Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và điều hành Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 30/12/2024.
Tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Năm 2024, ngành KH&CN tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện môi trường thể chế về KH,CN&ĐMST, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN. Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng trình Bộ Chính trị 04 văn bản; xây dựng, hoàn thiện 04 Luật chuyên ngành về KH&CN; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 09 đề án/văn bản thuộc lĩnh vực KH&CN. Cụ thể: đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng trình Bộ Chính trị ban hành: (1) Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, với quan điểm chỉ đạo phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường; (2) Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 11/01/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; (3) Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư ngày 30/7/2024 về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành/xem xét ban hành các Chương trình/kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị nêu trên. Đồng thời, hoàn thiện, trình Ban cán sự đảng Chính phủ hồ sơ đề xuất nhiệm vụ xây dựng nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Năm 2024, Bộ KH&CN đã tập trung xây dựng, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về KH&CN: (1) Hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; (2) Hoàn thiện, gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo đảm tiến độ trình Chính phủ trong tháng 01/2025; (3) Tập trung xây dựng dự án Luật KH,CN&ĐMST theo hướng đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN, cơ chế đầu tư, tài chính, chấp nhận nguyên tắc rủi ro và có độ trễ trong hoạt động KH&CN; phát triển tiềm lực KH&CN; đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho KH,CN&ĐMST...; (4) Tập trung xây dựng dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô; Luật Công nghiệp quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công (sửa đổi),… để tháo gỡ toàn diện các khó khăn, vướng mắc về tài chính, đầu tư, tài sản,… cho hoạt động KH,CN&ĐMST.
Phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng.
Năm 2024, Bộ KH&CN tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST đến năm 2025 của ngành KH&CN, trong đó tập trung vào 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển KH,CN&ĐMST. Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 đã được cụ thể hóa bằng các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030 theo định hướng phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia, gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 và phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ KH,CN&ĐMST đến năm 2025.
Một số kết quả khoa học và công nghệ nổi bật trong các ngành, lĩnh vực
Lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn: Các kết quả nghiên cứu khoa học tiếp tục tập trung vào những vấn đề cốt lõi trong thực tiễn phát triển đất nước, nhằm làm sáng tỏ các lý luận mới, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Lĩnh vực khoa học tự nhiên: Kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên có đóng góp quan trọng trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt là bậc sau đại học. Đến nay, Việt Nam có 06 tạp chí khoa học được vào danh mục của SCOPUS. Hình thành được một số tổ chức trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ khu vực và thế giới.
Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ: có thể kể đến một số thành tựu nổi bật như trong lĩnh vực khoa học y - dược: đã làm chủ nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh nguy hiểm, nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như kỹ thuật ghép tạng; phát triển các kỹ thuật cao trong phẫu thuật, can thiệp ít xâm lấn; ứng dụng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng chẩn đoán các bệnh lý, nghiên cứu phát triển công nghệ phòng, chống ung thư; làm chủ công nghệ và sản xuất được nhiều loại vắc xin để phòng bệnh chủ động, hiệu quả đối với nhiều loại dịch bệnh…. Trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), khẳng định vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Chính phủ đã cung cấp các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, cùng với các dự án nổi bật từ các tập đoàn lớn như Samsung, Intel và hợp tác với NVIDIA - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về công nghệ AI và bán dẫn. Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đồng thời triển khai hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN về phát triển các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế. Trong lĩnh vực quốc phòng, các chương trình, đề án KH&CN trọng điểm đã góp phần xây dựng, triển khai Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam; duy trì, phát triển và từng bước hoàn thiện hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật, xây dựng nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại. Đến nay, 80% vũ khí trang bị là từ kết quả của các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước, khẳng định bước tiến mạnh mẽ của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự được ứng dụng, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Một số nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách quốc gia đã góp phần giải quyết các vấn đề khoa học mới phát sinh, cấp bách, liên vùng, liên ngành và có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các địa phương.
Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo cũng có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam là quốc gia có những tiến bộ vượt bậc liên tục về đổi mới sáng tạo trong nhiều năm qua. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 44 (năm 2024), đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới: Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Đây là lần đầu tiên chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam đạt vị trí dẫn đầu thế giới.
Về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng và trật tự trong sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, công tác quản lý đo lường cũng được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước, giảm thiểu những rào cản kỹ thuật không cần thiết.
Về hoạt động sở hữu trí tuệ: Đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, hướng tới giảm tình trạng tồn đọng đơn. Hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn được quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan.
Về an toàn bức xạ và hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình: Hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); triển khai các thủ tục thẩm định Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp với Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua về tiếp tục chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm
Để KH,CN&ĐMST ngày càng đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu tại Hội nghị.
Một là, khẩn trương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia;
Hai là, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền triển khai thực hiện Đề án hợp nhất; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông theo đúng quy định của pháp luật, đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.
Ba là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích KH,CN&ĐMST phát triển. Hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 4 Luật chuyên ngành, gồm: Luật KH,CN&ĐMST; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Bốn là, triển khai hiệu quả, đồng bộ các Chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030; xác định rõ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ cao cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam. Khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn về KH,CN&ĐMST, các kho dữ liệu khoa học dùng chung; kết nối các cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam.
Năm là, phát triển mạnh nhân lực KH&CN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…
Sáu là, phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái KNST, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới...
Bảy là, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về KH,CN&ĐMST nhất là trong các lĩnh vực trí AI, bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử và các công nghệ chiến lược khác; gắn kết các hoạt động hợp tác quốc tế về KH,CN&ĐMST với ngoại giao kinh tế, thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tám là, đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, trong đó ưu tiên triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia. Tập trung thúc đẩy bảo hộ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình.
Chín là, tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định. Triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án 06.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn bên cạnh ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả hoạt động của Bộ KH&CN đã 3 điểm hạn chế mà ngành KH&CN cần xem xét đó là: cơ chế tài chính cho KH&CN đã lỗi thời, lạc hậu; thị trường KH&CN dù đã manh nha hình thành nhưng chưa phát triển đúng nghĩa, chưa đóng góp thực sự cho phát triển kinh tế-xã hội; áp dụng chuyển đổi số trong ngành KH&CN cần mạnh mẽ, đi đầu trong các lĩnh vực.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra các vấn đề trong năm 2025 mà ngành KH&CN cần tập trung: khẩn trương quyết liệt đưa nhanh NQ 57-NQ/TW vào cuộc sống; tiếp tục ưu tiên công tác hoàn thiện thể chế trong KH,CN&ĐMST, lấy thể chế làm lợi thế cạnh tranh; chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đặt ra; đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hợp tác quốc tế, giáo dục đào tạo về KH&CN; kiện toàn và sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
* *
*
Năm 2025 là năm thứ 5 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, năm tăng tốc, bứt phá và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021 - 2025. Với những kết quả đạt được trong năm 2024 và quyết tâm nỗ lực, ngành KH&CN sẽ tiếp tục có một năm phát triển, vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Lê Hạnh