Thứ sáu, 23/05/2025 16:39

Nhà trường cần làm gì trong bối cảnh ứng dụng AI vào giáo dục đào tạo?

Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2023, hơn 90% nhà giáo dục đồng ý rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm thay đổi sâu sắc cách dạy và học trong vòng 5 năm tới. Tại Việt Nam, Bộ Gíao dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số ngành giáo dục (Quyết định số 131/QĐ-BGDĐT ngày 25/01/2022) với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng AI vào quản trị và giảng dạy. Việc ứng dụng AI cần đặt người học, nhà giáo và cán bộ quản lý làm trung tâm, tận dụng lợi thế nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, sáng tạo, tự học và kiểm soát rủi ro.

Việc ứng dụng AI, đặc biệt là các mô hình AI tạo sinh vào nhà trường, từ đội ngũ quản lý, giáo viên đến học sinh sẽ sớm không còn xa lạ. Đây còn là nội dung quan trọng được định hướng đến năm 2035 trong dự thảo Chiến lược ứng dụng AI trong giáo dục đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng. Đứng trước những thay đổi này, nhà trường cần làm gì để vừa đảm bảo dung hòa lợi ích các bên, vừa phát huy tính hiệu quả của việc ứng dụng AI trong giáo dục đào tạo?

Đào tạo đội ngũ "giáo viên số"

Trước đây, việc đầu tư chưa có trọng điểm các trang thiết bị giáo dục công nghệ cao đã gây ra nhiều lãng phí và không đạt được hiệu quả cần thiết. Một trong những lý do chính đến từ việc đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo và tập huấn một cách bài bản. Hiện nay, công nghệ AI có khả năng tối ưu hóa quy trình giảng dạy, tăng tính hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, nhiều mô hình AI tạo sinh đang được sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI cũng sẽ không hiệu quả nếu giáo viên không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ.

Nhà trường cần làm gì trong bối cảnh ứng dụng AI vào giáo dục đào tạo? (hình minh họa do AI tạo).

Đứng trước thực trạng này, nhà trường cần đào tạo đội ngũ “giáo viên số” bằng cách: Tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn giáo viên cách ứng dụng AI vào giảng dạy. Đồng thời, khuyến khích giáo viên sử dụng các công cụ AI như ChatGPT, Copilot... để soạn giáo án, tạo nội dung học tập phong phú. Nâng cao tri thức công nghệ trong khung TPACK (Technological Pedagogical Content Knowledge), giúp giáo viên tích hợp hiệu quả công nghệ vào giảng dạy mà vẫn đảm bảo chất lượng nội dung và phương pháp sư phạm.

Việc đào tạo đội ngũ “giáo viên số” cần diễn ra từng bước, bắt đầu bằng việc tiếp cận với các mô hình AI tạo sinh sẵn có. Các khóa đào tạo nên được tổ chức thường xuyên, thống nhất và có đánh giá đo lường cụ thể, tránh tổ chức theo dạng hình thức.

Về phía nhà trường, cần lựa chọn, phổ biến và hướng dẫn giáo viên sử dụng các công cụ AI tạo sinh phù hợp với hoạt động giảng dạy. Từ đó, cùng xây dựng cơ sở dữ liệu mở và cho phép AI hỗ trợ phân tích, dự báo và hoạch định chính sách giáo dục, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái ứng dụng AI cho giáo dục Việt Nam.

Đưa ứng dụng AI vào từng môn học

Mặc dù có nhiều quốc gia lo ngại việc học sinh phổ thông sử dụng AI sẽ làm mất khả năng sáng tạo, tăng sự phụ thuộc và gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng AI vào học tập đã và đang được Nhà nước quan tâm, nghiên cứu các phương thức triển khai phù hợp. Thay vì “cực đoan hóa” theo kiểu cấm hoàn toàn AI, nhà trường có thể bắt đầu nghiên cứu các hướng dẫn triển khai ứng dụng AI cho học sinh, bắt đầu bằng những bài học không tính điểm.

Ví dụ, trong môn Lịch sử, AI có thể tạo bản đồ tương tác về các thời kỳ lịch sử, hoặc giả lập nhân vật lịch sử để trò chuyện cùng học sinh. Trong môn Toán, AI như Khanmigo (thuộc Khan Academy - đơn vị giáo dục phi lợi nhuận đầu tiên tích hợp ChatGPT vào hệ thống học tập) có thể đưa ra gợi ý giải bài theo từng bước giúp học sinh tự làm bài mà không đưa ra trực tiếp đáp án. Với Văn học, AI tạo sinh giờ đây có thể đóng vai Chí Phèo để mô tả cho học sinh hiểu bát cháo hành của Thị Nở có vị như thế nào…

Bên cạnh đó, AI còn có thể đóng vai trò trợ lý học tập cá nhân, giúp học sinh tiếp cận kiến thức nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, giúp các em được làm quen với công nghệ và hình thành tư duy làm việc trong tương lai. Điều cần thiết là đội ngũ giáo viên có đủ năng lực định hướng cho học sinh biết cách sử dụng AI theo hướng hiệu quả, nâng cao khả năng tự học, tự tìm hiểu kiến thức một cách chủ động, hình thành tư duy phản biện và rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm.

Đồng thời, đội ngũ giáo viên cũng cần thường xuyên cập nhật, đổi mới phương pháp đánh giá, kiểm tra phù hợp nhằm thích ứng với việc sử dụng AI của người học.

Đưa ứng dụng AI vào từng môn học (hình minh họa do AI tạo).

Ban hành các quy tắc sử dụng AI trong học đường

Việc ứng dụng AI trong học tập có nhiều lợi ích không thể chối cãi, nhưng cũng đi kèm với những thách thức, đặc biệt là nguy cơ học sinh lạm dụng AI để gian lận trong kiểm tra, đánh giá. Chính vì vậy, nhà trường cần ban hành bộ quy tắc về việc sử dụng AI trong nhà trường, bao gồm các nội dung như: mục đích và phạm vi áp dụng; nguyên tắc sử dụng AI; quy định về sử dụng AI trong học tập và giảng dạy; quy định về quản lý và giám sát; tính trách nhiệm và đạo đức...

Một số trường đại học quốc tế đã đi trước trong việc này. Chẳng hạn, Đại học Harvard công bố “AI Use Policy” từ 2023, yêu cầu sinh viên minh bạch khi dùng AI trong tiểu luận và cấm dùng AI trong thi kiểm tra. Việt Nam có thể tham khảo và nội luật hóa theo đặc thù quốc gia.

Đồng thời, nhà trường cần chuẩn bị thiết lập Khung năng lực AI cùng với bộ tiêu chí đánh giá dành cho người học và giáo viên. Quan trọng nhất là các quy định liên quan đến quản lý dữ liệu và bảo mật thông tin nhằm đảm bảo việc ứng dụng AI diễn ra an toàn và hiệu quả.

Để khuyến khích việc tự nghiên cứu và ứng dụng AI tạo sinh trong giảng dạy và học tập, nhà trường cũng có thể tổ chức các cuộc thi ứng dụng AI liên quan nhằm lan tỏa các giá trị tích cực mà AI mang lại.

Thay đổi cách hướng nghiệp

Sự phát triển của AI đang tái định hình toàn bộ quy trình hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, từ tư vấn định tính truyền thống sang các mô hình cá nhân hóa có hỗ trợ của dữ liệu lớn và máy học. Các nền tảng như FutureFit AI hay MyCareerPath.ai đã có khả năng phân tích hồ sơ cá nhân, hành vi học tập, sở thích và xu hướng tính cách để đề xuất lộ trình nghề nghiệp một cách chính xác và có căn cứ hơn.

Ví dụ, AI giờ đây đã có thể phân tích năng lực, sở thích, tính cách và xu hướng của từng học sinh để đề xuất nhóm ngành, lộ trình nghề nghiệp phù hợp. Cũng như kết hợp với thực tế ảo (VR) giúp học sinh trải nghiệm công việc trong môi trường giả lập trước khi quyết định chọn ngành nghề.

Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các công cụ này, nhà trường cần xây dựng một khung hướng nghiệp số, kết hợp giữa tư vấn con người với AI, và đồng thời đào tạo giáo viên đóng vai trò “huấn luyện viên hướng nghiệp công nghệ” thay vì chỉ là người truyền đạt thông tin ngành nghề như trước đây. Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức số và thiên vị thuật toán, để đảm bảo AI không vô tình làm sai lệch định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã bắt đầu tích hợp hướng nghiệp vào chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên việc ứng dụng AI vào lĩnh vực này vẫn còn manh mún, thiếu hệ thống và chưa có khung pháp lý rõ ràng. Trong bối cảnh đó, các trường cần chủ động tiếp cận các mô hình hướng nghiệp tiên tiến, hợp tác với các công ty công nghệ và tổ chức quốc tế để triển khai các nền tảng hướng nghiệp cá nhân hóa dựa trên AI.

Nhà trường cũng cần xây dựng bộ tiêu chí hướng nghiệp mới, không chỉ đo lường kiến thức hay năng khiếu, mà còn đánh giá khả năng học tập suốt đời, mức độ linh hoạt nghề nghiệp, và năng lực thích ứng với công nghệ. Đây là chìa khóa để giúp thế hệ trẻ không bị đào thải trong kỷ nguyên AI, mà ngược lại, biết cách làm chủ nó để kiến tạo tương lai cho chính mình.

Có thể thấy, AI đã và đang thay đổi hệ thống giáo dục theo từng ngày, từng giờ. Việc ứng dụng AI, đặc biệt là AI tạo sinh trong giáo dục là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển giáo dục quốc gia. Chính vì vậy mà nhà trường cần bắt đầu nghiên cứu, triển khai và có lộ trình phát triển phù hợp trong bối cảnh ứng dụng AI vào giáo dục đào tạo như hiện nay.

ThS Võ Thị Mỹ Duyên, ThS Công Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2025), Dự thảo Chiến lược ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục.

2. Nguyễn Thế Dũng (2023), “Đề xuất thang đo thực hành dựa trên khung TPACK cho đánh giá năng lực tích hợp công nghệ trong dạy học”, Tạp chí Giáo dục, 23(8), tr34-39.

3. Nhóm phóng viên (2023), “Những công trình lãng phí nguồn lực (Kỳ 3): Bất cập trong cấp, sử dụng thiết bị dạy học”, Báo Gia Lai,  https://baogialai.com.vn/nhung-cong-trinh-lang-phi-nguon-luc-ky-3-bat-cap-trong-cap-su-dung-thiet-bi-day-hoc-post93616.html, truy cập ngày 1/5/2025.

4. Office of Undergraduate Education (2023), “Generative AI: Course policy guidance for instructors”, Harvard College, https://oue.fas.harvard.edu/ai-guidance, truy cập ngày 01/05/2025.

5. Harvard University Provost's Office (2023), Guidelines for Using ChatGPT and Other Generative AI Tools at Harvard, https://provost.harvard.edu/guidelines-using-chatgpt-and-other-generative-ai-tools-harvard, truy cập ngày 01/05/2025.

6. Harvard Business School (2023), ChatGPT and other AI tools: Standards of Conduct, https://www.hbs.edu/mba/handbook/standards-of-conduct/academic/chatgpt-and-ai, truy cập ngày 01/05/2025.

7. Harvard Graduate School of Education. (2023), AI Use Policy, https://registrar.gse.harvard.edu/AI-policy, truy cập ngày 01/05/2025.

8. Organisation for Economic Co-operation and Development (2018), The Future of Education And Skills: Education 2030, https://www.oecd.org/education/2030-project/, truy cập ngày 01/05/2025.

9. UNESCO (2022), Reimagining Our Futures Together: A New Social Contract for Education, https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379707, truy cập ngày 01/05/2025.

10. World Bank (2021), The Changing Nature of Work, https://www.worldbank.org/en/publication/wdr2019, truy cập ngày 1/5/2025.

11. World Economic Forum (2023), The Future of Jobs Report 2023, https://www.weforum.org/reports/the-future-of-jobs-report-2023/, truy cập ngày 01/05/2025.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)