Từ xuất phát điểm thấp
Theo PGS.TS Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), xuất phát điểm thấp là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp nội địa phải giải quyết cùng lúc 4 bài toán: vốn - con người - quản trị - công nghệ thay vì đi theo trình tự và bước đi vững chắc.

PGS.TS Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). (nguồn: Duy Trinh).
Trong cách tiếp cận truyền thống, để nâng cao NSCL doanh nghiệp phải bắt đầu từ vốn. “Đầu tư nhiều thì giá trị tăng lên”, đó là tư duy đơn giản nhất, song nếu chỉ tập trung vào tăng vốn mà bỏ quên các yếu tố khác, hiệu quả sẽ không bền vững. Khi đã có vốn, chìa khóa thứ hai chính là con người. Các doanh nghiệp phải đào tạo, huấn luyện để đội ngũ lao động nâng cao kỹ năng chuyên môn và phương pháp làm việc. Tuy nhiên ở Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn diện chưa tới 60%, trong đó chỉ khoảng 25% được đào tạo chuyên sâu. Như vậy, cứ 4 người lao động thì chỉ có 1 người từng trải nghiệm đào tạo, dẫn đến chất lượng lao động thấp, từ đó kéo lùi năng suất chung.
Tiếp đến là hệ thống quản trị - yếu tố thứ 3 không thể thiếu. Doanh nghiệp cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, tiêu chuẩn quốc gia TCVN, đồng thời làm chủ các công cụ quản lý tiên tiến như 5S, Kaizen, Lean, 6 Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… Một hệ thống quản trị chặt chẽ không chỉ giúp tối ưu quy trình sản xuất, mà còn cải thiện khả năng giám sát, đánh giá để kịp thời điều chỉnh và cải tiến.
Yếu tố cuối cùng trong hành trình nâng cao NSCL là công nghệ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) vào quản trị, sản xuất, dịch vụ và chăm sóc khách hàng mang lại bước nhảy vọt về hiệu suất vận hành. Trên thế giới, các doanh nghiệp đi qua lần lượt bốn giai đoạn: vốn - con người - quản trị - công nghệ. Việt Nam lại đang giải quyết đồng thời cả bốn khâu, dẫn đến phân tán nguồn lực và khó đạt hiệu quả cao cho bất kỳ giai đoạn nào.
PGS.TS Phan Chí Anh cho biết, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này xuất phát từ điểm khởi đầu quá thấp của doanh nghiệp nội địa. So với các Tập đoàn lớn như Samsung, Toyota, Ford… họ đã mất hàng trăm năm để tích lũy vốn, công nghệ, kinh nghiệm và thừa hưởng tiến bộ khoa học và công nghệ; trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính xuất phát điểm khác biệt quá lớn đã khiến chúng ta phải làm đồng thời nhiều việc, thay vì tuần tự và chuyên nghiệp hóa từng bước, PGS.TS Phan Chí Anh phân tích.
Tìm kiếm “động lực” cho phát triển
Trong kỷ nguyên vươn mình, chính sách quốc gia cần tìm ra “động lực” và “nguồn lực” mới. Trước đây, Việt Nam chú trọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với kỳ vọng tạo công ăn việc làm và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, khu vực FDI ngày càng giảm đóng góp cho ngân sách, gần 3.000 doanh nghiệp nước ngoài đang lỗ triền miên dù vẫn tạo được việc làm cho người lao động. Vậy đâu mới là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong “kỷ nguyên mới”?
Theo thống kê, nền kinh tế bao gồm ba nhóm doanh nghiệp: FDI, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Dù chỉ chiếm 10-20% số lượng doanh nghiệp, khu vực tư nhân đóng góp tới 50% GDP, trong khi FDI và doanh nghiệp nhà nước sử dụng lượng tài nguyên lớn hơn nhưng hiệu quả thấp hơn. Chính sách phải đặt khu vực tư nhân làm trọng tâm, vừa hỗ trợ vừa tạo áp lực để doanh nghiệp đổi mới và vươn lên - PGS.TS Phan Chí Anh nhấn mạnh.
PGS.TS Phan Chí Anh đề xuất bắt buộc trích 1-2% doanh thu cho đào tạo, đầu tư công nghệ, nghiên cứu sáng tạo. Các tập đoàn lớn như VNPT, Viettel đã dành 5-8% ngân sách cho khoa học và công nghệ, vì vậy doanh nghiệp tư nhân cũng cần bình đẳng nghĩa vụ và quyền lợi. Chỉ khi có áp lực, họ mới chịu đầu tư bài bản chứ không chạy theo phong trào, PGS.TS Phan Chí Anh lý giải.
Từ góc độ giáo dục, ông cho rằng, trường đại học chỉ cung cấp kiến thức nền, doanh nghiệp phải tiếp tục đào tạo theo mô hình thực tế. Với 900.000 doanh nghiệp khác nhau về quy mô, ngành nghề và mô hình kinh doanh, họ cần dành 1-2 năm đầu để đào tạo bài bản như Toyota đã làm. Đồng thời, mỗi trường đại học nên có ít nhất một chuyên gia về NSCL để phối hợp với doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên tiếp cận yêu cầu thực tiễn ngay từ ghế giảng đường.
Về chính sách, ngoài hỗ trợ, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích thông qua hiệp hội; với doanh nghiệp lớn, chính sách nên yêu cầu tiêu chí rõ ràng về đầu tư vào đào tạo và công nghệ. Đặc biệt, vị trí trưởng phòng chất lượng (QC) ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần trở thành chứng chỉ nghề nghiệp bắt buộc, theo mô hình đã áp dụng tại Nhật Bản từ thế kỷ trước.
Chỉ khi đồng bộ về chính sách, đào tạo và hệ thống quản trị, cộng thêm áp dụng công nghệ hiện đại, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể vượt qua “rào cản” xuất phát điểm thấp, từng bước nâng cao NSCL, cải thiện sức cạnh tranh và đóng góp mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế đất nước.
Duy Trinh