Thứ hai, 10/09/2018 15:12

Bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với nông sản ở Bắc Giang

Nguyễn Đức Kiên

 

Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang

 

Tính đến nay, Bắc Giang đã được cấp gần 700 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (trong đó chủ yếu là nhãn hiệu), là một trong những địa phương có nhiều nông sản được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp nhất trong cả nước. Đặc biệt, nhiều sản phẩm của tỉnh đã được bảo hộ ở nước ngoài, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, đem lại giá trị gia tăng cao. Từ thực tiễn của Bắc Giang, tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm, hy vọng sẽ là những tham khảo hữu ích cho các địa phương khác trong cả nước.

Bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với nông sản ở Bắc Giang

Bắc Giang là một trong những địa phương có nhiều nông sản được được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp nhất trong cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 1.340 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 683 văn bằng bảo hộ, mà chủ yếu là đối với các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, nhiều sản phẩm, nghề truyền thống là thế mạnh của tỉnh đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, có thể kể đến như: 1 chỉ dẫn địa lý (Vải thiều Lục Ngạn); 4 nhãn hiệu chứng nhận (Gà đồi Yên Thế, Bưởi Hiệp Hòa, Miến dong Sơn Động, Chè Yên Thế); 41 nhãn hiệu tập thể (Mật ong rừng Sơn Động, Hạt dẻ Lục Nam, Bánh đa Đa Mai, Mỳ gạo Châu Sơn, Lợn sạch Tân Yên, Rau sạch Yên Dũng…).

Bên cạnh việc bảo hộ trong nước, nhiều nông sản của Bắc Giang đã được bảo hộ ở nước ngoài như: Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Mỹ, Australia, Singapore); Mỳ Chũ được bảo hộ tại 5 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia); Mỳ Kế được bảo hộ tại 5 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Thái Lan); Gà đồi Yên Thế được bảo hộ tại 3 quốc gia (Lào, Trung Quốc, Singapore).

Việc xây dựng thương hiệu đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh và khẳng định được giá trị thương hiệu. Sau khi được bảo hộ, vải thiều Lục Ngạn đã có được danh tiếng, việc sản xuất, tiêu thụ thuận lợi hơn: Tổng doanh thu từ vải thiều năm 2017 đạt 5.306 tỷ đồng (trong đó từ sản xuất đạt 3.537 tỷ đồng và từ hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt 1.769 tỷ đồng), giá xuất khẩu đạt trung bình 58 nghìn đồng/kg, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.123 tỷ đồng. Đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và được bảo hộ tại 3 quốc gia thì sản phẩm này đã được bình chọn là “Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á”, “Thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013”, top 50 “Thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng năm 2014”, top 10 “Thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng năm 2015”. Mỗi năm, gà đồi Yên Thế cung ứng ra  thị trường 11-13 triệu con với giá trị sản xuất 1.300-1.500 tỷ đồng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả khá ấn tượng trong việc xây dựng, tạo lập thương hiệu, nhưng việc tiếp tục duy trì, phát triển các sản phẩm đã được bảo hộ của Bắc Giang cũng gặp không ít khó khăn. Trước hết, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu công nghiệp. Vẫn còn hiện tượng nông sản ghi xuất xứ hàng hóa không rõ hoặc ghi tương tự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, làm tổn hại đến danh tiếng, uy tín của sản phẩm đã được bảo hộ.

Việc tích tụ ruộng đất, dồn điền, đổi thửa còn chậm, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa (trừ vùng sản xuất vải thiều) cũng là những trở ngại lớn khi xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang. Nếu tiếp tục canh tác trên những thửa ruộng nhỏ lẻ, manh mún sẽ gặp khó khăn trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, sản phẩm tạo ra không đồng đều về chất lượng, gây ảnh hưởng đến danh tiếng của các sản phẩm đã được bảo hộ.

Bên cạnh đó, có thể nêu ra một số khó khăn khác như: Mẫu mã, bao bì sản phẩm còn chưa phong phú, chậm được cải tiến để phù hợp với người tiêu dùng; phương thức sản xuất chưa chuyên nghiệp, dẫn đến việc nhận diện thương hiệu gặp khó khăn; việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sự đồng đều về chất lượng của sản phẩm còn hạn chế…

Một số kinh nghiệm rút ra

Để có được những kết quả trong tạo lập, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các nông sản được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại địa phương, Bắc Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Một số bài học kinh nghiệm của Bắc Giang là:

Thứ nhất, chủ động xác định các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng. Bắc Giang là một trong những tỉnh có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với sự phong phú, đa dạng về sản phẩm. Từ lợi thế này, ngày 31/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 1517/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng tỉnh Bắc Giang năm 2017. Theo đó có các nhóm sản phẩm sau: 1) Nhóm 8 sản phẩm chủ lực là các loại nông sản có số lượng lớn, tiềm năng về thị trường, tỷ lệ người dân tham gia sản xuất kinh doanh cao, tận dụng tốt điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao, đã được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới 3 hình thức (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể); 2) Nhóm 14 sản phẩm đặc trưng bao gồm các nông sản đã có thương hiệu, thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế khá, mang đặc trưng riêng từng vùng/địa phương như: Chè Yên Thế, na Lục Nam, bưởi/rau Hoàng Lương, nấm Lạng Giang, gạo thơm Yên Dũng…; 3) Nhóm 30 sản phẩm tiềm năng là những sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có quy mô, sản lượng chưa tương xứng với tiềm năng nhưng có khả năng phát triển thành sản phẩm chủ lực hoặc sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Thứ hai, tăng cường đầu tư ứng dụng tiến bộ KH&CN, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Sở KH&CN Bắc Giang phối hợp với UBND các huyện, thành phố lựa chọn các sản phẩm nông sản của địa phương để đề xuất UBND tỉnh cho thực hiện dự án phát triển thương hiệu theo Kế hoạch số 802/KH-UBND ngày 2/4/2014 của UBND tỉnh nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất, canh tác tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đối với các sản phẩm đã được bảo hộ, tích cực thực hiện các đề tài/dự án cấp tỉnh, như: Dự án sản xuất vải thiều dùng hệ thống tưới tiết kiệm nước của Israel và đưa công nghệ của nước này vào bảo quản vải thiều; Nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì nhiêu của đất, góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang… Nhiều nông sản được bà con tích cực ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, Bắc Giang đã từng bước đưa KH&CN vào sản xuất tại các làng nghề như: Mỳ Thủ Dương (Lục Ngạn), bún Đa Mai, mỳ Kế, rượu làng Vân…

Thứ ba, ngành KH&CN Bắc Giang đã phối hợp với các ngành chức năng khác của tỉnh xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản, chiến lược của địa phương. Trên cơ sở đó, tìm kiếm và huy động các nguồn kinh phí đầu tư.

Thứ tư, quan tâm giúp các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp, gắn với xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)