Thứ ba, 10/07/2018 14:49

Khám phá khảo cổ học tiêu biểu tại khu di tích nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh

Nguyễn Văn Anh, Đặng Hồng Sơn

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều là quần thể di tích kiến trúc lăng tẩm, chùa tháp và đền miếu phân bố trên một khu vực rộng lớn thuộc địa bàn 4 xã (An Sinh, Bình Khê, Tràng An và Thủy An), thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, phần lớn các di tích kiến trúc lăng tẩm, chùa tháp và đền miếu tại đây chỉ còn là phế tích. Để triển khai và thực hiện công tác quy hoạch chi tiết, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích thì việc khai quật, nghiên cứu khảo cổ học phải đi trước nhằm làm rõ cấu trúc, quy mô, diện mạo và đánh giá giá trị. Năm 2017, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, UBND thị xã Đông Triều tiến hành khai quật tại 3 di tích: Am Ngọa Vân, Đá Chồng và đền An Sinh. Kết quả khai quật đã làm xuất lộ hàng loạt di tích, di vật có giá trị lịch sử, văn hóa, là những tư liệu quan trọng cho việc tìm hiểu cấu trúc, quy mô, diện mạo, từ đó kiến nghị phương án quy hoạch chi tiết, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích.

Những khám phá mới, tiêu biểu

Đền An Sinh

Đền An Sinh là một di tích trọng yếu nằm trong Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Từ thời Trần cho đến thời Lê Trung hưng, đền An Sinh được gọi là điện An Sinh. Tài liệu bia ký, thư tịch hiện còn cho biết, ít nhất từ thời Lê Trung hưng đến nay, đền là nơi thờ các vị hoàng đế nhà Trần và phối thờ An Sinh vương Trần Liễu. Không có bất cứ tư liệu thư tịch nào cho biết tính chất, diện mạo và quy mô điện An Sinh dưới thời Trần. Ngay cả quy mô, cấu trúc của đền An Sinh dưới thời Lê Trung hưng như thế nào cũng là một khoảng trống. Việc khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại đền An Sinh nhằm khỏa lấp các khoảng trống này.

 Kết quả khai quật tại đền An Sinh năm 2017 đã phát hiện tổng cộng dấu vết của 25 công trình kiến trúc khác nhau; các loại hình di vật gồm đồ gốm men, vật liệu kiến trúc, tiền đồng... có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn. Trong đó đáng lưu ý là một tổ hợp công trình kiến trúc thời Trần bao gồm các kiến trúc lớn, hành lang, sân vườn và tường bao kết nối liên hoàn tạo thành một quần thể kiến trúc lớn. Kết quả khảo sát xung quanh khuôn viên đền An Sinh cũng tìm thấy khá nhiều dấu vết kiến trúc thời Trần khác, điều này cho thấy phạm vi của điện An Sinh dưới thời Trần rộng lớn hơn nhiều so với khuôn viên đền An Sinh hiện nay. Bên cạnh các dấu vết kiến trúc, tại di tích đền An Sinh cũng đã phát hiện nhiều loại hình di vật, trong đó tiêu biểu nhất là chậu gốm hoa nâu và tượng chim phượng. Chậu gốm hoa nâu bị vỡ thành hàng trăm mảnh lớn, nhỏ khác nhau, lắp ghép các mảnh đã tìm được cho thấy, đây là chậu có kích thước lớn (có lẽ là một trong những chậu gốm hoa nâu lớn nhất hiện biết): đường kính miệng 120 cm, cao 90 cm, thân trang trí rồng, hoa sen dây và hoa chanh. Các họa tiết trang trí trên thân chậu cho thấy đây là một vật dụng cao cấp của hoàng gia nhà Trần.

Am Ngọa Vân

Tháng 5/1307, Trúc Lâm Đại sỹ lên núi Bảo Đài cho dựng một am nhỏ trên ngọn Vân Phong làm nơi tu hành gọi là am Ngọa Vân; tháng 11/1308, Ngài hóa Phật tại đây, Bảo Sát (Sái) hỏa thiêu Ngài ngay tại am Ngọa Vân, Pháp Loa tới tưới nước thơm lên hỏa đàn, thu ngọc cốt và xá lị. Vua Trần Anh Tông rước xá lị về Hoàng cung và tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật. Là nơi tu hành và hóa Phật của đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm, Ngọa Vân trở thành Thánh địa của Thiền phái này.

Các di tích hiện còn ở Ngọa Vân gồm 2 tháp đá và văn bia đá, 1 tượng voi, 1 tượng ngựa và 3 bệ tượng đều được xây dựng và tạo tác dưới thời Lê Trung hưng, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 3 (1707). Bên cạnh các di vật thời Lê Trung hưng, tại đây cũng có khá nhiều gạch ngói, chân tảng của thời Trần. Để làm rõ quy mô, cấu trúc, niên đại cũng như sự thay đổi của di tích am Ngọa Vân qua các giai đoạn lịch sử, các hố khai quật khảo cổ đã được mở tại vị trí Bàn cơ tiên và vị trí am Ngọa Vân.

Tại vị trí Bàn cơ tiên, đã tìm thấy dấu vết bó nền, hố chôn chân cột. Các dấu vết còn lại  cho phép xác định, tại đây đã từng tồn tại một kiến trúc được xây dựng trên mặt nền hình chữ nhật, chiều dài hướng Đông - Tây 10,6 m; chiều rộng hướng Bắc - Nam 6,1 m. Các dấu vết bó nền, hố chân cột, kết nối với bậc cấp có thể suy đoán, kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, nằm lệch về phía Tây của nền, cấu trúc 1 gian, 2 chái với 4 hàng cột, gian giữa lớn nhất, rộng 3,30 m; hai gian bên rộng trung bình 2,1 m. Phần nền phía Đông được sử dụng làm lối đi.Di vật tìm được ở vị trí Bàn Cờ Tiên chủ yếu là ngói sen và gạch thời Trần, rất hiếm gặp những đồ gia dụng như đồ gốm men và đồ sành. Vị trí xây dựng và hướng của kiến trúc cho thấy, kiến trúc tại Bàn cờ tiên là một phần trong cấu trúc của chùa - am Ngọa Vân. Các di vật này cho thấy, ngay từ thời Trần đã có kiến trúc được dựng tại đây, đồng thời việc thiếu vắng các đồ gia dụng phần nào cho thấy tính chất của công trình, so sánh cấu trúc này với cấu trúc chùa của Thiền phái Trúc lâm khác như Hồ Thiên, Hoa Yên có thể thấy Bàn cờ tiên chính là vị trí của Tịnh thất. Khi kiến trúc Tịnh thất sập đổ chỉ còn lại phần nền phẳng, người ta cho rằng đó là nơi tiên đánh cờ nên gọi mặt nền này là “Bàn cờ tiên”.

Tại vị trí am, tháp đã mở 4 hố khai quật, kết quả đã làm rõ cấu trúc mặt bằng khu vực này dưới thời Trần, đồng thời cũng làm rõ sự chuyển biến của mặt bằng khu vực am thám dưới thời Lê Trung hưng. Theo đó, dưới thời Trần, mặt bằng khu vực am tháp được cải tạo hạn chế, nền được kè lương theo sườn núi, do vậy các kiến trúc ở đây cũng có quy mô nhỏ hẹp, hòa vào với cảnh quan thiên nhiên. Thời Lê Trung hưng, mặt nền được cải tạo và kè thành hai cấp như hiện nay, cấp nền dưới là nơi dựng hai tòa Bảo tháp Đoan Nghiêm và Phật hoàng, cấp nền trên là nơi xây dựng các kiến trúc có kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói mà dấu vết còn lại là hệ thống chân tảng, bó nền, …Bên cạnh các di tích, cuộc khai quật cũng đã phát hiện được rất nhiều các loại hình di vật khác nhau, trong đó chủ yếu là các vật liệu kiến trúc có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn. Đáng chú ý, trong khu vực ô AB2, ở độ sâu 25-30 cm so với mặt đất hiện tại, 599,6 m so với mực nước biển trong một hố đen có đường kính 20-25 cm, đào sâu xuống nền đá gốc đã tìm thấy hiện vật bằng kim loại. Hiện vật hình hộp chữ nhật, nằm nghiêng, nắp hộp bị móp do chịu sự tác động khá lớn từ trước, hộp kim loại có phần mép nắp khớp với thân hở một kẽ nhỏ. Kích thước hộp dài (trên miệng/dưới đáy) 8,0/8,3cm, cao 4,6cm, rộng 4,6/4,9 cm. Toàn bộ mặt ngoài để trơn, không trang trí hoa văn, song ở đáy và hai mặt hông còn thấy rõ vết vải và dây buộc cho thấy khi chôn hộp được bọc trong một túi vải, ngoài có dây buộc lại hình chữ thập. Kết quả phân tích thành phần chất liệu tạo hộp bằng phương pháp huỳnh quang tia X cho biết, hộp được làm bằng hợp kim chì, đồng và thiếc. Kết quả chụp X quang bằng thiết bị chụp ảnh phóng xạ trong công nghiệp X-Ray - RF-300EGM cho thấy hình ảnh hộp có cấu tạo gồm 2 lớp. So sánh hình dáng và cấu trúc của hộp này có thể thấy nó khá giống với hình dáng của các hộp xá lỵ đã được phát hiện. Tuy nhiên điểm khác biệt quan trọng nhất của di vật này so với các hộp xá lỵ đã được phát hiện là nó không có hoa văn trang trí.

Đá Chồng

Đá Chồng là 1 trong 4 cụm di tích trong quần thể di tích Ngọa Vân, cách am Ngọa Vân khoảng 1 km về phía Đông Nam theo đường chim bay. Di tích nằm trọn trong một bồn địa nhỏ được bao quanh bởi các ngọn núi thuộc Đèo Voi ở phía Tây Nam, núi Đá Chồng ở phía Nam và các ngọn núi cao ở phía Tây Bắc, Đông Bắc. Trong mối tương quan so sánh với Ngọa Vân, Ba Bậc thì Đá Chồng là một khu vực có thành tạo địa chất có phần đặc biệt hơn, đây là khu vực có địa hình bằng phẳng và rộng hiếm hoi trong cánh cung Đông Triều, tồn tại đầy đủ những yếu tố thuận lợi cho quá trình sinh sống của con người như nguồn nước dồi dào, chảy quanh năm, có hồ chứa nước và các khu đất bằng phẳng có thể canh tác nông nghiệp.

Các cuộc điều tra khảo cổ học tại đây vào cuối năm 2007, đầu năm 2008 đã ghi nhận sự tồn tại của một phức hợp kiến trúc được phân bố thành hai khu vực gọi là Đá Chồng 1 và Đá Chồng 2, trong đó tại Đá Chồng 1 đã thấy dấu vết của các công trình: Tịnh thất, khu trung tâm, khu vườn tháp, vườn chùa, hồ nước; Đá Chồng 2 có dấu vết của các công trình kiến trúc và lò nung vật liệu kiến trúc. Để làm rõ cấu trúc mặt bằng, xác định quy mô của kiến trúc, làm rõ công năng của các công trình; xác định niên đại và diễn biến mặt bằng của di tích, từ đó đánh giá tổng thể giá trị của di tích, các hố khai quật đã được mở tại hai khu vực Đá Chồng 1 và Đá Chồng 2.

Kết quả khai quật tại Đá Chồng 1 đã làm rõ cấu trúc tổng thể kiến trúc tại đây. Theo đó, tại Đá Chồng 1 đã từng tồn tại một tổ hợp công trình kiến trúc và cảnh quan gồm (xếp từ cao độ thấp lên cao): Vườn tháp, nội tự, tăng thất và tịnh thất. Vườn tháp nằm ở phía trước, được kết nối với khu nội tự bằng một cây cầu; tịnh thất nằm ở phía sau khu nội tự trên sườn và đỉnh ngọn núi phía sau; khu tăng thất nằm ở phía Đông của nội tự với nhiều dấu vết kiến trúc khác nhau.

Tại Đá Chồng 2, kết quả khai quật cũng đã tìm thấy một số dấu vết kiến trúc và đặc biệt là hệ thống lò nung. Các phế phẩm để lại trong lò cho thấy, các lò này không chỉ nung gạch, ngói, trang trí kiến trúc mà còn nung cả các đồ thờ. Việc phát hiện các lò gạch ngói và đồ thờ tại Đá Chồng 2 cho phép khẳng định, dưới thời Lê Trung hưng đây là khu vực sản xuất vật liệu phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo và xây dựng chùa tháp không chỉ ở Đá Chồng mà cho toàn bộ các di tích ở am Ngọa Vân.

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm 2017 cung cấp thêm luận cứ làm rõ và củng cố một số nhận định từ cuộc điều tra năm 2007-2008 tại di tích Đá Chồng, đồng thời bổ sung nhiều tư liệu mới, là cơ sở để nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về di tích này. Cho đến năm 2015, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng Đá Chồng là một phức hợp các di tích kiến trúc có niên đại từ thời Lê Trung hưng[1], tuy nhiên việc tìm thấy khá nhiều các loại hình di vật thời Trần gồm gạch ngói, gốm men và đồ sành tại khu vườn tháp cho thấy dường như dưới thời Trần, tại khu vực vườn tháp đã có những am nhỏ được xây dựng.

Một số đề xuất từ kết quả khảo cổ học

Trên cơ sở kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại 3 di tích, các nhà khảo cổ học đã cung cấp các luận cứ khoa học và đề xuất ý tưởng quy hoạch chi tiết, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của 3 di tích trên nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn các giá trị của di tích, quảng bá và phát huy giá trị, đưa di tích về với cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể:

- Đối với di tích đền An Sinh, quy hoạch chi tiết tổng đền An Sinh cần được điều chỉnh cho phù hợp với kết quả nghiên cứu của khảo cổ học, đồng thời kết nối với di tích An Sinh với lăng Tư Phúc tạo thành một tổng thể. Đồ án quy hoạch này không chỉ kết nối hai di tích mà còn khai thác tối đa tính đa dạng địa hình và cảnh quan của hai di tích với địa hình bằng phẳng của đền An Sinh, mặt nước của hồ Sư phạm và núi Tư Phúc, biến nơi đây thành công viên lịch sử văn hóa giới thiệu về Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

- Đối với di tích am Ngọa Vân, quy hoạch cần bảo tồn cấu trúc mặt bằng và cảnh quan hiện còn của di tích. Các kiến trúc ở đây cần được lựa chọn trên các nguyên tắc: Phù hợp với cấu trúc mặt bằng và cảnh quan kiến trúc hiện còn của di tích; đáp ứng yêu cầu phát huy giá trị của di tích trong dài hạn, nhưng không làm tổn hại đến cảnh quan của di tích, kết nối tổng thể với chùa Ngọa Vân và Tịnh am tạo thành một tổng thể: Chùa, am - tháp và tịnh thất. Cần có kế hoạch kịp thời bảo tồn Đoan Nghiêm và Phật Hoàng tháp, hai công trình kiến trúc quan trọng hiện còn tại di tích.

- Đối với di tích Đá Chồng: Mặc dù đã tìm thấy một số loại hình di vật của thời Trần ở khu vực vườn tháp, nhưng chưa tìm thấy dấu tích kiến trúc nào của thời Trần ở đây, trong khi đó kết quả khai quật đã làm rõ cấu trúc tổng thể mặt bằng kiến trúc cũng như quy mô, cấu trúc của từng đơn nguyên kiến trúc của thời Lê Trung hưng với bố cục hết sức chuẩn mực, phù hợp với cảnh quan của khu vực. Do vậy, lựa chọn phục dựng, tôn tạo lại quần thể kiến trúc Đá Chồng theo cấu trúc và quy mô mặt bằng thời Lê Trung hưng đã phát hiện là phương án không chỉ đáp ứng được yêu cầu về công năng, cảnh quan kiến trúc mà còn có tính khả thi cao. Phần lớn các cấu kiện chịu lực của các công trình vốn đã được đặt trực tiếp trên nền đá gốc, quy mô và tải trọng của kiến trúc không quá lớn, do vậy có thể phục dựng kiến trúc gỗ trên nền cũ; gia cường lại các vị trí đã bị xuống cấp và tu bổ các vị trí đã mất. Làm như vậy không chỉ phục dựng lại kiến trúc mà là giải pháp bảo tồn tốt nhất các dấu tích kiến trúc hiện còn của Đá Chồng.

Đá Chồng là 1 trong 4 cụm di tích cấu thành của quần thể di tích Ngọa Vân. Kết quả nghiên cứu cũng đã chứng minh con đường hành hương quần thể Ngọa Vân qua Phủ am Trà, Đô Kiệu, Thông Đàn... Do vậy quan niệm cho rằng, Đá Chồng là điểm chùa thấp nhất nên gọi là chùa Hạ; am Ngọa Vân là chùa ở vị trí cao nhất là chùa Thượng là không đúng và cần nghiên cứu và đề xuất tên chữ của chùa. Không sử dụng thuật ngữ chùa Hạ để gọi chùa Đá Chồng mà cần gọi đúng là chùa Đá Chồng; chùa Trung để gọi chùa Ngọa Vân mà cần gọi đúng là chùa Ngọa Vân; chùa Thượng để gọi am Ngọa Vân mà gọi là am Ngọa Vân nhằm trả lại đúng tên gọi, ý nghĩa và giá trị của di tích.

Để khai thác hết tiềm năng và lợi thế về di tích, cảnh quan của Đá Chồng, trong đồ án quy hoạch tổng thể, nên định hướng quy hoạch thành hai phân khu với vùng lõi là phân khu kiến trúc văn hóa tâm linh có xuyên suốt từ Hồ nước đến Tịnh thất và vùng khai thác cảnh quan, phát triển dịch vụ là khu vực trung tâm lấy tuyến Đá Chồng - Đèo voi là trục xuyên suốt, xây dựng Đá Chồng trở thành một trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo và du lịch tâm linh.

Hồ nước cần được cải tạo lại để không chỉ là một phần quan trọng tạo nên cảnh quan của khu vực mà còn là nơi dự trữ nước sạch phục vụ sinh hoạt cho toàn bộ quần thể di tích Ngọa Vân, đặc biệt là trữ nước cho các tháng mùa khô. Do đó trong định hướng quy hoạch, các hệ thống xả thải và thượng nguồn không được kết nối vào hồ nhằm đảm bảo tuyệt đối môi trường cảnh quan của hồ, duy trì nguồn nước sạch cấp về hồ.



[1]Nguyễn Văn Anh (2015), Am Ngọa Vân, NXB Khoa học Xã hội, tr.74.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)