Thứ ba, 10/09/2024 15:07

Người thức khuya có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn 46%

Lối sống về đêm được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Kết quả của nghiên cứu sẽ được báo cáo tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu về Bệnh tiểu đường châu Âu, diễn ra từ ngày 9-13/9/2024 tại Madrid (Tây Ban Nha).

Thường xuyên thức khuya có thể gây hại nghiêm trọng đến cơ thể.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Đại học Leiden (Hà Lan) đã nghiên cứu 5.000 người thừa cân; những người này tham gia vào một nghiên cứu kéo dài mang tên “Dịch tễ học về béo phì tại Hà Lan”, nhằm tìm hiểu cách thức mỡ cơ thể ảnh hưởng, góp phần gây ra bệnh tật. Những người tham gia có độ tuổi trung bình là 56 và chỉ số khối cơ thể (BMI) trung bình là 30, một ngưỡng giữa thừa cân và béo phì. Họ được yêu cầu điền vào bảng khảo sát về giờ giấc khi ngủ và thức dậy. Dựa vào dữ liệu này, các nhà nghiên cứu tính toán thời điểm giữa giấc ngủ (MPS).

Dựa trên số liệu thời điểm giữa giấc ngủ, người tham gia được chia thành 3 nhóm dựa trên loại đồng hồ sinh học (chronotype). Theo đó, 20% đầu tiên có thời điểm giữa giấc ngủ sớm nhất lúc 2 giờ 30 sáng; 20% tiếp theo có thời điểm giữa giấc ngủ từ 2 giờ 30 đến 4 giờ sáng; và 60% còn lại có thời điểm giữa giấc ngủ sau 4 giờ sáng (được coi là những người có thói quen ngủ muộn). Thời gian theo dõi trung bình của nghiên cứu là 6,6 năm. Sau khi điều chỉnh các yếu tố như lượng mỡ cơ thể, chế độ ăn uống, tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn và lối sống (bao gồm hút thuốc, chất lượng giấc ngủ, thời gian ngủ và mức độ tiêu thụ rượu), các nhà nghiên cứu nhận thấy, nhóm có đồng hồ sinh học muộn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn 46% so với nhóm có đồng hồ sinh học trung bình. Ngoài ra, những người thuộc nhóm ngủ muộn còn có chỉ số khối cơ thể cao hơn và vòng eo lớn hơn 1,9 cm so với các nhóm còn lại. Họ cũng có lượng mỡ nội tạng nhiều hơn 7 cm và lượng mỡ trong gan cao hơn 14% so với nhóm có đồng hồ sinh học trung bình.

Dù nghiên cứu đã xác nhận mối liên hệ giữa việc thức khuya và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tuy nhiên nguyên nhân cụ thể vẫn chưa rõ ràng. Một giả thuyết được đưa ra là những người ngủ muộn có thể ăn nhiều hơn vào ban đêm. Tác giả chính của nghiên cứu Jeroen Van Der Velde cho biết, người có đồng hồ sinh học muộn có khả năng ăn đến tận khuya. Mặc dù nhóm tác giả không đo lường điều này trong nghiên cứu, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy, việc ăn theo giờ cố định (không ăn gì sau 6 giờ chiều) có thể mang lại lợi ích cho quá trình trao đổi chất. Những người ngủ muộn lo ngại về nguy cơ tiểu đường type 2 có thể thử phương pháp này hoặc ít nhất nên hạn chế ăn muộn. Nhóm nghiên cứu cho biết, họ cũng sẽ tìm hiểu xem liệu việc thay đổi giờ ngủ có thể thay đổi tác động xấu của việc thức khuya hay không.

Cố gắng đi ngủ sớm chắc chắn là một ý tưởng hay, nhất là khi một nghiên cứu khác vào năm 2022 cũng đã liên kết lối sống về đêm với nguy cơ tiểu đường và bệnh tim và một nghiên cứu khác trong năm 2024 còn chỉ ra rằng việc thức khuya có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm. Jeroen Van Der Velde chia sẻ, nhóm nghiên cứu tin rằng còn có nhiều cơ chế khác liên quan. Giải thích hợp lý nhất là nhịp sinh học của những người ngủ muộn không đồng bộ với thời gian biểu của xã hội. Điều này có thể dẫn đến sự lệch pha của nhịp sinh học, gây ra rối loạn trao đổi chất và cuối cùng là bệnh tiểu đường type 2.

Xuân Bình (theo Diabetologia)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)