tổng thu nhập theo lương hàng tháng.
Có cơ chế "Thưởng công trình": thưởng bài báo khoa học đột phá (bài báo top 1% ngành: 200-300 triệu đồng/bài, nhóm Q1: 100 triệu đồng/bài, nhóm Q2: 50 triệu đồng/bài); thưởng cho sáng chế, chuyển giao công nghệ (500 triệu đến 1 tỷ đồng/sáng chế quốc tế; nhận 30-50% doanh thu từ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu). Ngoài ra, Đề án cũng đề ra giải pháp huy động doanh nghiệp và quỹ nghiên cứu tư nhân để hỗ trợ tài chính cho các nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh.
Đề án có cơ chế đảm bảo thu nhập từ nghiên cứu, giảng dạy. Trong 03 năm đầu công tác tại ĐHQGHN được ưu tiên giao đề tài/chương trình/nhiệm vụ có kinh phí lớn (1-3 tỷ đồng đối với nhà khoa học xuất sắc chuẩn ĐHQGHN, 5-10 tỷ đồng đối với nhà khoa học xuất sắc chuẩn mực quốc tế); cho phép nhà khoa học đăng ký thành lập công ty spin-off, được hỗ trợ đặc biệt về thuế, đầu tư ban đầu (theo mô hình của Cambridge và Stanford); ưu tiên giảng dạy chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế với mức thù lao cao; tổ chức khóa học chuyên đề, masterclass, thu phí từ học viên…
Vũ Hưng