Thứ sáu, 10/08/2018 14:58

Việt Nam tiếp tục tăng bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

VVH

Như thường lệ vào khoảng giữa năm, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trường Đại học Cornell và Viện Nghiên cứu INSTEAD lại công bố Báo cáo về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Năm 2018, GII của Việt Nam xếp hạng 45/126 nước/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2017 và 14 bậc so với năm 2016. Đặc biệt, năm nay, trụ cột về Thể chế của Việt Nam tiếp tục được cải thiện đáng kể. Kết quả đạt được về GII của Việt Nam năm 2018 cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Xếp hạng GII của các nước/nền kinh tế năm 2018

Năm 2018, việc tính toán GII có thay đổi về phương pháp, cụ thể là thay đổi về số lượng, nội hàm và phương pháp tính toán chỉ số. GII 2018 có 21 nhóm chỉ số, 80 tiểu chỉ số (ít hơn 1 tiểu chỉ số so với 2017), tính toán cho 126 nước/nền kinh tế (năm 2017 là 127) và vẫn được chia thành 7 trụ cột chính (5 trụ cột đầu vào và 2 trụ cột đầu ra). 5 trụ cột đầu vào là: Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh; 2 trụ cột đầu ra là: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.

Cũng giống như năm 2017, các nước/nền kinh tế tham gia xếp loại được chia nhóm theo 7 khu vực địa lý: Bắc Mỹ; châu Âu; Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương (Việt Nam được xếp vào khu vực này); Bắc Phi và Tây Á; châu Mỹ La tinh và Caribe; Trung Á và Nam Á; hạ Sahara châu Phi. Theo mức thu nhập, các nước/nền kinh tế được tham gia xếp loại được chia thành 4 nhóm: thu nhập cao, thu nhập trung bình cao, thu nhập trung bình thấp (Việt Nam thuộc nhóm này), thu nhập thấp.

Ở bảng xếp hạng chung, 10 nước/nền kinh tế có vị trí dẫn đầu về GII là: Thụy Sỹ, Hà Lan, Thụy Điển, Vương quốc Anh, Singapore, Mỹ, Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Ireland. Như vậy, 3 nước dẫn đầu so với năm 2017 vẫn là Thụy Sỹ, Hà Lan, Thụy Điển (Hà Lan từ vị trí số 3 vươn lên vị trí số 2 so với năm 2017). Đối với các trụ cột đầu vào, 10 nước/nền kinh tế có vị trí dẫn đầu là: Singapore, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Vương quốc Anh, Phần Lan, Mỹ, Đan Mạch, Hồng Kông, Phần Lan, Canada. Đối với các trụ cột đầu ra, 10 nước/nền kinh tế có vị trí dẫn đầu là: Thụy Sỹ, Hà Lan, Thụy Điển, Luxembourg, Đức, Vương quốc Anh, Mỹ, Phần Lan, Ireland, Trung Quốc.

Xét theo khu vực địa lý, Bắc Mỹ (đứng thứ nhất là Mỹ - xếp hạng thứ 6, thứ hai là Canada - xếp hạng thứ 18); châu Âu (đứng thứ nhất là Thụy Sỹ - xếp hạng thứ nhất, thứ hai là Hà Lan - xếp hạng thứ 2, thứ ba là Thụy Điển - xếp hạng thứ 3); Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương (đứng thứ nhất là Singapore - xếp hạng thứ 5, thứ hai là Hàn Quốc - xếp hạng thứ 12, thứ ba là Nhật Bản - xếp hạng thứ 13); Bắc Phi và Tây Á (đứng thứ nhất là Israel - xếp hạng thứ 11, thứ hai là Cộng hòa Síp - xếp hạng thứ 29, thứ ba là Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất - xếp hạng thứ 38); châu Mỹ La tinh và Caribe (đứng thứ nhất là Chi Lê - xếp hạng thứ 47, thứ hai là Costa Rica - xếp hạng thứ 54, thứ ba là Mê hi cô - xếp hạng thứ 56); Trung Á và Nam Á (đứng thứ nhất là Ấn Độ - xếp hạng thứ 57, thứ hai là Iran - xếp hạng thứ 65, thứ ba là Kazakhstan - xếp hạng thứ 74); hạ Sahara châu Phi (đứng thứ nhất là Nam Phi - xếp hạng thứ 58, thứ hai là Mauritius - xếp hạng thứ 75, thứ ba là Kenya - xếp hạng thứ 78). Như vậy, ở khu vực Bắc Mỹ, Hoa Kỳ giảm 2 bậc so với năm 2017; khu vực châu Âu, Thụy Sỹ giữ vị trí số 1 trong 8 năm liên tiếp; Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương, tất cả các nước/nền kinh tế đều nằm trong top 100; Bắc Phi và Tây Á, Israel và Cộng hòa Síp đạt được vị trí số 1 và 2 trong 6 năm liên tiếp.

Trong nhóm các nước/nền kinh tế có thu nhập cao, vị trí nhất, nhì, ba lần lượt là Thụy Sỹ, Hà Lan, Thụy Điển; tương tự, nhóm các nước/nền kinh tế có thu nhập trung bình cao là Trung Quốc, Malaysia, Bulgaria; nhóm các nước/nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp là Ukraine, Việt Nam, Cộng hòa Moldova; nhóm các nước/nền kinh tế có thu nhập thấp là Cộng hòa Tanzania, Rwanda, Senegal.

Trụ cột về Thể chế của Việt Nam được cải thiện đáng kể

Theo Báo cáo về GII 2018 được tổ chức WIPO công bố, vị trí GII năm 2018 của Việt Nam tiếp tục được cải thiện (xếp hạng 45/126), tăng 2 bậc so với năm 2017 và 14 bậc so với năm 2016. Quan trọng hơn, Việt Nam có điểm số trong cả 7 trụ cột đều cao hơn mức trung bình. Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, mặc dù Việt Nam đứng ở vị trí số 2 (tụt 1 bậc so với năm 2017), nhưng trụ cột đầu vào ĐMST của Việt Nam tăng hạng so với 2 năm trước (vị trí 65 năm 2018, vị trí 71 năm 2017 và vị trí 79 năm 2016). Đặc biệt là trụ cột về Thể chế của năm nay được cải thiện đáng kể.

Trong các chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo của Việt Nam, có thể thấy việc tăng thứ hạng đáng kể ở trụ cột Thể chế (tăng 9 bậc, từ 87 lên 78), trong đó nhóm chỉ số “Môi trường pháp lý” tăng 14 bậc (từ 103 lên 89), đặc biệt tiểu chỉ số “Nâng cao hiệu quả thực thi của pháp luật” tăng 17 bậc (từ vị trí 74 lên 57); nhóm chỉ số “Môi trường kinh doanh” tăng 10 bậc (từ 113 lên 103). Trụ cột Nguồn nhân lực và nghiên cứu tăng 4 bậc (từ 70 lên 66). Trụ cột Trình độ phát triển thị trường tăng 1 bậc (từ 34 lên 33), trong đó nhóm chỉ số “Tín dụng” tăng 2 bậc (từ 17 lên 15); nhóm chỉ số “Thương mại, cạnh tranh và quy mô thị trường” tăng 1 bậc (từ 41 lên 40). Trụ cột Trình độ phát triển của kinh doanh tăng 7 bậc (từ 73 lên 66), trong đó nhóm chỉ số “Lao động có kiến thức” tăng 11 bậc (từ 102 lên 91), đáng kể là tiểu chỉ số “Chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp” tăng 23 bậc (từ vị trí 36 lên 13); nhóm chỉ số “Liên kết sáng tạo” tăng 12 bậc (từ 100 lên 88), đáng kể là tiểu chỉ số “Hợp tác đại học - doanh nghiệp” tăng 17 bậc (từ vị trí 76 lên 59).

Trong 2 trụ cột đầu ra đổi mới sáng tạo, Việt Nam chỉ có sự tăng hạng ở trụ cột Sản phẩm sáng tạo, tăng 6 bậc (từ 52 lên 46). Nhóm chỉ số “Sáng tạo trực tuyến” tăng mạnh nhất (10 bậc, từ vị trí 64 lên 54), trong đó đáng kể là tiểu chỉ số “Tải video lên Youtube” (năm 2018 gọi là “Tạo ứng dụng di động”) tăng 36 bậc (từ 52 lên 16); nhóm chỉ số “Sản phẩm và dịch vụ sáng tạo” tăng 7 bậc (từ 36 lên 29); nhóm chỉ số “Tài sản vô hình” tăng 3 bậc (từ 52 lên 49).

Những kết quả đạt được về GII của Việt Nam năm 2018 cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kết quả GII năm 2018 cho thấy, Việt Nam đã đạt được hoặc gần đạt được các chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra đến năm 2020 tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP (bảng 1).

Bảng 1. Kết quả GII năm 2017, 2018 và mục tiêu đến 2020 của Việt Nam.

 

2017

2018

Mục tiêu đến 2020

Điểm

Xếp hạng

Điểm

Xếp hạng

Điểm

Xếp hạng

Xếp hạng chung

38,3

47

37,94

45

38,5

44

Thể chế

52,8

87

56,2

78

55,0

 

Nguồn nhân lực và nghiên cứu

31,0

70

30,0

66

31,0

 

Cơ sở hạ tầng

42,7

77

40,4

78

43,0

 

Trình độ phát triển của thị trường

52,8

34

54,3

33

51,0

 

Trình độ phát triển của kinh doanh

29,4

73

30

66

35,0

 

Sản phẩm kiến thức và công nghệ

35,0

28

32,4

35

33,0

 

Sản phẩm sáng tạo

34,8

52

35

46

35,0

 

 

Giải pháp cải thiện GII cho các năm tiếp theo

Bên cạnh việc tăng thứ hạng ở các trụ cột nêu trên, có 2 trụ cột bị giảm thứ hạng: Cơ sở hạ tầng giảm 1 bậc (từ 77 xuống 78), Sản phẩm kiến thức và công nghệ giảm 7 bậc (từ 28 xuống 35). Để tiếp tục cải thiện thứ hạng GII một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào và đầu ra của đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy hơn nữa những chỉ số đã, đang tăng hạng và cải thiện mạnh mẽ những chỉ số có thứ hạng thấp. Để đạt được những mục tiêu này, tại Hội thảo trực tuyến giới thiệu Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 và kết quả của Việt Nam do Bộ KH&CN tổ chức ngày 12/7/2018, Bộ KH&CN đã đề xuất một số giải pháp cụ thể, gồm:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả thực thi các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về cải thiện thế chế, trong đó, tập trung khắc phục những hạn chế về chỉ số “Tạo thuận lợi giải quyết phá sản cho doanh nghiệp”, “Tạo điều kiện thuận lợi cho khởi sự kinh doanh” và “Cải thiện chất lượng các quy định pháp luật”.

Thứ hai, xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Thứ ba, tái cơ cấu các ngành nghề sản xuất kinh doanh với định hướng nâng cao hàm lượng nghiên cứu, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều hơn các việc làm thâm dụng tri thức trong bối cảnh Việt Nam cần tích cực, chủ động tiếp cận với cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thứ tư, tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cùng với các giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là chủ thể đi đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Cụ thể, cần tập trung quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký sáng chế, hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên tài sản trí tuệ.

VVH (tổng hợp theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)