Viêm dạ dày là một bệnh khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ người bị viêm loét dạ dày chiếm khoảng 6-10% dân số, tại Việt Nam tỷ lệ này vào khoảng 6-10%. Trong đó, viêm dạ dày do vi khuẩn HP chiếm 20-30% dân số ở các nước công nghiệp và 70-90% ở các nước đang phát triển. Ở Pháp, tỷ lệ nhiễm HP chiếm 53% số người đến khám bệnh và được nội soi tiêu hóa. Ở Việt Nam, trong các trường hợp nội soi đường tiêu hóa khi bị viêm dạ dày, tỷ lệ nhiễm HP chiếm 63-94,8%. Bệnh thường gặp ở cả nam và nữ, lứa tuổi 15-75 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 75,2%. Trong khi thuốc điều trị bệnh viêm dạ dày có nhiễm vi khuẩn HP chủ yếu là sử dụng nhiều loại kháng sinh phối hợp và bệnh vẫn hay tái phát.
Hiện nay, số lượng thuốc cung cấp trên thị trường Việt Nam chủ yếu vẫn phải nhập khẩu của nước ngoài. Nhu cầu sử dụng thuốc để chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng lớn. Vì vậy, các công ty sản xuất dược phẩm trong nước đang có nhu cầu lớn về nguồn nguyên liệu làm thuốc cũng như sản phẩm điều trị bệnh viêm dạ dày. Ngành dược nước ta đã đặt mục tiêu phát triển các nguồn nguyên liệu làm thuốc để phấn đấu thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 60% tổng lượng thuốc của Việt Nam cần sử dụng mỗi năm. Thực tế trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã phát triển thành công một số sản phẩm dùng trong điều trị bệnh viêm dạ dày tá tràng có nguồn gốc thảo dược.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá một số cây thuộc chi Murdannia đã được sử dụng từ lâu với mục đích trị bệnh viêm dạ dày. Một trong số đó là cây Bao tử thuộc chi Murdannia có ở nhiều tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Tháp... Cây có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và dễ sinh trưởng phát triển, lại cho thu hoạch nhanh. Vì vậy tiềm năng cho phát triển nguồn nguyên liệu và sản phẩm từ cây này là rất lớn. Trên thế giới một số nước đã nghiên cứu sử dụng một số loài thuộc chi Murdannia trong chăm sóc sức khỏe nói chung và điều trị viêm dạ dày nói riêng. Tại Việt Nam, loài cây này có nhiều và lại dễ trồng, trong khi chưa có nghiên cứu toàn diện (hóa học, sinh học, dược học), đặc biệt nghiên cứu theo hướng tạo nguồn nguyên liệu và sản phẩm trị bệnh viêm dạ dày nhiễm HP. Do đó, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển chế phẩm hỗ trợ điều trị bệnh viêm, loét dạ dày từ một số cây thuốc thuộc chi Murdannia sp. ở Việt Nam”.
Đề tài được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 với 3 mục tiêu chính: sàng lọc được các phân đoạn dịch chiết có tác dụng chống viêm, loét dạ dày từ một số loài thuộc chi Murdannia sp.; đánh giá được tác dụng chống viêm loét, tác dụng giảm đau, kháng axit, ức chế vi khuẩn HP của phân đoạn có tác dụng chống viêm loét dạ dày tốt nhất; tạo được chế phẩm hỗ trợ điều trị bệnh viêm, loét dạ dày.
Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã xác định được đặc điểm thực vật và tên khoa học của 5 loài thuộc chi Murdannia là: Bao tử (Murdannia bracteata), Lõa trai trần (Murdannia nudiflora), Thủy trúc diệp (Murdannia triquetra), Trai rẽ (Murdannia divergens) và Rau rươi đơn (Murdannia simplex); sàng lọc tác dụng chống viêm loét dạ dày với 5 loài cây nêu trên và xác định được 2 loài Bao tử và Lõa trai trần có tác dụng tốt, đồng thời cũng sàng lọc, xác định được phân đoạn ethyl acetat chiết từ 2 loài cây này là phân đoạn có tác dụng nhất và dùng để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo.
Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài ngày 10/12/2024.
Kết quả đánh giá độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của cao phân đoạn từ 2 loài cây Bao tử và Lõa trai trần cho thấy, cao phân đoạn ethyl acetat đánh giá độc tính cấp ở liều tối đa chuột không bị chết; đánh giá độc tính bán trường diễn 3 tháng của cao phân đoạn này theo dõi đánh giá chỉ số chức năng gan thận cho thấy cao phân đoạn có độ an toàn tốt. Kết quả nghiên cứu đánh giá tác dụng chống viêm loét dạ dày tá tràng trên mô hình gây viêm loét bằng indomethacin và cysteamin, đánh giá tác dụng giảm đau trên mô hình mâm nóng và mô hình rê kim của cho thấy cao phân đoạn ethyl acetat có tác dụng tốt; kết quả đánh giá tác dụng kháng axit và kháng HP ghi nhận cao phân đoạn ethyl acetat thể hiện tác dụng yếu.
Từ cao phân đoạn ethyl acetat của 2 loài nêu trên, đề tài đã chiết xuất phân lập, xác định cấu trúc của 18 hợp chất, trong đó 2 hợp chất trùng nhau giữa 2 loài. Trên cơ sở đó nghiên cứu đã chiết xuất, phân lập quercetin một flavonoid chính từ 2 loài Bao tử, Lõa trai trần, thu được quercetin với hàm lượng 96,1% (định lượng bằng HPLC).
Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng được quy trình chiết xuất tạo cao dược liệu quy mô 2 kg cao/mẻ từ 2 loài cây Bao tử và Lõa trai trần, áp dụng bào chế ra cao khô dược liệu đạt tiêu chuẩn cơ sở; đánh giá độ ổn định của cao khô dược liệu ở điều kiện lão hóa cấp tốc 6 tháng và thử nghiệm điều kiện thường 12 tháng cho thấy cao khô dược liệu ổn định trong 12 tháng; xây dựng được quy trình bào chế viên nang cứng từ cao khô dược liệu của 2 loài cây Bao tử và Lõa trai trần, áp dụng sản xuất được 30.000 viên nang cứng An dạ. Kết quả đánh giá độ ổn định của viên nang cứng An dạ ở điều kiện lão hóa cấp tốc 6 tháng và thử nghiệm điều kiện thường 15 tháng cho thấy ổn định trong 15 tháng; đánh giá độc tính cấp, bán trường diễn của viên nang cứng An dạ cho thấy độ an toàn tốt. Kết quả đánh giá tác dụng chống loét dạ dày tá tràng trên mô hình gây viêm loét bằng indomethacin và cysteamin, đánh giá tác dụng giảm đau trên mô hình mâm nóng và mô hình rê kim cho thấy viên nang có tác dụng tốt.
Sản phẩm của đề tài.
Ngoài ra, đề tài đã công bố được 2 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín và 2 bài báo trên tạp chí trong nước; được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận 2 đơn đăng ký giải pháp hữu ích; đào tạo được 2 thạc sỹ và 1 tiến sỹ (vượt so với nội dung được phê duyệt).
Với những kết quả đã đạt được, đề tài đã mang lại hiệu quả thiết thực về mặt khoa học, kinh tế và xã hội. Cụ thể, thông qua thực hiện đề tài, các cán bộ nắm vững quy trình công nghệ chiết xuất, bào chế cao dược liệu, viên nang cứng tương đương với khu vực và thế giới; cung cấp thêm những thông tin khoa học về thực vật, thành phần hóa học, độc tính, tác dụng sinh học, quy trình bào chế, chế biến dược liệu, thuốc, thực phẩm chức năng từ cây thuốc Bao tử và Lõa trai trần; phát triển các phương thức sử dụng cây thuốc; mở rộng mối quan hệ hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài nước. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp cho ngành dược Việt Nam một quy trình công nghệ để tạo ra nguồn nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu thô cho đến sản phẩm đã bào chế theo các dạng bào chế viên nang cứng bảo đảm chất lượng để thương mại hóa, góp phần cung cấp cho người dân những sản phẩm chăm sóc sức khỏe chất lượng và giá thành rẻ hơn.
Công Thường