Cá Chiên là loài cá quý hiếm, sống hoang dã ở những nơi có nước chảy xiết. Ban ngày cá trú ngụ trong các hang hốc, khe đá, ban đêm mới ra bắt mồi. Thịt cá Chiên thơm, ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, có giá bán cao. Chính vì vậy, người dân đã khai thác quá mức bằng những phương tiện hủy diệt như kích điện, thuốc nổ, lưới quét… nên sản lượng loài cá này trong tự nhiên đã giảm sút đáng kể. Hiện nay, vùng phân bố của cá Chiên ngày càng bị thu hẹp, chỉ còn ở một số nơi như thượng lưu sông Đà, sông Nâm Mu (Lai Châu), sông Thao (Lào Cai), sông Chảy (Yên Bái), sông Gâm (Tuyên Quang). Môi trường bị suy thoái do nạn phá rừng, đào/đãi vàng, đắp đập xây thủy điện… đã làm mất bãi đẻ tự nhiên nên nguy cơ suy giảm nguồn lợi tự nhiên là rất lớn, có khả năng tuyệt chủng cao. Hiện tại, loài cá này được xếp ở mức nguy cấp bậc II, cần được bảo vệ gấp.
Năm 2015, Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất giống cá Chiên tại các tỉnh miền núi phía Bắc, góp phần phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững. Quy trình sản xuất giống cá Chiên ổn định, phù hợp với các địa phương, đáp ứng được nhu cầu về con giống ngày càng cao của người nuôi ở một số tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Lai Châu.
Tại Hà Giang và Tuyên Quang, nghề nuôi cá lồng ngày một phát triển. Năm 2015, tỉnh Hà Giang có 200 lồng nuôi cá trên sông/hồ, trong đó có 50 lồng nuôi cá Chiên. Tỉnh Tuyên Quang hiện có 1.285 lồng nuôi cá trên sông Lô, sông Gâm và hồ thủy điện, trong đó nuôi cá đặc sản (chủ yếu là cá Chiên, cá Bỗng, cá Lăng) có 386 lồng với sản lượng đạt 93,4 tấn/năm. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng của ở hai tỉnh này vẫn mang tính tự phát, quy mô nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo quy hoạch; kỹ thuật nuôi chủ yếu dựa theo kinh nghiệm; lồng bè được làm từ những vật liệu có sẵn tại địa phương; con giống được gom từ tự nhiên nên kích cỡ không đồng đều, chất lượng chưa đảm bảo.
Xác định việc phát triển nuôi cá Chiên thương phẩm trong lồng tại Tuyên Quang và Hà Giang sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế mặt nước của địa phương; phát huy được kinh nghiệm nuôi cá lồng của bà con; Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) đã đề xuất và được giao thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN nuôi thương phẩm cá Chiên bằng lồng trên sông theo hướng sản xuất hàng hóa tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang” (thuộc Chương trình nông thôn miền núi) từ tháng 11/2016 đến tháng 12/2019.
Mục tiêu của dự án là góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Cụ thể: 1) Xây dựng mô hình nuôi cá Chiên thương phẩm (quy mô 30 lồng/năm cho mỗi tỉnh, thời gian 18 tháng/vụ, năng suất đạt 15 kg/m3 lồng, trọng lượng cá thương phẩm 1,3-1,5 kg/con); 2) Đào tạo kỹ thuật cho 10 học viên, tập huấn kỹ thuật cho 120 hộ nông dân; 3) Xây dựng 5 quy trình có liên quan phù hợp với tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang (thiết kế, cải tạo và lắp ráp lồng bè; lựa chọn và thả cá giống; lựa chọn thức ăn cho cá Chiên thương phẩm; phòng, trị bệnh; thu hoạch, bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng).
Để đạt được hiệu quả, công tác đào tạo, tập huấn được dự án tiến hành ngay khi triển khai. Tháng 5/2017, dự án bắt đầu đào tạo 10 kỹ thuật viên về quy trình nuôi cá Chiên thương phẩm trong lồng với thời gian bình quân là 5 ngày/lớp và được thực hiện trong vòng 3-4 tháng. Các kỹ thuật viên sau khi được đào tạo đã nắm rõ được đặc điểm sinh học của cá Chiên; kỹ thuật chuẩn bị lồng nuôi; kỹ thuật thả giống; kỹ thuật chăm sóc và quản lý; phương pháp ghi chép nhật ký và các chỉ tiêu theo dõi… Dự án cũng đã lựa chọn được các hộ tham gia có nhân lực và kinh nghiệm nhiều năm trong nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là nuôi cá lồng), có đủ vốn đối ứng. Tất cả các hộ nông dân tham gia dự án đã được tập huấn về quy trình nuôi cá lồng nói chung, quy trình kỹ thuật nuôi cá Chiên thương phẩm trong lồng nói riêng, quản lý dịch bệnh cá Chiên nuôi lồng…
Về địa điểm nuôi cá Chiên thương phẩm trong lồng, dự án đã lựa chọn ven sông Lô thuộc hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Việc lựa chọn địa điểm này đảm bảo được các tiêu chí đặt ra: lồng, bè được đặt trong vùng quy hoạch nuôi, không bị ô nhiễm; không bị ảnh hưởng bởi lũ, phương tiện giao thông thủy; mực nước ổn định, lưu tốc dòng chảy 0,2-0,5 m/s. Năm 2017, dự án đã triển khai được 30 lồng tại thành phố Hà Giang và thị trấn Vĩnh Tuy (huyện Bắc Quang, Hà Giang) với 12 lồng; tại huyện Chiêm Hóa, huyện Hàm Yên và Công ty TNHH lâm sản và dịch vụ Long Giang (tỉnh Tuyên Quang) với 18 lồng. Năm 2018, dự án đã triển khai tiếp tục 30 lồng tại thị trấn Vĩnh Tuy (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) với 12 lồng; tại huyện Chiêm Hóa, HTX nuôi cá đặc sản Thái Hòa của tỉnh Tuyên Quang với 18 lồng.
Cá Chiên giống có kích cỡ 15-20 cm/con, được cung cấp bởi Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I). Trung tâm này cũng đã trực tiếp hướng dẫn, đào tạo cho các hộ tham gia mô hình nắm vững và làm chủ quy trình kỹ thuật nuôi cá Chiên thương phẩm trong lồng. Nguồn thức ăn chính của cá Chiên là cá tạp, được thu mua từ người dân khai thác trên sông/hồ ở địa phương. Nguồn cá tạp có sản lượng tương đối lớn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của dự án. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá Chiên thương phẩm trong lồng của dự án có thể mua thức ăn của các cửa hàng trên địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Qua theo dõi cho thấy, cá Chiên nuôi trong các lồng của dự án có tỷ lệ sống đạt gần 80%, cao hơn so với chỉ tiêu kỹ thuật đặt ra (70%). Cá Chiên nuôi trong lồng sinh trưởng và phát triển tốt, những con đã nuôi được 1 năm đều đạt trọng lượng 1-1,2 kg/con. Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ nhiệm dự án cho biết, với tốc độ sinh trưởng và phát triển như hiện nay của cá Chiên thì hiệu quả kinh tế mà dự án đặt ra chắc chắn sẽ đạt được (lợi nhuận dự kiến đạt trên 500 triệu đồng trong vòng 3 năm).
Có thể nói, dự án được triển khai tại Tuyên Quang, Hà Giang đã và đang góp phần giải quyết vấn đề kinh tế cho một bộ phận dân nghèo sống ven sông Lô, thay đổi phương thức sinh kế nhằm ổn định cuộc sống, giảm bớt các rủi ro, giảm bớt sự lệ thuộc vào thiên nhiên khi việc khai thác cá Chiên đã trở nên cạn kiệt. Những cán bộ kỹ thuật được đào tạo, nông dân được tập huấn sẽ trở thành những nhà khuyến nông tự nguyện và người lao động có tay nghề. Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển, là cơ sở để triển khai và nhân rộng mô hình nuôi cá Chiên thương phẩm theo định hướng phát triển thủy sản của 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
VVH