Thứ ba, 22/10/2024 15:17

Truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Dương

Nguyễn Ngọc Thụy, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đắc Minh, Trần Đăng Khoa

Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia       

Bộ Khoa học và Công nghệ

Đề tài “Nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương” đã góp phần nâng cao giá trị và doanh thu cho các doanh nghiệp, minh bạch chuỗi cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp, gia tăng tính cạnh tranh và khả năng xuất khẩu các sản phẩm chủ lực vào các thị trường có yêu cầu cao về minh bạch nguồn gốc. Đây là đề tài do cán bộ thuộc Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì thực hiện và là đề tài thí điểm truy xuất nguồn gốc (TXNG) hướng đến việc áp dụng công nghệ nhằm kiểm soát thông tin sản phẩm, hàng hóa.

Tại Việt Nam, TXNG điện tử đang thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động TXNG tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng “loạn” phần mềm; các hệ thống TXNG chưa thống nhất theo các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quốc tế (như GS1). Cụ thể, các hệ thống TXNG tại Việt Nam thường chỉ áp dụng trong nội bộ doanh nghiệp do sử dụng các mã phân định, có cấu trúc tự động, dễ gây ra hiện tượng trùng lặp mã giữa các hệ thống TXNG khác nhau. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý nguồn gốc sản phẩm. Do thiếu tính đồng bộ nên khả năng trao đổi thông tin giữa các hệ thống TXNG cũng gặp phải nhiều vấn đề khi truy vết sản phẩm trong chuỗi cung ứng. Để giải quyết tình trạng trên, ngày 19/01/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG” (gọi tắt là Đề án 100) nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về TXNG; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN (Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN) ngày 28/03/2024 quy định về quản lý TXNG sản phẩm, hàng hóa. Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia là cơ quan chịu trách nhiệm triển khai hệ thống TXNG theo đúng các TCVN và quốc tế.

Đề án 100 của Chính phủ và Thông tư số 02 của Bộ Khoa học và Công nghệ

Đề án 100 tập trung vào các mục tiêu: (1) Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về TXNG; (2) Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TXNG để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; (3) Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về TXNG thông qua việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; (4) Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin TXNG của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về TXNG. Sau 5 năm triển khai Đề án 100, đến nay tất cả các tỉnh/thành phố đã bắt đầu triển khai các hoạt động liên quan tới TXNG, hầu hết đã phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án, nhiều tỉnh đã có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động TXNG.

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước với các hệ thống TXNG, Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định rõ một số nội dung quan trọng cho hệ thống TXNG. Cụ thể là: 1) Hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa phải đảm bảo các nguyên tắc: “Một bước trước - một bước sau”, “Sẵn có của phần tử dữ liệu chính”, “Minh bạch”, “Sự tham gia đầy đủ của các bên TXNG”; 2) Dữ liệu TXNG của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin sau: tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh; thời gian sản xuất, kinh doanh; mã TXNG sản phẩm, hàng hóa; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); các TCVN, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng; 3) Sản phẩm trong từng sự kiện sau mỗi công đoạn được định danh mã TXNG để truy xuất. Mã TXNG được mã hóa trong vật mang dữ liệu.

Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN cũng quy định cụ thể về quản lý việc sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quy định hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu; quy định quản lý nhà nước về TXNG sản phẩm, hàng hóa.

Triển khai thí điểm tại Bình Dương

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, tỉnh Bình Dương đã khuyến khích các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi cung ứng, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu cũng như trong nước.

Theo Kế hoạch số 3338/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ngày 14/07/2020, tại nhiệm vụ số 2 đã nêu rõ: Bình Dương sẽ phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (nay là Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) triển khai thí điểm hệ thống TXNG cho một số chuỗi sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đã được Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương”. Đây là đề tài thí điểm TXNG hướng đến việc áp dụng công nghệ nhằm kiểm soát thông tin sản phẩm, hàng hóa giúp nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, góp phần bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Hình 1. Hoạt động của nhóm thực hiện đề tài tại Bình Dương.

Thực hiện đề tài nêu trên, Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đã sử dụng hệ thống NBC-Trace, giải pháp quản lý thông tin dữ liệu TXNG, đảm bảo các yêu cầu: (1) Phù hợp tiêu chuẩn TXNG quốc tế GS1, hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa; (2) Giải pháp quản lý sản xuất tổng thể: cho phép tùy biến theo nhu cầu quản lý sản xuất của khách hàng; (3) Liên kết chuỗi cung ứng: có khả năng tích hợp với hệ thống quản lý thông tin mã số, mã vạch sản phẩm, hệ sinh thái của các bên tham gia chuỗi cung ứng. Đặc biệt, các cán bộ của Trung tâm đã thực hiện tin học hóa, chuyển đổi các quy trình TXNG nêu trên để đưa vào phần mềm NBC-Trace và tiến hành thí điểm, bước đầu được các tổ chức có liên quan đánh giá hiệu quả tốt.

Tại Bình Dương, hệ thống TXNG NBC-Trace đã được triển khai cho 05 hộ sản xuất/doanh nghiệp: HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (dưa lưới), HTX Chăn nuôi Tâm Phát (thịt gà), Cơ sở chăn nuôi gia cầm Lê Văn Dương (trứng gà), HTX bưởi Bạch Đằng (bưởi), Công ty TNHH Bean Family (rau ăn lá). Bên cạnh đó, Trung tâm đã hướng dẫn hộ sản xuất/doanh nghiệp xác định 07 vai trò cơ bản của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng sản phẩm bao gồm: vùng nguyên liệu, đơn vị sản xuất, đơn vị đóng gói/đóng gói lại, đơn vị vận chuyển/logistic, đơn vị thu mua/kho tổng, đơn vị phân phối bán buôn, đơn vị bán lẻ/cửa hàng. Trong chuỗi cung ứng sản phẩm thực tế, doanh nghiệp có thể giữ một/một số vai trò hoặc tất cả các vai trò trên.

Ngoài ra, Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đã xây dựng và áp dụng 05 quy trình TXNG cho 05 loại sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Dương. Hình 2 thể hiện việc áp dụng TXNG đối với chuỗi cung ứng sản phẩm bưởi.

Hình 2. Quy trình truy xuất nguồn gốc cho chuỗi cung ứng sản phẩm bưởi tại tỉnh Bình Dương.

Việc triển khai hệ thống TXNG NBC-Trace cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại tỉnh Bình Dương đã góp phần nâng cao giá trị và doanh thu cho các doanh nghiệp, minh bạch chuỗi cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp, gia tăng tính cạnh tranh và khả năng xuất khẩu các sản phẩm chủ lực vào các thị trường tiềm năng, có yêu cầu cao về minh bạch nguồn gốc. Các hệ thống TXNG sau khi hoàn thiện đã có sự lan tỏa đến các doanh nghiệp trong và ngoài ngành trên địa bàn tỉnh. Thành công khi triển khai thí điểm hệ thống TXNG ở Bình Dương sẽ là động lực để Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia tiếp tục triển khai, phổ biến và áp dụng hệ thống TXNG thống nhất trong toàn quốc, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất tại địa phương; gia tăng sự hiểu biết và quan tâm của các doanh nghiệp đối với hệ thống TXNG, phù hợp với TCVN và tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả của đề tài còn là ví dụ điển hình cho các tổ chức, doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương học tập kinh nghiệm, đào tạo đội ngũ nhân sự, chuyên gia quản lý về hệ thống TXNG sản phẩm.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)