Những kết quả đáng khích lệ
Theo Báo cáo được trình bày tại Hội nghị thì các địa phương trong vùng đã dành khoảng 65-70% kinh phí sự nghiệp KH&CN cho hoạt động nghiên cứu và triển khai với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70-75%. Hoạt động nghiên cứu và triển khai của các tỉnh chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương. Nếu như giai đoạn 2014-2016, các nhiệm vụ nghiên cứu - triển khai tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp (50,13%) thì đến giai đoạn 2016-2018 giảm xuống còn 43,13%; khoa học kỹ thuật và công nghệ từ 14,99% (2014-2016) tăng lên 16,10%. Ngoài quan tâm tới việc đặt hàng nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu thực tế, các địa phương đã chú trọng nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa là thế mạnh, sản phẩm chủ lực của từng địa phương ở quy mô lớn, như mật ong bạc hà, cam, dược liệu ở Hà Giang; chè ở Tuyên Quang; rau, hoa ôn đới ở Sơn La; sản phẩm lúa gạo, chăn nuôi ở Hòa Bình; chăn nuôi thủy sản ở Thái Nguyên, Điện Biên; vườn thuốc dược liệu ở Bắc Kạn... Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN thuộc các Chương trình, dự án KH&CN cấp quốc gia. Kết quả của các nhiệm vụ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm là thế mạnh, chủ lực của địa phương; phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng nói chung và các địa phương trong vùng nói riêng.
Đánh giá chung về những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, hoạt động KH&CN của các tỉnh trong vùng đã có những kết quả đáng khích lệ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh nói riêng và của cả vùng nói chung. Các hoạt động KH&CN trong vùng đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của quốc gia theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số vấn đề nổi cộm từ thực tiễn
Khó khăn trong việc sáp nhập và chuyển đổi theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW
Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập, hiện các địa phương đang tiến hành sắp xếp lại các tổ chức KH&CN trực thuộc. Hầu hết các tỉnh đã và đang xây dựng đề án trình Tỉnh ủy và UBND tỉnh phương án sáp nhập các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở KH&CN (Trung tâm ứng dụng, Trung tâm thông tin, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lương chất lượng) thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Sắp xếp lại các phòng trực thuộc Sở theo hướng giảm đầu mối. Hiện tại, các tỉnh Bắc Kạn, Phú Thọ, Thái Nguyên đã có đề án sáp nhập được tỉnh phê duyệt; các địa phương còn lại đang xây dựng đề án hoặc đang trình phê duyệt.
Có thể nói, việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở là xu hướng chung, đúng với chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp để tăng cường tính tự chủ, năng động của đơn vị sự nghiệp KH&CN mà vẫn tạo điều kiện phát triển tiềm lực KH&CN địa phương. Tuy nhiên, đại diện của nhiều Sở KH&CN trong vùng cho rằng, do thời gian “dự lệnh” thực hiện chủ trương sáp nhập, chuyển đổi hay giải thể khá ngắn, trong khi số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ở các đơn vị sự nghiệp của Sở lại hạn chế; trang thiết bị, máy móc không đồng bộ, công nghệ lạc hậu nên khó đáp ứng được yêu cầu sáp nhập và chuyển đổi theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW. Bên cạnh đó, chưa có văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách, mô hình hoạt động của các tổ chức sau khi sáp nhập, chuyển đổi, nên các địa phương rất lúng túng, khó khăn và tỏ ra băn khoăn về hiệu quả trong hoạt động và điều hành sau khi sáp nhập, chuyển đổi. Nhiều địa phương cũng đặt ra vấn đề về tính khả thi nếu cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp (vì sau khi cổ phần hóa phần lớn các đơn vị sẽ chuyển đối lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ để đảm bảo lợi nhuận và dần xa rời hoạt động sự nghiệp KH&CN). Như vậy, Nhà nước sẽ có nguy cơ mất tài sản, mất nhân lực KH&CN.
Doanh nghiệp chưa là trung tâm của các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo
Giai đoạn 2016-2018, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc đã thu hút được 75 doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án KH&CN (cấp tỉnh, các chương trình KH&CN quốc gia); 38 doanh nghiệp KH&CN, 4 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành. Nhiều tỉnh đã có những chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp quan tâm đến KH&CN cũng như đổi mới công nghệ. Ví dụ, tỉnh Phú Thọ đã giảm số lượng các nhiệm vụ KH&CN trung bình hàng năm khoảng 40 trước đây xuống còn 18, không có đề tài nghiên cứu cơ bản, tập trung vào những đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng, tạo ra kết quả phục vụ trực tiếp việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của các sản phẩm là thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, Phú Thọ cũng hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ tối đa không quá 300 triệu đồng.
Mặc dù xác định được doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhưng nhiều địa phương trong vùng rằng, vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp tham gia hoặc sử dụng kết quả của các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là những nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Việc hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn khá mơ hồ và mông lung vì hầu như không có doanh nghiệp khởi nghiệp nào đáp ứng được tiêu chí “đổi mới sáng tạo”, hoặc nếu có thì cũng không có nguồn kinh phí của địa phương hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động này.
Liên kết hoạt động KH&CN trong vùng thiếu chặt chẽ
Theo ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị, hoạt động liên kết KH&CN trong vùng còn hạn chế. Hầu hết các địa phương vẫn tổ chức nghiên cứu theo dạng manh mún, trùng lắp do chưa có cơ chế chia sẻ hay hệ thống trao đổi thông tin giữa các tỉnh về danh mục, kết quả nhiệm vụ KH&CN.
Để hỗ trợ hoạt động này, ngày 29/8/2017, Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) đã phối hợp với Sở KH&CN Phú Thọ, Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã tổ chức cuộc tọa đàm: Xác định nhiệm vụ KH&CN quốc gia có tính chất liên vùng, liên tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội và các sản phẩm có lợi thế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Qua buổi tọa đàm, các nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện cho các địa phương đã đề xuất 41 nhiệm vụ, trong đó có 12 nhiệm vụ đáp ứng được tiêu chí liên tỉnh, liên vùng; 4 nhiệm vụ đã và đang xem xét ở nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia; 1 nhiệm vụ thuộc Quỹ gen; 2 dự án tham gia trong Chương trình nông thôn, miền núi. Để các nhiệm vụ KH&CN liên tỉnh, liên vùng thực sự phát huy được hiệu quả trong thực tiễn, một số đại biểu cho rằng, cơ quan quản lý nhiệm vụ KH&CN liên tỉnh, liên vùng cần xác định rõ loại sản phẩm nào nên và được phát triển ở những địa phương nào. Ví dụ, đều là cây dược liệu, nhưng cần nghiên cứu và chỉ rõ những cây dược liệu nào thì phù hợp và nên được phát triển ở địa phương nào; tránh tình trạng các địa phương ồ ạt phát triển một hoặc một số loại, dẫn đến năng suất, chất lượng không được đảm bảo, đồng thời gặp khó khăn về thị trường đầu ra.
Hạn chế trong việc tiếp cận với CMCN 4.0
Trong khuôn khổ của Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XVII, Ban tổ chức cũng đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh của CMCN 4.0”. Có thể nói, CMCN 4.0 đang làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị trên toàn thế giới, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ý thức được sự tác động to lớn đó và thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, nhiều tỉnh trong vùng đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động nghiên cứu, tiếp cận và triển khai thực hiện các biện pháp nhằm thích ứng với CMCN 4.0. Cùng với đó là tăng cường hợp tác nghiên cứu - triển khai với các trường đại học, viện nghiên cứu lớn và các tập đoàn công nghiệp lớn trong nước; triển khai xây dựng chính quyền điện tử; ban hành kế hoạch của hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống... Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động KH&CN của các địa phương trong vùng vẫn còn nhiều hạn chế, do vậy, việc tiếp cận với CMCN 4.0 trong bối cảnh cụ thể của địa phương, của vùng như thế nào? Phải chuẩn bị những gì? Nắm bắt cơ hội như thế nào?… là những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.
Trước thực trạng và những băn khoăn của các địa phương, các chuyên gia đến từ Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) đã đưa ra một số khuyến nghị với các tỉnh trong vùng nhằm tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 như: i) cần xác định, lựa chọn lĩnh vực, chuỗi giá trị mà địa phương có thể tham gia dựa trên lợi thế so sánh của địa phương mình, đặc biệt là trong nông nghiệp, du lịch - là những lĩnh vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc có lợi thế; ii) chú trọng đến các yếu tố dẫn dắt liên quan đến công nghệ, đổi mới sáng tạo, vốn con người và các nguồn lực bền vững khác; iii) thu hút, khuyến khích sự tham gia và hợp tác của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc tham gia vào các chuỗi giá trị của địa phương, chuỗi giá trị của Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam tham gia; iv) khuyến khích các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người dân, tăng cường phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học trong hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người dân; v) hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo vùng.
Tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao những kết quả hoạt động KH&CN của các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Thứ trưởng khẳng định: “Một trong những đóng góp nổi bật nhất của hoạt động KH&CN trong vùng là việc đưa nhanh các kỹ thuật tiến bộ vào trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cây dược liệu, rau, hoa chất lượng cao, nghiên cứu đề xuất mô hình hợp tác mới trong phát triển kinh tế, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giới thiệu nhân rộng mô hình KH&CN...”. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ phối hợp với các Sở KH&CN trong vùng nhằm tham mưu cho Bộ, địa phương, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức mà các đại biểu nêu ra tại Hội nghị.