Cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam
Để hoàn thành hồ sơ xác định ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng của nước ta, các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành thu thập, xử lý, phân tích và xây dựng bộ báo cáo khoa học tổng hợp liên quan đến trắc địa, địa hình, địa vật lý, địa lý, địa chất và các căn cứ pháp lý khác. Trên cơ sở đó, bộ hồ sơ tổng hợp của dự án đã hoàn thành dưới công sức tổng hợp của đội ngũ các nhà khoa học, nhà ngoại giao, các cấp quản lý có liên quan liên quan. Hồ sơ này đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam nộp lên Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên hợp quốc (LHQ) năm 2009.
Công ước của LHQ năm 1982 về Luật biển (viết tắt là Công ước LHQ 1982 hoặc UNCLOS 1982) có Điều 76, Phần VI “Thềm lục địa” đưa ra định nghĩa rõ ràng, cụ thể về đặc điểm địa hình, địa mạo, phạm vi, giới hạn thềm lục địa của quốc gia ven biển được mở rộng ra phía ngoài đường giới hạn vùng đặc quyền kinh tế và những quy định để xác định giới hạn hay còn được gọi là ranh giới hoặc ranh giới ngoài thềm lục địa của quốc gia đó. Theo Khoản 8, Điều 76, việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa là bắt buộc đối với các nước có biển tham gia Công ước LHQ 1982 và sau khi được LHQ công nhận sẽ là sự công nhận pháp lý về chủ quyền của quốc gia đó đối với vùng thềm lục địa được mở rộng. Các quy định về quy trình kỹ thuật xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa theo Công ước LHQ 1982 được Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) hướng dẫn chi tiết trong các công báo gồm những yêu cầu rất cao về độ tin cậy và mức độ chi tiết, chính xác của các số liệu điều tra, khảo sát để nhận biết và đánh giá về các đặc trưng cấu trúc địa chất, địa mạo, kiến tạo, quá trình tiến hóa, phát triển của vỏ Trái đất trong khu vực nghiên cứu. Từ đó phân biệt và xác định rõ giới hạn giữa vỏ lục địa và vỏ đại dương liên quan tới việc xác định giới hạn của thềm lục địa mở rộng theo quy định ở khu vực đó. Để đáp ứng yêu cầu này, cần phải có một cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý tổng hợp với những nguồn số liệu điều tra, khảo sát có chất lượng cao trên toàn vùng nghiên cứu và những kết quả nghiên cứu xác định đúng đắn, tin cậy các đặc trưng cấu trúc, thành phần, quy luật tiến hóa kiến tạo của các thành tạo địa chất trong vỏ Trái đất trên vùng biển. Cơ sở khoa học này phải đảm bảo sự đúng đắn, khách quan và chính xác cho kết quả xác định ranh giới thềm lục địa theo điều 76 của Công ước LHQ 1982 và có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào của CLCS liên quan đến việc xác định ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực được xem xét. Vì vậy, cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý luôn phải đi kèm và là thành phần cốt lõi trong báo cáo của mỗi quốc gia về xác định ranh giới thềm lục địa gửi cho LHQ để được xem xét công nhận.
Bộ sách “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên hợp quốc 1982 về luật biển” nhận giải A - Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ 6 năm 2023.
Trên cơ sở kết quả các đề tài khoa học cấp Nhà nước của VAST và các bộ, ngành đã được công bố, bộ sách chuyên khảo “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên hợp quốc 1982 về luật biển” trình bày các cơ sở khoa học tổng hợp phục vụ cho việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng của Việt Nam phù hợp với Công ước LHQ 1982. Các cơ sở khoa học địa chất, địa vật lý được xây dựng cho mục tiêu này khác với những cơ sở dữ liệu và tư liệu địa chất và địa vật lý thông thường bởi phải đáp ứng nhiều tiêu chí và đòi hỏi khắt khe về cơ sở lý luận, dữ liệu, sự vận dụng kiến thức trên thực tế phát triển địa chất rất phức tạp và đa dạng của Trái đất nói chung và vùng Biển Đông nói riêng. Để đáp ứng những quy định pháp lý của Điều 76 trong Công ước LHQ 1982 về giới hạn và phạm vi của thềm lục địa, các cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý được phát triển sâu và rộng về các hướng như cấu trúc địa chất, kiến tạo, địa hình, địa mạo, các trường địa vật lý, cấu trúc sâu vỏ Trái Đất và lịch sử tiến hóa địa chất của vỏ Trái đất trên vùng biển Việt Nam và Biển Đông trong Kainozoi. Như đã nêu ở phần trên với những nội dung và chất lượng như vậy cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý được xây dựng cho mục tiêu phục vụ việc xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam theo Công ước LHQ 1982 đã được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ quốc gia quan trọng và cấp bách là xác định phạm vi và giới hạn của thềm lục địa Việt Nam theo Điều 76 của Công ước LHQ 1982 và cho việc tiếp tục bảo vệ quyền lợi đó trong tương lai.
Cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý trình bày trong chuyên khảo đã được bổ sung, cập nhật đầy đủ và sâu sắc về số liệu cũng như phương pháp luận và kỹ thuật nghiên cứu, điều tra, khảo sát trên thực địa. Mặc dù vậy, với sự phát triển nhanh và hiện đại của các phương pháp và công nghệ điều tra khảo sát địa chất, địa vật lý biển và để đáp ứng cao nhất những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe về chất lượng các nguồn số liệu sử dụng để xác định các yếu tố cấu trúc của thềm lục địa theo Công ước LHQ 1982, cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý nói trên vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện, phát triển trong thời gian tới để luôn sẵn sàng và kịp thời phục vụ hiệu quả nhất cho nhiệm vụ xác định phạm vi và giới hạn các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước LHQ 1982 và luật pháp quốc tế khác.
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp cơ sở khoa học
Mặc dù cho đến nay Việt Nam đã có gần 50 năm điều tra, khảo sát về địa chất và địa vật lý trên vùng biển rộng lớn của mình, việc xây dựng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý để phục vụ xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo Điều 76 của Công ước LHQ 1982 vẫn khá mới mẻ và không dễ dàng với nhiều lý do. Thứ nhất, nguồn số liệu điều tra, khảo sát địa chất và địa vật lý của Việt Nam trong những năm qua tuy khá lớn về số lượng nhưng kém về chất lượng và không đồng bộ, diện phân bố không đồng đều và không rộng, tập trung chủ yếu ở vùng ven bờ và bên trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, do đó yêu cầu phải có những bổ sung và nâng cao chất lượng các khảo sát địa chất và địa vật lý, đặc biệt là ở những vùng nước sâu và triển khai các phương pháp khảo sát sâu trong vỏ Trái Đất như địa chấn sâu, mở rộng vùng khảo sát ra phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, về phía trung tâm Biển Đông để có những nghiên cứu sâu và chi tiết về cấu tạo phần vỏ kiểu đại dương trên Biển Đông. Thứ hai, những công trình điều tra, khảo sát trước đây trên vùng biển Việt Nam chỉ tập trung vào tầng trầm tích trong phạm vi các bể dầu khí và vùng ven bờ, rất ít công trình vươn ra phía ngoài thềm lục địa và nghiên cứu những tầng sâu trong vỏ Trái đất, không có những số liệu và kết quả nghiên cứu xác định tính liên tục và sự phát triển kéo dài tự nhiên của lục địa từ trong đất liền ra biển và ra tới giới hạn nào. Để khắc phục, cần phải có những nghiên cứu về các trường dị thường địa vật lý, các nghiên cứu về cấu trúc sâu vỏ Trái đất không chỉ trong phạm vi thềm lục địa Việt Nam mà phải mở rộng ra cả vùng trung tâm Biển Đông, nghiên cứu về lịch sử tiến hóa kiến tạo của Biển Đông để xác định sự hình thành và phát triển phần vỏ đại dương. Thứ ba, địa hình đáy biển trên vùng biển Việt Nam rất phức tạp có tính phân cắt cao, biến động nhanh tạo ra nhiều khó khăn và hạn chế khi xác định ranh giới giữa các yếu tố cấu trúc của rìa lục địa như đường chân dốc lục địa, đới sườn dốc lục địa, đới chân lục địa… Do đó, phải có những khảo sát địa vật lý có độ tin cậy cao để tổ hợp với các nghiên cứu cấu tạo bên trong vỏ Trái Đất để xác định đới chuyển tiếp vỏ lục địa - vỏ đại dương làm bằng chứng ngược như quy định trong Công ước LHQ 1982. Còn nhiều lý do khác nữa đòi hỏi phải cập nhật và sử dụng những thành tựu và tiến bộ mới nhất của khoa học địa chất và địa vật lý hiện đại để đảm bảo các kết quả xác định các đặc trưng cấu trúc và quy luật tiến hóa địa chất phục vụ xác định ranh giới thềm lục địa, đáp ứng những yêu cầu của Công ước LHQ 1982.
Việt Nam ký kết và phê chuẩn tham gia Công ước LHQ 1982 ngày 27/07/1994 và trở thành nước thành viên của Công ước này. Ngay sau đó, nhiệm vụ xây dựng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam đã được Nhà nước giao cho Ban biên giới của chính phủ (nay là Ủy ban Biên giới quốc gia) chủ trì cùng các bộ, ngành trong cả nước triển khai thực hiện. Từ năm 1995 đến năm 1998, Phân viện hải dương học tại Hà Nội (nay là Viện Địa chất và Địa vật lý biển) được giao chủ trì thực hiện liên tiếp 2 đề tài trọng điểm (1 cấp bộ và 1 cấp nhà nước) về nội dung xây dựng cơ sở khoa học cho việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo Công ước LHQ 1982. Sau khi hoàn thành các đề tài nói trên, từ 1998 đến 2005, Viện tiếp tục chủ trì thực hiện 2 đề tài cấp nhà nước khác về nội dung hoàn thiện các sản phẩm bản đồ địa chất và địa vật lý biển - những thành phần cơ bản của cơ sở khoa học phục vụ việc xác định ranh giới thềm lục địa theo Công ước LHQ 1982. Trong các năm 2006-2007, cơ sở khoa học đặc biệt này tiếp tục được bổ sung và nâng cấp trong khuôn khổ của Dự án cấp nhà nước do Ủy ban Biên giới quốc gia chủ trì với sự tham gia phối hợp của Viện Địa chất và Địa vật lý biển cùng các cơ quan liên quan khác để xây dựng báo cáo quốc gia xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam và đã nộp báo cáo cho CLCS vào tháng 05/2009 đúng thời hạn quy định. Từ sau khi báo cáo quốc gia về xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam được LHQ tiếp nhận và chờ xem xét chính thức, theo quy định của CLCS Việt Nam cũng như những nước khác đã nộp báo cáo, đều phải tiếp tục bổ sung và nâng cấp chất lượng báo cáo để có thể thay đổi, điều chỉnh theo hướng có lợi cho mình trước thời điểm CLCS xem xét chính thức. Trong thời gian này, trong khuôn khổ của chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước: “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển” giai đoạn 2011-2015 (mã số: KC.09/11-15) và giai đoạn 2016-2020 (mã số: KC.09/16-20), Viện đã được giao chủ trì thực hiện liên tiếp 2 đề tài theo hướng tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp cơ sở khoa học cho việc xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam theo Công ước LHQ 1982. Các đề tài đã được hoàn thành và đã có những đóng góp, bổ sung mới, làm phong phú thêm cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý của Việt Nam cho mục đích nói trên.
Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển - Trái đất Nhật Bản (JAMSTEC) giới thiệu với đoàn Việt Nam về các thiết bị nghiên cứu biển sâu phục vụ công tác xây dựng ranh giới ngoài thềm lục địa.
Bộ sách “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên hợp quốc 1982 về luật biển” đã nhận được giải A do Hội đồng giải thưởng sách quốc gia trao năm 2023. Điều này khẳng định các hướng nghiên cứu và kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng và hiệu quả cao tại VAST đang đóng góp mạnh mẽ trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ gìn biển đảo của tổ quốc.
Lê Hạnh