Hiện nay, AI đóng vai trò quan trọng trong kinh tế và đời sống của nhiều các quốc gia trên thế giới cũng như là yếu tố thiết yếu trong việc thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. AI được sử dụng trong nhiều lĩnh vực và mang lại nhiều lợi ích như giúp thực hiện các công việc tự động hóa, tăng năng suất lao động, phân tích dữ liệu lớn, tra cứu thông tin...
Theo các nghiên cứu gần đây, AI có thể đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới vào năm 2030 hay thậm chí AI có thể đóng góp tích lũy cho đến năm 2030 gần 20 nghìn tỷ USD và chiếm 3,5% GDP toàn cầu vào năm 2030. Không nằm ngoài xu hướng thế giới, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, xây dựng các chính sách cho AI cũng như hoạch định đóng góp của AI cho đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của AI cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý không chỉ tại Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới. Trong đó, trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI), còn được gọi là AI tạo sinh, đang thu hút sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ trên toàn cầu nhờ những khả năng đột phá. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được các nhà lập pháp xem xét và giải quyết, đặc biệt là việc có công nhận quyền tác giả (cho cá nhân, tổ chức) đối với tác phẩm do AI tạo ra hay không?
Vấn đề này đã gây nên nhiều tranh cãi trên thế giới vì nhiều lo ngại như AI lấy mất việc làm của con người, hạn chế khả năng sáng tạo hay các công ty công nghệ huấn luyện AI dựa trên cơ sở dữ liệu được thu thập bất hợp pháp mà không xin phép các tác giả.
Có thể nói rằng, AI là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trên thế giới, nhưng đa số các quốc gia cũng như Việt Nam vẫn chưa ban hành các quy định, chính sách hoặc án lệ liên quan đến AI cũng như quyền tác giả của tác phẩm do AI tạo ra mà có sự tham gia sáng tạo của con người. Từ đó, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước và người dân trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi quy định của các quốc gia khác.
Quy định về bảo hộ quyền tác giả với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo tại một số quốc gia
Vương quốc Anh
Vương quốc Anh là một trong số ít các quốc gia đi đầu trong việc công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm do AI tạo ra từ sớm. Theo quy định tại Điều 9(3) của Đạo luật Bản quyền thiết kế và Bằng sáng chế của Vương quốc Anh - Copyright, Designs and Patents Act 1988 (CDPA 1988) nêu rõ, “Trong trường hợp tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật được tạo ra bằng máy tính, tác giả là người thực hiện những sắp xếp cần thiết cho việc tạo ra tác phẩm đó”. Ngoài ra, Điều 178 cho phép bảo vệ bản quyền đối với các tác phẩm do máy tính tạo ra trong trường hợp không có tác giả là con người của tác phẩm đó. Tuy nhiên, vì bản quyền không thể thuộc về máy móc hoặc các chương trình máy tính không phải là con người, nên tác giả của tác phẩm do máy tính tạo ra là người "thực hiện các sắp xếp cần thiết để tạo ra tác phẩm".
Hiện nay, CDPA 1988 đã bảo hộ các tác phẩm do máy tính tạo ra, bao gồm cả tác phẩm AI. Cuộc tham vấn của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO) vào tháng 10/2021 kết luận rằng, các quy định hiện hành đủ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tác phẩm này mà không cần thay đổi luật. Điều này phản ánh mục tiêu của Chính phủ Anh trong việc thúc đẩy AI và vươn lên thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Liên minh châu Âu
Luật bản quyền, Đạo luật AI và các quy định khác của Liên minh châu Âu (EU) đều không đề cập trực tiếp đến quyền tác giả đối với tác phẩm do AI tạo ra bất kể có sự tham gia sáng tạo của con người hay không. Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (CJEU), cũng chỉ cung cấp một số hướng dẫn mang tính định hướng nhưng cũng rất hạn chế. Việc xác định xem kết quả mà AI tạo ra có thể đáp ứng yêu cầu được coi là tác phẩm hay không sẽ do từng quốc gia thành viên EU quyết định.
Chẳng hạn, Đạo luật bản quyền của Đức yêu cầu tác giả phải sáng tạo bằng trí tuệ của chính mình để tác phẩm đó được công nhận là tác phẩm có bản quyền. Do đó, máy móc hay các chương trình máy tính đều không thể là tác giả của một tác phẩm tại Đức.
Pháp cũng có quan điểm tương tự khi pháp luật hiện hành quy định rằng, chỉ có con người mới được coi là tác giả của một tác phẩm. Để một tác phẩm được bảo vệ bản quyền, nó phải mang dấu ấn cá nhân và sự sáng tạo của người tạo ra, tức là con người. Tuy nhiên, mức độ tham gia của con người trong quá trình sử dụng AI để hỗ trợ quá trình sáng tạo tác phẩm đó được bảo hộ hay không vẫn chưa được xác định.
Hay tại Cộng hòa Séc, Tòa án thành phố Praha đã từ chối công nhận quyền tác giả đối với hình ảnh do AI tạo ra. Tòa án cho rằng, nguyên đơn không thể chứng minh rằng mình là tác giả của hình ảnh khi không thể chứng minh được ai đã hướng dẫn AI và câu lệnh nào được nhập để AI đã tạo ra hình ảnh. Bên cạnh đó, Tòa án cho rằng nếu hình ảnh không phải do người yêu cầu tạo ra mà do AI tạo ra, thì về nguyên tắc, hình ảnh đó không thể được bảo vệ theo bản quyền. Quan điểm của Tòa án là hình ảnh đó không phải là kết quả của hoạt động sáng tạo của con người và câu lệnh chỉ có thể được coi là ý tưởng cho một tác phẩm, mà theo Luật Bản quyền của Cộng hòa Séc thì không có ý tưởng nào được bảo vệ theo bản quyền, đây cũng là một nguyên tắc được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới cũng như Việt Nam.
Hoa Kỳ
Cho đến hiện tại, Hoa Kỳ vẫn không chấp nhận bảo hộ tác phẩm do AI tạo ra bất kể có sự tham gia sáng tạo của con người hay không. Như Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ (USCO), đã nêu trong Hướng dẫn đăng ký bản quyền đối với các tác phẩm có chứa tài liệu do AI tạo ra: “bản quyền chỉ có thể bảo vệ các tài liệu là sản phẩm của sự sáng tạo của con người”. Do đó, USCO “sẽ không đăng ký các tác phẩm do máy móc hoặc quy trình cơ học đơn thuần tạo ra một cách ngẫu nhiên hoặc tự động mà không có bất kỳ sự can thiệp hoặc đầu vào sáng tạo nào từ tác giả là con người”.
USCO sẽ xem xét rằng, "liệu 'tác phẩm' về cơ bản có phải là tác phẩm của con người hay không, với máy tính (hoặc thiết bị khác) chỉ là công cụ hỗ trợ, hay liệu các yếu tố tác giả truyền thống trong tác phẩm (biểu đạt văn học, nghệ thuật hoặc âm nhạc hoặc các yếu tố lựa chọn, sắp xếp...) thực sự được hình thành và thực hiện không phải bởi con người mà là bởi máy móc".
Nếu một tác phẩm có chứa bất kỳ phần nào do AI tạo ra, USCO sẽ xem xét trước tiên "liệu những đóng góp của AI có phải là kết quả của 'sự tái tạo cơ học' hay thay vì 'ý định ban đầu của tác giả, mà tác giả đã đưa ra hình thức hữu hình'". Điều này sẽ phụ thuộc vào các trường hợp cụ thể, cách thức hoạt động của công cụ AI và cách sử dụng và sẽ được xác định theo từng trường hợp cụ thể.
Nếu một tác phẩm được xác định là do máy móc hoặc chương trình máy tính, tác phẩm đó sẽ không được đăng ký. USCO đã nêu Midjourney là một ví dụ về các công cụ AI tạo ra những tác phẩm âm nhạc, hình ảnh và văn bản phức tạp chỉ với một câu lệnh đơn giản từ con người. "Dựa trên sự hiểu biết của USCO về các công nghệ AI tạo ra hiện có, người dùng không thực hiện quyền kiểm soát sáng tạo hoàn toàn đối với cách các hệ thống như vậy diễn giải câu lệnh và tạo ra tác phẩm".
Tóm lại, nếu một tác phẩm được tạo ra với sự giúp đỡ của AI, nhưng vẫn có sự đóng góp của con người, thì chỉ phần do con người tạo ra mới được bảo vệ bản quyền (việc sử dụng các công cụ AI phải được tiết lộ khi nộp đơn) tại Hoa Kỳ, còn những phần do AI tạo ra sẽ không được công nhận.
Trung Quốc
AI là lĩnh vực mà Trung Quốc quan tâm hàng đầu trong cuộc đua dẫn đầu thế giới, đặc biệt là cạnh tranh với Hoa Kỳ. Để việc phát triển AI diễn ra thuận lợi, Chính phủ Trung Quốc đã có bước đầu ban hành một số các quy định, chẳng hạn Ủy ban chuyên môn quản trị AI thế hệ mới đã ban hành Bộ nguyên tắc quản trị AI thế hệ mới: Phát triển AI có trách nhiệm vào tháng 06/2019 hay Chuẩn mực đạo đức cho AI thế hệ mới được ban hành vào tháng 09/2021. Tuy nhiên, cho đến hiện tại Trung Quốc vẫn chưa có quy định riêng biệt liên quan đến việc công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm do AI tạo ra.
Những phán quyết gần đây của Tòa án Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc đang có xu hướng công nhận quyền tác giả (cho cá nhân, tổ chức) đối với tác phẩm do AI tạo ra mà có sự tham gia sáng tạo của con người ở một mức độ nhất định.
Luật bản quyền của Trung Quốc vẫn yêu cầu sự tham gia của con người để tạo ra một tác phẩm có thể được bảo hộ bản quyền. Tòa án tập trung vào việc liệu việc tạo ra tác phẩm có sự đóng góp của con người không thay vì liệu tác phẩm có hoàn toàn do con người tạo ra hay không. Pháp luật Trung Quốc không cấm bảo hộ tác phẩm do AI tạo ra, miễn là tác phẩm có tính sáng tạo, nghĩa là tác phẩm được tạo ra với sự trợ giúp của AI vẫn có thể được bảo hộ.
Theo luật bản quyền Trung Quốc, để một tác phẩm được bảo hộ, tác phẩm đó phải vừa mang tính "nguyên bản" vừa thể hiện "thành tựu trí tuệ". "Nguyên bản" có nghĩa là tác phẩm phải là sản phẩm độc lập của tác giả, mang dấu ấn cá nhân của người sáng tạo. Còn "thành tựu trí tuệ" lại yêu cầu tác phẩm phải là kết quả của quá trình tư duy và sáng tạo, có sự đóng góp trí tuệ của con người. Tuy nhiên, pháp luật Trung Quốc cũng như việc áp dụng thực tiễn dường như không đòi hỏi quá khắt khe về mức độ sáng tạo của con người, mà chỉ cần tác phẩm được tạo ra có trí tuệ của con người mà không kể đến có sự tham gia của AI hay không. Theo đó, con người phải tham gia sáng tạo vào quá trình tạo ra tác phẩm bằng cách sử dụng các câu lệnh, từ đó yêu cầu, lựa chọn và điều chỉnh các kết quả mà AI đưa ra để dẫn đến kết quả là tác phẩm sau cùng phải khác biệt ở một mức độ nhất định so với bản gốc ban đầu mà AI tạo ra.
Hướng đi nào cho Việt Nam?
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2022, tác phẩm phải đảm bảo các yếu tố sau đây: i) Có tính sáng tạo (nghĩa là có tính nguyên gốc); ii) Được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tư cách pháp lý cho chủ thể là cá nhân hoặc tổ chức, chưa ghi nhận dạng chủ thể là máy móc hay chương trình máy tính, vậy nên cũng không thể xác định tư cách pháp lý của AI trong bảo hộ quyền tác giả. Để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của AI, pháp luật Việt Nam cần chủ động xem xét các vấn đề sau:
Thứ nhất, pháp luật sở hữu trí tuệ nên được cụ thể hóa về đối tượng được hưởng quyền tác giả đối với các tác phẩm AI. Trên thực tế, một tác phẩm AI được tạo ra có thể liên quan đến 2 trường hợp có thể thừa nhận quyền tác giả cho con người. Trường hợp đầu tiên, các lập trình viên và nhà phát triển tạo ra AI là người có quyền tác giả đối với các phẩm do AI tạo ra. Điều này là vì AI phụ thuộc vào dữ liệu và thông tin cần thiết của con người để tạo ra tác phẩm. Trường hợp thứ hai, tác phẩm được tạo ra nhờ sự hỗ trợ của AI nhưng do con người đóng góp. Trong trường hợp này, việc xác định chủ thể có quyền tác giả trở nên không rõ ràng. Điều này có thể dẫn đến các tranh chấp quyền tác giả giữa các bên. Vì vậy, pháp luật cần phải cụ thể hóa để xác định rõ ràng ai sẽ được công nhận quyền tác giả đối với các tác phẩm AI.
Thứ hai, theo Công ước Berne và pháp luật Việt Nam, để một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, cần đáp ứng 3 tiêu chí: i) có hình thức cụ thể; ii) là sản phẩm của sự sáng tạo trí tuệ; iii) có tính nguyên gốc, không phải là bản sao của tác phẩm khác. Một tác phẩm do tác giả sáng tạo với sự hỗ trợ của AI, nếu đáp ứng 3 điều kiện này, vẫn được bảo hộ. Tuy nhiên, xác định sự đóng góp cá nhân của tác giả trong tác phẩm được tạo ra nhờ sự hỗ trợ của AI là một thách thức lớn đối với pháp luật hiện hành. Do đó, cần có phương án giải quyết bằng cách phát triển các tiêu chí đánh giá và xác minh sự đóng góp của tác giả, cũng như cơ chế đăng ký quyền tác giả cho những tác phẩm này.
Thứ ba, sự phát triển mạnh mẽ của AI đã gây ra nhiều thách thức trong việc xác định quyền tác giả. Không chỉ có khả năng sáng tạo, AI còn có thể tự tạo ra các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc và văn học mà không cần sự tham gia của con người. Điều này đòi hỏi cần xem xét lại vị thế pháp lý của AI trong pháp luật Việt Nam, đặc biệt là việc liệu có nên công nhận AI là một chủ thể pháp lý mới hay không, vì tính chất của nó khác biệt hoàn toàn so với các chủ thể hiện có trong hệ thống pháp luật.
*
* *
AI là xu hướng tất yếu của thế giới và AI tạo sinh đang là công cụ thiết yếu cho nhiều cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh và sáng tạo nên tác phẩm. Thay vì không công nhận thì Việt Nam nên coi AI như cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sự sáng tạo và năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý và chính sách riêng biệt cho AI để tạo môi trường pháp lý rõ ràng, từ đó khuyến khích việc sử dụng, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Việt Nam nên theo hướng công nhận quyền tác giả (cho cá nhân, tổ chức) đối với tác phẩm do AI tạo ra (mà có sự tham gia sáng tạo của con người) trong trường hợp tác phẩm thỏa mãn các điều kiện của pháp luật Việt Nam cũng như tỷ lệ tham gia của con người trong việc trực tiếp sáng tạo nên tác phẩm.