Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Được biết, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành sửa đổi, bổ sung đồng thời 4 luật quan trọng của ngành khoa học và công nghệ. Xin bà cho biết các chỉ đạo gần đây của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã nêu rõ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã yêu cầu: Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư: Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư trong thời gian vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã có văn bản chỉ đạo về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; trong đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động, linh hoạt trong điều hành đối với những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên.
Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi. Triệt để cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cơ bản không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Các chỉ đạo nêu trên đặt ra yêu cầu cho các cơ quan tham mưu xây dựng pháp luật, tổ chức pháp chế phải nghiên cứu cách làm mới trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, trong đó có pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Với tinh thần chỉ đạo nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quán triệt và cụ thể hóa trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như thế nào thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Cùng với các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và nhiều nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Kết luận của Ban Bí thư liên quan đến nội dung phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được thể chế hóa đầy đủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, cần lưu ý đến việc xây dựng các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn và có tham khảo kinh nghiệm quốc tế; xác định các khoảng trống pháp luật và nút thắt cản trở sự phát triển của khoa học và công nghệ nước nhà, từ đó sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý, triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngày Pháp luật Việt Nam là dịp các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng sôi nổi, thiết thực. Xin bà cho biết nguồn gốc của Ngày Pháp luật Việt Nam, các hoạt động hưởng ứng của Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị thuộc Bộ?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Ngày 09/11 - Ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được chính thức luật hóa tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Theo đó, Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 09/11) đã được bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực hưởng ứng với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, đổi mới, góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức pháp luật, giáo dục lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật trong nhân dân.
Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được triển khai đầy đủ và nghiêm túc. Hằng năm, Bộ trưởng đều ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong dịp này, nhiều hoạt động được tổ chức để tuyên truyền tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật nói chung và pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng như: truyền thông các chính sách pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, bao gồm: các chính sách mới được ban hành; dự thảo chính sách đang soạn thảo trong các văn bản quy phạm pháp luật mà buổi phỏng vấn hôm nay của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng là một hoạt động kịp thời để chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024. Bên cạnh đó, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ được lựa chọn để đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Trang thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ, băng rôn ở cổng trụ sở Bộ tại số 113 Trần Duy Hưng và 39 Trần Hưng Đạo với chủ đề: “CHÀO MỪNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM - KHUYẾN KHÍCH SÁNG TẠO, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN”.
Xin trân trọng cảm ơn Bà!
Lê Hạnh - Phạm Thịnh