Thứ năm, 19/12/2024 09:35

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển tạp chí khoa học và khuyến nghị cho Việt Nam

Nguyễn Hoàng Nam

Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh

Tạp chí khoa học là một bộ phận quan trọng của ngành công nghiệp tạp chí Trung Quốc. Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2023 cho thấy, Trung Quốc hiện được xếp hạng thứ 12 trên thế giới về đổi mới sáng tạo, là nền kinh tế thu nhập trung bình duy nhất nằm trong số 30 quốc gia hàng đầu. Gần đây, ghi nhận trong báo cáo thống kê năm 2023 về thị trường xuất bản khoa học tại Trung Quốc, 20 nhà xuất bản quốc tế lớn nhất theo sản lượng đã xuất bản 83% tổng số bài báo nghiên cứu có sự tham gia của các tác giả có trụ sở tại Trung Quốc từ năm 2012 đến năm 2021. Bài viết tập trung tìm hiểu về các chính sách quan trọng trong việc khuyến khích và nâng cao chất lượng nghiên cứu, đồng thời phân tích cơ bản thực trạng phát triển của các tạp chí khoa học tại Trung Quốc. Dựa trên những đánh giá cơ hội và thách thức của Trung Quốc, tác giả đưa ra một số hàm ý khuyến nghị cho Việt Nam trong hoạt động xây dựng, thiết lập và phát triển tạp chí khoa học thời gian tới.

Những chính sách quan trọng trong việc khuyến khích và nâng cao chất lượng nghiên cứu

Về chính sách đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Năm 1978, Chính phủ Trung Quốc đã công bố các chính sách tăng cường đầu tư vào đổi mới và phát triển công nghệ. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Thống kê Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia dựa trên việc theo dõi chi tiêu trong nước gộp theo từng năm, Trung Quốc đã dành 22% trên tổng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của thế giới.

Trong đó, đưa ra các cải cách chính sách để nâng cao chất lượng nghiên cứu. Cụ thể là hơn 30 chính sách liên quan đến tính toàn vẹn trong nghiên cứu đã được đưa ra kể từ năm 2018 kèm theo hai hướng dẫn quan trọng của Bộ Giáo dục1 và Bộ Khoa học và Công nghệ2 để thúc đẩy văn hóa nghiên cứu và đánh giá lành mạnh. Mục tiêu của các hướng dẫn là tích cực thúc đẩy các tiêu chuẩn cao về hành vi đạo đức trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển trọng tâm cơ sở đánh giá từ số lượng ấn phẩm hoặc hệ số tác động của tạp chí sang chất lượng và tác động thực tế của các thành tựu khoa học.

Mặt khác, các cơ quan chuyên ngành ban hành quy định công khai các trường hợp sai phạm để ngăn chặn các hành vi phi đạo đức trong số các nhà nghiên cứu. Tháng 11/2023, Chính phủ Trung Quốc công bố kêu gọi đánh giá toàn quốc về hành vi sai trái trong nghiên cứu, yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục tuyên bố rút lại các ấn phẩm khỏi các tạp chí tiếng Anh, tiếng Trung và báo cáo lý do tại sao các bài báo khoa học bị rút lại. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cũng giới thiệu “Danh sách Tạp chí cảnh báo sớm”, đánh dấu các ấn phẩm nào được xác định là không đáng tin cậy.

Về chính sách tổ chức và quản lý tạp chí khoa học

Trung Quốc từ lâu đã coi trọng việc phát triển các tạp chí khoa học. Để tổ chức tốt hơn ngành xuất bản học thuật và nâng cao chất lượng quản lý các tạp chí khoa học, Cục Quản lý Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Nhà nước (SAPPRFT) đã hoàn thành hai vòng công nhận vào năm 2014 và 2017. So với tổng số 6.430 tạp chí tại Trung Quốc vào năm 2018, các tạp chí khoa học/tạp chí học thuật được xác định chiếm khoảng 63% [1].

Ở Trung Quốc, tất cả các tạp chí muốn đi vào hoạt động đều phải được Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc (GAPP) công nhận. Điều đó có nghĩa là tất cả các tạp chí mới phải được GAPP chấp thuận và đăng ký. Có thể thấy để ra mắt một tạp chí mới, một nhà xuất bản phải xin đăng ký thông qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt của GAPP. Quy trình xem xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh của một ấn phẩm mới, từ tình trạng của tổ chức tài trợ đến nguồn nhân lực và tài chính khả dụng3.

Các chính sách cải cách hệ thống quản lý và vận hành tạp chí khoa học Trung Quốc tập trung xem xét lại những quy định và biện pháp đánh giá nghiên cứu [2]. Kể từ đầu năm 2010, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp để thúc đẩy các nhà xuất bản hoạt động theo xu hướng thị trường. Theo đó, một tuyên bố chung vào tháng 4/2016 từ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện đã định hướng cho các cơ quan xuất bản khoa học tại thị trường Đại lục thực hiện hệ thống phản biện thông qua quy trình đánh giá ngang hàng có sự giám sát, tuân thủ nghiêm ngặt4. Bằng cách mời các chuyên gia trong cùng ngành để kiểm tra chất lượng bài viết, tính chuyên nghiệp và thẩm quyền của kết luận đánh giá có thể được đảm bảo ở một mức độ nhất định.

Về mặt bản chất, mục đích của các tạp chí khoa học Trung Quốc là truyền thụ kiến thức, không phải để kiếm lợi nhuận [3]. Chính phủ Trung Quốc thành lập các quỹ đặc biệt để hỗ trợ các tạp chí có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trên trường quốc tế. Các quỹ hỗ trợ tạp chí hoặc các dự án liên quan này bao gồm: Chương trình tạp chí khoa học trọng điểm do Hiệp hội khoa học và công nghệ Trung Quốc (CAST) khởi xướng năm 1999, Quỹ đặc biệt dành cho các tạp chí khoa học trọng điểm do Quỹ khoa học quốc gia Trung Quốc (NSFC) khởi xướng năm 2000 và Chương trình tạp chí tinh hoa do Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập năm 2008.

Thực tế từ năm 2012, CAST đã xác định và tài trợ cho 25 tạp chí khoa học. Gần đây, Hiệp hội đã thành lập một quỹ với mục đích cụ thể là hỗ trợ các tạp chí đạt được thứ hạng quốc tế. Ngoài ra, GAPP triển khai Dự án tạp chí khoa học trọng điểm quốc gia để hỗ trợ thêm cho việc sản xuất các tạp chí khoa học có hệ số tác động cao của Trung Quốc. Ước tính Chính phủ Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD ngân sách cho ngành xuất bản khoa học mỗi năm.

Tháng 5/2018, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện đã công bố hướng dẫn về cơ chế liêm chính khoa học nhằm tăng cường tính chính trực khoa học, khuyến khích đổi mới và nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, đặt nền tảng xã hội và văn hóa vững chắc để xây dựng đất nước trở thành cường quốc khoa học thế giới5.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) sẽ đảm nhiệm trách nhiệm chủ trì trong việc điều phối và quản lý công tác toàn vẹn khoa học trong lĩnh vực khoa học và khoa học xã hội. Cụ thể, hướng dẫn nêu rõ nghiêm cấm các hành vi như đạo văn, làm giả dữ liệu và kết luận nghiên cứu, viết thuê và thao túng quá trình bình duyệt. Bên cạnh đó, các cơ quan dịch vụ trung gian tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp như mua bán bài báo khoa học, viết thuê, làm giả, chế tạo và bóp méo dữ liệu nghiên cứu sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Đồng thời, những người bị phát hiện có hành vi gian lận học thuật sẽ bị cấm giảng dạy hoặc làm bất kỳ loại công việc nghiên cứu nào tại các đơn vị giáo dục, tổ chức khoa học. Các khoản tài trợ nghiên cứu trước đó sẽ bị hủy bỏ và các danh hiệu sẽ bị thu hồi. Một vài tạp chí khoa học ở Trung Quốc đã thiết lập hướng dẫn riêng về liêm chính khoa học đối với quá trình xuất bản các sản phẩm khoa học.

Về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường hợp tác đào tạo quốc tế cho hoạt động nghiên cứu khoa học

Bắt nguồn từ chính sách giáo dục suốt đời do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đặt ra, sự phát triển của hệ thống tri thức tại Trung Quốc được củng cố trên nền tảng giá trị, tập trung vào việc bảo vệ quyền học tập của công dân, cải thiện trình độ dân trí và tăng cường nguồn nhân lực [4]. Thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh mục tiêu xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng chiến lược đầu tư toàn diện vào việc liên tục tăng nguồn tài trợ cho các cơ sở giáo dục với trang thiết bị cơ sở vật chất hiện đại và kế hoạch tuyển dụng nhân tài toàn cầu cho hoạt động thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, cao đẳng.

Quyết định của Hội nghị toàn thể lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17 đặt trọng tâm việc đào sâu cải cách hệ thống văn hóa của Trung Quốc và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc trong việc xây dựng và phát triển các chính sách về chuyển đổi ngành xuất bản tạp chí khoa học, công nghệ và y học (STM) của Trung Quốc ra thị trường quốc tế. Bên cạnh các quốc gia phương Tây, Trung Quốc đang dần mở rộng thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia Trung Đông và châu Á, đặc biệt là Singapore. Tính đến năm 2022, Trung Quốc đã hợp tác nghiên cứu với 191/195 quốc gia có chủ quyền6. Trong mục tiêu lâu dài về phát triển tri thức quốc gia, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới.

Cơ hội và thách thức trong phát triển của các tạp chí khoa học tại Trung Quốc

Về cơ hội

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà sản xuất kiến thức khoa học lớn nhất thế giới. Dựa trên cơ sở dữ liệu Dimensions 2023 của Digital Science, có gần 830.000 bài báo có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu có trụ sở tại Trung Quốc, chiếm khoảng 15% trong số 5,4 triệu bài báo trên thế giới [5]. Trong các bảng xếp hạng thường niên gần đây nhất của Nature Index vào năm 2023, gần một nửa trong số 20 tổ chức hàng đầu có trụ sở tại Trung Quốc.

Theo Ritu Dhand - Giám đốc Khoa học của Springer Nature, Trung Quốc hiện là quốc gia đóng góp lớn nhất vào số lượng bài báo nghiên cứu khoa học trên toàn cầu. Báo cáo ISI dựa trên dữ liệu Web of Science™ cho thấy sự tăng tốc trong sản lượng nghiên cứu đã công bố, tăng gấp năm lần từ năm 2009 đến năm 2021, vượt xa Hoa Kỳ và EU [6]. Jonathan Adams - Giám đốc Viện Thông tin Khoa học của Clarivate Analytics nhận định, tổng số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều ngang bằng hoặc thậm chí nhiều hơn Hoa Kỳ và các quốc gia nghiên cứu hàng đầu khác [7]. Cụ thể, Trung Quốc cũng có tỷ lệ bài báo cao nhất trong top 1% được trích dẫn nhiều nhất, với 32% từ Trung Quốc, so với 24% từ cả Hoa Kỳ và các quốc gia EU-15. Thậm chí trong nhiều lĩnh vực, số lượt trích dẫn của các nghiên cứu đến từ Trung Quốc còn đứng top đầu thế giới. Đơn cử như 14% đầu ra nghiên cứu của Trung Quốc trong kinh tế và kinh doanh và 19% trong khoa học xã hội được trích dẫn nhiều, so với lần lượt là 9 và 8% của Hoa Kỳ.

Theo phân tích của Clarivate InCites, Trung Quốc đã trải qua sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các bài báo nghiên cứu có thể trích dẫn và hiện đang sản xuất khối lượng bài báo có thể trích dẫn cao nhất, nhiều hơn 40% so với Hoa Kỳ (hình 1).

Hình 1. So sánh các bài báo nghiên cứu có thể trích dẫn từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU-15 từ năm 2000 đến năm 2022. Nguồn: Clarivate InCites.

Kết quả nghiên cứu đánh giá tác động trích dẫn chuẩn hóa theo danh mục (CNCI) của Clarivate thì tác động nghiên cứu của Trung Quốc đã tăng đều đặn kể từ năm 2000 (hình 2). Năm 2022, NISTEP báo cáo nghiên cứu của Trung Quốc chiếm 27,2% trong số 1% bài báo được trích dẫn thường xuyên nhất trên thế giới, xét theo mức trung bình hàng năm từ năm 2018 đến năm 2020.

Hình 2. So sánh CNCI tại Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU-15, Canada và Úc trong giai đoạn 2000-2022. Nguồn: Clarivate’s Highly Cited Papers 2023.

Báo cáo các bài báo được trích dẫn nhiều năm 2023 của Clarivate kết luận rằng, cộng đồng nghiên cứu toàn cầu ngày càng chú ý đến nghiên cứu của Trung Quốc.

Về thách thức

Nghiên cứu của S. Ren và cộng sự (2013) [8] cho thấy, thị trường xuất bản khoa học, công nghệ và y học (STM) tại Trung Quốc đang chịu tác động bởi ba yếu tố chính: (1) Áp lực cạnh tranh từ thị trường quốc tế đòi hỏi nâng cao chất lượng nội dung và mở rộng phạm vi tiếp cận; (2) Xu hướng số hóa toàn cầu thúc đẩy các nhà xuất bản chuyển đổi mô hình kinh doanh và quy trình làm việc; (3) Chính sách khuyến khích đổi mới và phát triển của nhà nước tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Thứ nhất, ngày càng nhiều nhà xuất bản tại thị trường Trung Quốc thêm dữ liệu toàn diện về mức độ sử dụng (tổng số trích dẫn) và tiếp cận (lượt xem trang, số lần tải xuống, lượt bình luận…) của các bài báo đã xuất bản để cộng đồng học thuật tự đánh giá dựa trên số liệu ở cấp độ bài báo chứ không phải cấp độ tạp chí. Shu Fei - Nhà nghiên cứu về truyền thông học thuật tại Đại học Hàng Châu Dianzi ở Trung Quốc cho rằng: “Nếu không được lập chỉ mục, các tạp chí khoa học rất khó có sức hấp dẫn đối với các nhà khoa học”. Tính đến nay chỉ có 2-3% các tạp chí trong nước có xác lập chỉ mục trong hệ thống Web of Science - một cơ sở dữ liệu về các ấn phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu của công ty Clarivate. Trong đó, khoảng một phần ba được công bố trên các tạp chí trong nước có ảnh hưởng quốc tế, phần còn lại được công bố trên các tạp chí quốc tế hàng đầu hoặc trình bày tại các hội nghị quốc tế lớn.

Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường xuất bản điện tử vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các tạp chí khoa học của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung trong việc thích nghi với môi trường số. Kết quả nghiên cứu của M. Li (2020) [1] cho thấy, các nhà lãnh đạo của các tạp chí khoa học Trung Quốc đang phải tìm cách chuyển từ phương pháp sản xuất và phân phối truyền thống sang phương pháp kỹ thuật số, đồng thời thay đổi mô hình kinh doanh của mình để trở nên tự chủ hơn và được công nhận trên toàn thế giới.

Dựa trên nhu cầu hiện tại phải xuất bản nội dung dưới dạng điện tử, các nhà xuất bản phải tìm cách nâng cao khả năng cung cấp cho độc giả quyền truy cập thông tin ở nhiều định dạng khác nhau thông qua internet. Một số nhà xuất bản lớn như Elsevier và Nature thường xuyên cung cấp những sản phẩm điện tử mới. Theo Báo cáo tTương lai của báo in của FIPP cho thấy, trong những năm gần đây, doanh thu phân phối sản phẩm in truyền thống của các nhà xuất bản tạp chí quốc tế sẽ giảm từ 80 xuống còn 75% vào năm 2026, được thay thế bằng các sản phẩm kỹ thuật số7.

Mặt khác, sự phát triển của các tạp chí khoa học tại Trung Quốc, đặc biệt là sự phát triển kỹ thuật số, đang phải đối mặt với những hạn chế do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Đơn cử như các tạp chí khó tìm được những người có chuyên môn sâu về biên tập, xuất bản và công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất bản kỹ thuật số.

Thứ ba, so với các ấn phẩm phi học thuật, các tạp chí khoa học ở Trung Quốc có một số lợi thế nhất định. Đa phần các tạp chí khoa học đều dựa vào các nền tảng như trường đại học, viện nghiên cứu khoa học hoặc hiệp hội ngành thứ hai. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ tài chính và không hướng đến lợi nhuận, các tạp chí khoa học ở Trung Quốc ít chịu áp lực từ thị trường cạnh tranh nên có thể tập trung vào việc cải thiện chất lượng.

Tuy vậy, trong số các tạp chí khoa học tại Trung Quốc, chỉ một số ít, thường thuộc các trường đại học danh tiếng hoặc các viện nghiên cứu lớn, mới có được điều kiện làm việc lý tưởng, nguồn tài chính ổn định và cơ chế quản lý chuyên nghiệp. Nhờ đó, các tạp chí này có thể thu hút được những bài báo chất lượng cao và đạt được các tiêu chuẩn xuất bản quốc tế. Ngược lại, phần lớn các tạp chí khác vẫn còn nhiều hạn chế, từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho đến chất lượng bài báo, dẫn đến sự đồng đều và thiếu tính sáng tạo trong nội dung (phương pháp tương tự, phong cách tương tự hay thậm chí là sự lặp lại của các kết quả học thuật).

Hàm ý khuyến nghị cho Việt Nam

Từ những phân tích nêu trên, tác giả xin đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Một là, thiết lập nền tảng xuất bản kỹ thuật số cấp quốc gia. Tại Việt Nam, các công nghệ và nền tảng truyền thông mới đã tác động rất lớn đến phương tiện truyền thông in ấn truyền thống về mặt quản lý hoạt động, đổi mới sản phẩm và phổ biến. Với tình trạng phát triển kỹ thuật số nhanh chóng như hiện nay, các tạp chí khoa học tại Việt Nam nên tận dụng những công nghệ đổi mới để tăng cường lợi thế của mình và thúc đẩy chất lượng phát triển dựa trên các nền tảng truyền thông. Trong đó, tập trung cải thiện quá trình số hóa thông qua việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp xuất bản kỹ thuật số chuyên nghiệp trên thị trường, lựa chọn phương thức hợp tác và dịch vụ xuất bản phù hợp. Đồng thời, thành lập hoặc tham gia các liên minh tạp chí trong lĩnh vực chuyên ngành và hợp tác trong việc quảng bá, xuất bản và phân phối tạp chí nhằm nâng cao chất lượng tạp chí khoa học. Tòa soạn các tạp chí khoa học cần xây dựng các kênh truyền thông mới dựa trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Facebook, Zalo, Tiktok… hoặc những hình thức phương thức truyền tải mới (bên cạnh tạp chí in, tạp chí điện tử) như Video, Podcast… để tăng cường tiếp cận và nâng cao hiệu quả truyền thông. Ngoài ra, việc đổi mới nội dung luôn phải là mục tiêu cơ bản của phát triển kỹ thuật số. Trong sự phát triển nhanh chóng của internet ngày nay, mặc dù mọi người đã hình thành thói quen đọc trực tuyến, nhưng điều quan trọng đối với nghiên cứu khoa học là các tạp chí phải thể hiện kiến thức một cách nghiêm ngặt và có hệ thống. Vì vậy, các tạp chí khoa học phải tìm ra cách tận dụng đầy đủ các nền tảng mở để cung cấp và liên kết kiến thức cho độc giả.

Hai là, cải cách hệ thống đánh giá nghiên cứu và thăng tiến học thuật. Hiện tượng “đánh giá bài viết theo tạp chí” trong đánh giá học thuật và “lý thuyết hệ số tác động” trong đánh giá tạp chí đã gây ra những vấn đề trong nghiên cứu học thuật và phát triển tạp chí khoa học (chẳng hạn như cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng chỉ số, chất lượng bài báo giảm sút, thu hẹp sự đa dạng trong đề tài nghiên cứu…) tại nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần thay đổi cơ chế đánh giá năng lực tạp chí khoa học thông qua việc khi thiết kế hệ thống đánh giá cho các tạp chí khoa học nên cân nhắc đến sự kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng.

Một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá tạp chí khoa học nước ngoài là đánh giá dựa trên trích dẫn và đánh giá dựa trên nhận thức. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc sử dụng kết hợp đánh giá của chuyên gia và đánh giá trích dẫn để đánh giá tính chuẩn hóa, tính chuyên nghiệp và tính đổi mới của tạp chí khoa học. Điều này giúp khắc phục tình trạng thiên vị trong việc lựa chọn các chỉ số trong quá trình đánh giá định lượng và giảm ảnh hưởng của các yếu tố con người đến sự phát triển của tạp chí.

Bên cạnh nghiên cứu cải cách đối với hệ thống đánh giá của các tạp chí khoa học nói riêng và ngành xuất bản học thuật nói chung, việc đánh giá thăng tiến học thuật đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng cần được xem xét một cách có hệ thống. Đơn cử như cơ quan chuyên môn phụ trách đánh giá nên chuyển từ việc khen thưởng các nhà khoa học dựa trên số lượng bài báo họ công bố sang đánh giá năng lực nghiên cứu dựa trên chất lượng bài báo.

Ba là, thúc đẩy quốc tế hóa các tạp chí khoa học. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hoạt động xây dựng và thường xuyên cập nhật danh sách các tạp chí khoa học quốc tế là vô cùng cần thiết. Dựa trên việc duy trì và cập nhật liên tục danh sách các tạp chí được ưa chuộng (danh sách tạp chí uy tín) và danh sách cảnh báo về những tạp chí cần tránh (danh sách đen) sẽ giúp các nhà nghiên cứu định hướng được những tạp chí phù hợp để công bố bài viết.

Bên cạnh đó, khuyến khích các nhà nghiên cứu tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu mới nổi và có tính ứng dụng thực tiễn. Việc xây dựng các nhóm tạp chí quốc tế và khuyến khích nhà nghiên cứu công bố trên các tạp chí nước ngoài có hệ số tác động cao nhằm mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng của nghiên cứu Việt Nam, đồng thời nâng cao uy tín của các nhà nghiên cứu Việt Nam trên trường quốc tế. Song song với đó, các nhà nghiên cứu được trao thưởng dưới nhiều hình thức như phần thưởng tài chính, tài trợ nghiên cứu khoa học, thăng tiến công việc… khi công bố trên các tạp chí có hệ số tác động cao sẽ tạo động lực để các nhà nghiên cứu không ngừng đổi mới và sáng tạo.

Bốn là, đảm bảo bản thảo đủ tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng tạp chí khoa học. Bản thảo là cơ sở cho sự phát triển của các tạp chí khoa học. Mỗi bài báo cần được kiểm tra và tuân thủ quy trình xuất bản nghiêm ngặt vì về lâu dài, uy tín tạp chí chỉ có thể được hình thành nếu các nguồn bản thảo chất lượng được đảm bảo. Hay nói cách khác, nếu không có nguồn bản thảo chất lượng, sẽ không có các tạp chí chất lượng. Do đó, các tạp chí khoa học cần phát triển các nguồn thu thập bản thảo thông qua hai đối tượng mục tiêu chính: Một là bản thảo của các học giả trẻ xuất sắc và hai là các bài báo của các chuyên gia nổi tiếng. Tuy vậy mỗi loại đều có ưu và nhược điểm.

Đối với các học giả trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng, họ có mong muốn nghiên cứu tích cực và nhu cầu cấp thiết để xuất bản. Các học giả trẻ thường hướng đến việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu mới, do đó sản lượng và chất lượng nghiên cứu của họ có thể cao hơn. Tuy nhiên với các cơ chế đánh giá học thuật hiện nay, các bản thảo chất lượng cao từ các học giả trẻ được lựa chọn xuất bản trên các tạp chí cốt lõi, khiến các tạp chí khoa học phổ thông khó thu hút họ. Đối với các học giả nổi tiếng, biên tập viên các tạp chí tổng hợp lại khó có được bản thảo chất lượng do nhu cầu nguồn lực xã hội và thời gian cá nhân dành cho nghiên cứu có những hạn chế nhất định. Ngoài ra, chi phí bản thảo cho đối tượng này sẽ cao hơn so với các học giả trẻ. Để giải quyết vấn đề về chất lượng nguồn bản thảo, các tạp chí khoa học tại Việt Nam cần phải nỗ lực khai thác quy trình vận hành tạp chí, tận dụng tối đa những lợi thế sẵn có để thay đổi hiện trạng phát triển và nâng cao trình độ đổi mới của các tạp chí khoa học một cách căn bản, mà trước hết là phải định vị tốt và nêu bật được các đặc điểm chuyên môn của mỗi tạp chí khoa học.

Năm là, tăng cường chất lượng bình duyệt, biên tập và hiệu đính. Trong bình duyệt bài báo khoa học, người đánh giá phải nói một cách tự do từ góc độ học thuật mà không bị can thiệp từ các bên khác. Hầu hết các tạp chí khoa học ở Trung Quốc áp dụng hệ thống đánh giá ngang hàng ẩn danh hai chiều. Một người đánh giá giỏi phải công bằng, vô tư và chuyên nghiệp khi đánh giá bản thảo. Để đảm bảo tính công bằng của quá trình đánh giá bản thảo, ban biên tập có thể chọn hai hoặc nhiều chuyên gia ngang hàng cho công tác phản biện nội dung cùng một lúc và kết hợp quan điểm của các chuyên gia để đánh giá bài báo.

Sáu là, nâng cao chất lượng đào tạo biên tập viên và quản lý tạp chí. Về đào tạo nguồn nhân lực cho các tạp chí khoa học, cần chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực đổi mới của biên tập viên và người quản lý tạp chí. Ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn, cần chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tinh thần đổi mới và khả năng thích ứng với công nghệ mới, biên tập viên và người quản lý tạp chí cần nắm vững quy trình biên tập, có khả năng đánh giá chất lượng bài viết một cách khách quan thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng biên tập viên và người quản lý tạp chí trở thành những chuyên gia có phẩm chất đạo đức cao, năng lực đổi mới và tầm nhìn chiến lược.

Đặc điểm nổi bật của tạp chí khoa học so với các tạp chí phổ thông là sự chuyên nghiệp và uy tín. Do vậy, biên tập viên và người quản lý tạp chí phải liên tục nâng cao trình độ học vấn của mình thông qua đào tạo chuyên môn, tham gia các dự án nghiên cứu, viết bài báo học thuật… Qua đó, biên tập viên và người quản lý tạp chí mới có thể đạt được sự tương tác và giao tiếp với tác giả, độc giả và chuyên gia trong quá trình biên tập và đảm bảo quá trình biên soạn tạp chí khoa học đạt chất lượng.

Bảy là, xây dựng các quy định về liêm chính học thuật của các tạp chí khoa học đối với việc xuất bản các sản phẩm khoa học. Chính phủ và các cơ quan ban, ngành cần lên kế hoạch xây dựng cơ chế cảnh báo tạp chí, bao gồm cả tạp chí khoa học trong nước và quốc tế có hành vi vi phạm chất lượng học thuật, thu lợi bất chính. Ngoài ra, cần quy định rõ các bài báo được công bố trên các tạp chí vi phạm sẽ không được công nhận trong bất kỳ hình thức đánh giá nào, kèm theo đó là các chế tài phù hợp (thu hồi, cải chính, xử phạt hành chính…). Việc thiết lập các tiêu chí về liêm chính học thuật không chỉ khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn giúp duy trì, nâng cao chính sách răn đe, không khoan nhượng đối với hành vi vi phạm, coi thường chất lượng trong nghiên cứu học thuật, đồng thời bất kỳ ai vi phạm các quy tắc liêm chính sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

1Hướng dẫn về Chuẩn hóa việc sử dụng các chỉ số liên quan đến các bài báo SCI trong các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng để xây dựng định hướng đánh giá đúng đắn, ban hành ngày 20/02/2020. Xem tại http://www.moe.gov.cn/srcsite/A16/moe784/202002/t20200223_423334.html (bản tiếng Trung).

2Dự thảo hướng dẫn các phương pháp rà soát và biện pháp đánh giá đạo đức công nghệ, công bố ngày 04/04/2023. Xem tại https://www.most.gov.cn/wsdc/202304/t20230404_185388.html (bản tiếng Trung).

3Xem tại https://www.cecc.gov/publications/commission-analysis/new-regulations-on-newspapers-and-magazines-go-into-effect-december.

4Hướng dẫn chung về việc tăng cường hơn nữa cải cách thực thi pháp luật toàn diện trong thị trường văn hóa, ban hành ngày 04/04/2016. Xem tại https://www.gov.cn/xinwen/2016-04/04/content_5061160.htm (bản tiếng Trung).

5Hướng dẫn về việc tăng cường hơn nữa việc xây dựng tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học, ban hành ngày 30/05/2018. Xem tại http://www.moe.gov.cn/jyb_xxgk/moe_1777/moe_1778/201805/t20180531_337857.html (bản tiếng Trung).

6Tính đến nay có 195 quốc gia có chủ quyền thuộc Liên hợp quốc, bao gồm 193 quốc gia thành viên và 2 quan sát viên là thành quốc Vatican và Palestine.

7Xem tại https://26249742.fs1.hubspotusercontent-eu1.net/hubfs/26249742/FIPP_Future_of_print_June2023.pdf.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] M. Li (2020), “Quality development of China’s academic journals in a new era”, Advances in Social Science, Education and Humanities Research, 505, pp.1031-1037.

[2] J. Wang, W. Halffman, H. Zwart (2020), “The Chinese scientific publication system: Specific features, specific challenges”, Learned Publishing, 34(2), pp.105-115, DOI: 10.1002/leap.1326.

[3] Q. Xie, R.B. Freeman (2019), “Bigger than you thought: China’s contribution to scientific publications and its impact on the global economy”, China & World Economy, 27(1), pp.1-27.

[4] Z. Wu (2021), “China’s experiences in developing lifelong education, 1978-2017”, ECNU Review of Education, 4(4), pp.857-872, DOI: 10.1177/2096531120953959.

[5] B. Owens (2024), “China’s research clout leads to growth in homegrown science publishing”, https://www.nature.com/articles/d41586-024-01596-2, truy cập ngày 1/11/2024.

[6] N. Goncharoff, M. Clarke, J. Esposito (2023), International STM Publishing in China: State of The Market Report 2023, Osmanthus Consulting Ltd., 51pp.

[7] J. Adams (2023), “Exploring China’s research landscape and its future direction”, https://clarivate.com/academia-government/blog/exploring-chinas-research-landscape-and-its-future-direction/, truy cập ngày 1/11/2024.

[8] S. Ren, H. Yang, A. Stanley, et al. (2013), “China’s scientific journals in a transforming period: Present situation and developing strategies”, Scholarly and Research Communication, 4(1), pp.1-16, DOI: 10.22230/src.2013v4n1a106.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)