Thứ ba, 10/09/2019 15:40

Một số định hướng góp phần đưa yến sào trở thành sản phẩm quốc gia có uy tín

PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn

 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Trong thời gian qua, tận dụng lợi thế địa lý và điều kiện tự nhiên, một số tỉnh như: Khánh Hòa, Kiên Giang… đã tập trung đầu tư cho nuôi, chế biến, phân phối, nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi yến sào và bước đầu thu được giá trị kinh tế cao cho địa phương và doanh nghiệp, tạo thêm nhiều công ăn việc làm... Tuy nhiên, để đưa yến sào trở thành sản phẩm trọng điểm quốc gia có uy tín thì cần tạo lập hành lang pháp lý vững chắc và xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu một cách hiệu quả.

 

Thực trạng về sản phẩm yến sào tại Việt Nam

Tính đến tháng 12/2018, cả nước có gần 9.000 nhà yến trải dài ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và con số này còn tiếp tục tăng. Trong thực tiễn phát triển nghề nuôi chim yến ở các tỉnh/thành phố, nhiều vấn đề nảy sinh nhưng thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết: việc xây dựng nhà yến còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, vị trí, kiến trúc của nhà yến chưa phù hợp với đặc điểm sinh học, sinh thái của quần đàn chim yến nên xảy ra tình trạng yến không vào nhà làm tổ [1]; các nhà yến xây dựng trong các khu dân cư, ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh (tiếng ồn từ loa phát dẫn dụ chim yến, mùi phân yến…). Điều này dẫn tới những xung đột giữa hộ nuôi yến và người dân xung quanh nhà yến. Ở một số địa phương còn xuất hiện hiện tượng người dân mang lưới/sào kết hợp sử dụng chim mồi và loa dẫn dụ để bắt chim yến về làm thịt. Đến nay, chưa có một cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm quản lý chất lượng, tiêu chuẩn cũng như đảm bảo đời sống cộng đồng xung quanh nơi nuôi yến.

Nhà nuôi yến thường ở xa khu dân cư, đảm bảo kỹ thuật hạ tầng mới có thể dẫn dụ yến ở lại, sinh trưởng và phát triển.

Trong hệ sinh thái, chim yến sử dụng các loài côn trùng làm thức ăn với tập tính vừa bay, vừa bắt mồi. Chim yến bay lượn, uống nước, bắt mồi cả ngày và chỉ đậu nghỉ khi trở về nhà yến vào buổi chiều tối. Việc thay đổi mục đích sử dụng đất ở xung quanh khu vực nhà yến đã tác động không nhỏ đến sự tồn tại và phát triển của các nhà yến. Một số địa phương có mật độ nhà yến tăng cao một cách đột ngột cũng dẫn tới ảnh hưởng cạnh tranh nguồn thức ăn trong tự nhiên của chim yến. Trong tự nhiên, nhịp phát triển của con mồi (các loài côn trùng) thường trùng với sự phát triển sinh sản của chim yến. Đặc biệt trong mùa sinh sản, nếu nguồn thức ăn ngoài tự nhiên ít sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và mức độ thành công trong sinh sản của chim yến. Ở nhiều tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, song hành với sự tồn tại của các quần đàn yến đảo tự nhiên là sự phát triển không ngừng của các nhà yến ở trong đất liền. Chim yến đảo bay vào đất liền để kiếm ăn rồi bay trở lại hang đảo. Vì vậy, tất yếu xảy ra sự cạnh tranh nguồn thức ăn ngoài tự nhiên của yến đảo và yến nhà, đặc biệt là trong thời kỳ sinh sản [2]. Cho đến nay, bên cạnh một số tỉnh đã có quy hoạch phát triển bền vững nghề nuôi chim yến thì phần lớn các địa phương có nhà yến vẫn chưa quan tâm đưa ra quy hoạch tổng thể và chi tiết, vì vậy để xảy ra không ít bất cập.

Yến là loại chim trời có tập tính sinh thái khác xa các loại gia cầm, thủy cầm thông thường nên rất khó nắm bắt.

Tổ yến vốn là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và có giá trị kinh tế cao [3-5]. Do tổ yến có giá trị cao mà việc quản lý chất lượng sản phẩm lại chưa chặt chẽ nên việc làm tổ yến giả đang trở nên phổ biến trên thị trường với đặc điểm tinh vi rất khó phân biệt. Việc kiểm soát chất lượng tổ yến từ lúc khai thác đến khi chế biến, đóng gói thành sản phẩm tiêu thụ trên thị trường vẫn còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, các phân tích khoa học về bản chất các chất có hoạt tính sinh học, các thành phần hợp chất có trong từng loại tổ yến như khẳng định của nhà sản xuất/khai thác vẫn chưa được minh chứng, làm rõ. Bản thân các nhà sản xuất/chế biến cũng không biết có sự thay đổi thành phần dinh dưỡng của tổ yến qua quá trình chế biến tới sản phẩm cuối cùng hay không. Và như vậy, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng sản phẩm tổ yến với niềm tin thiếu cơ sở khoa học.

Trong bối cảnh các nước trong khu vực Đông Nam Á đều phát triển rất nhanh nghề nuôi yến trong nhà. Bên cạnh lượng nhỏ sản phẩm tiêu thụ nội địa, các nước đều hướng tới việc xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ chính và giàu tiềm năng là Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến vào nước này cần tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt nghiêm ngặt về mặt chất lượng. Theo đó, các sản phẩm tổ yến cần phải được truy xuất nguồn gốc và an toàn (từ khâu nuôi yến làm tổ đến sản phẩm thành phẩm cuối cùng), đáp ứng các tiêu chuẩn của FAO, WHO, đồng thời phải được CNCA[1] xác nhận [6]. Vì vậy, Việt Nam muốn xuất khẩu được sản phẩm tổ yến sang thị trường này thì cần phải xây dựng và ban hành được bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tổ chim yến.

 

Khác với hầu hết loài gia cầm, thủy cầm (con người chủ động từ khâu lựa chọn đến quản lý, nhân giống), chim yến mặc dù được dẫn dụ vào nhà để ở và làm tổ sinh sản nhưng hoàn toàn là chim trời theo nghĩa con người tạo ra “đất lành” để “chim đậu”. Việc này đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức về đặc điểm sinh học, sinh thái, tập tính của chúng và có các giải pháp kỹ thuật phù hợp để chim không chỉ vào ở mà còn làm tổ/phát triển bầy đàn/ở lại lâu dài. Hiện nay phần lớn hộ nuôi vẫn phụ thuộc vào các đơn vị tư vấn tư nhân tự phát trong điều kiện chưa được quản lý chặt chẽ về mặt chuyên môn, kỹ thuật. Theo dự báo, Việt Nam nằm trong số nước chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu toàn cầu thì sự phân bố của các loài chim hoang dã, trong đó có loài chim yến sẽ bị tác động không nhỏ [7].

Một số định hướng phát triển

Là một quốc gia đi sau trong lĩnh vực phát triển nghề nuôi yến ở khu vực Đông Nam Á, nước ta hiện có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đi tiên phong và rất tâm huyết, sáng tạo trong việc cải tiến, hoàn thiện quy trình, kỹ thuật nhằm phát triển nhanh nghề này. Điều đáng mừng là chỉ trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp đã dần làm chủ các kỹ thuật (lựa chọn vị trí, xây dựng nhà yến, lắp đặt thiết bị, vận hành, chế biến tổ yến…), tạo ra sự đa dạng các sản phẩm từ tổ yến trong đồ uống, thực phẩm chức năng, thuốc… Chúng ta cũng đã chủ động trong việc ấp nở nhân tạo chim yến nhằm tăng hiệu quả sinh sản, phát triển quần đàn yến, di đàn, tăng năng suất, sản lượng tổ yến. Điều này có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), điển hình là Công ty Yến sào Khánh Hòa. Một loạt sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim yến, xây dựng nhà yến đã được xuất bản [8, 9]. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ, ví dụ như vấn đề liên quan tới âm sinh học của chim yến[2]. Tương tự, về góc độ sinh thái học quần thể, để một quần đàn chim yến phát triển bền vững, chúng cần duy trì một tỷ lệ giới tính trống, mái phù hợp. Làm thế nào để kiểm soát và duy trì cân bằng giới tính cho sự phát triển của quần đàn chim yến cũng cần tiếp tục nghiên cứu.

Về mặt quản lý nhà nước, cũng như bất kỳ ngành nghề sản xuất nào khác, nghề nuôi yến nhà cần được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương có tiềm năng. Đây là một ngành nghề có điều kiện, cần có sự tham gia đầu tư của cộng đồng và sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. Để tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển nghề nuôi yến, chúng ta đang từng bước hoàn thiện về mặt thể chế. Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. Theo đó, tại Chương V, Mục 1, Điều 64 đã để riêng mục Quản lý nuôi chim yến. Luật nêu rõ: 1. Dẫn dụ chim yến là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để thu hút chim yến về làm tổ trong nhà yến; 2. Hoạt động nuôi chim yến bao gồm dẫn dụ, ấp nở, gây nuôi chim yến và khai thác tổ yến; 3. Tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim yến trong vùng nuôi chim yến phải bảo đảm môi trường, tiếng ồn, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải hoàn thiện và ban hành thông tư quy định về quản lý nuôi chim yến. Cùng với đó, hoàn thiện và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà nuôi chim yến và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tổ chim yến. Để có cơ sở xây dựng các tiêu chuẩn này phù hợp và đảm bảo thực thi, phải có các nghiên cứu, phân tích đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp KH&CN có uy tín. Đơn giản như tiêu chuẩn xây dựng nhà yến, ngoài các yếu tố quy định trong luật về xây dựng, quy hoạch, môi trường… thì cần đảm bảo hiệu quả dẫn dụ thành công chim yến vào làm tổ, khả năng sống sót của chim trước sự thay đổi của điều kiện thời tiết, khí hậu…. Về tổ yến, cần tham khảo các tiêu chuẩn nhập khẩu tổ yến của Trung Quốc như các yêu cầu về: cảm quan, chỉ tiêu lý hóa, vi sinh vật, các chất nhiễm, chất phụ gia. Về ấp nở nhân tạo, nuôi yến non cũng cần có những tiêu chuẩn quy định rõ ràng. Cần có những nghiên cứu về nhân nuôi côn trùng phù hợp làm thức ăn bổ sung cho chim yến như một số nghiên cứu đã thực hiện ở Cù Lao Chàm [10]. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng để đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp.

Đối với nghề nuôi yến, cần phải xây dựng một hệ thống viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm có khả năng kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật các nhà yến cũng như sản phẩm tổ yến. Sẽ rất thuận lợi nếu chúng ta đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm của các doanh nghiệp KH&CN lớn bên cạnh xây dựng các viện nghiên cứu mới như Viện nghiên cứu chim yến để phối hợp thực hiện chức năng kiểm soát tiêu chuẩn kỹ thuật. Với việc dần hoàn thiện các hành lang pháp lý và thể chế hóa công tác quản lý phát triển nghề nuôi chim yến ở Việt Nam, chúng ta hy vọng đây sẽ là ngành nghề đầy triển vọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Thay lời kết

Để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến ở nước ta trong thời gian tới, cần thiết phải triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thị trường, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nghề nuôi chim yến, đặc biệt là về KH&CN. Sớm cụ thể, đồng bộ hóa các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, rõ ràng, khả thi để nghề nuôi yến nhà trở thành một nghề quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tiềm năng về nguồn tài tài nguyên thiên nhiên này. Chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng sản phẩm tổ yến thương hiệu Việt trở thành một sản phẩm quốc gia có uy tín trên thị trường thế giới và đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Chính phủ, chính quyền các địa phương có tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến cần xác định rõ vai trò của ngành nghề này để có những chính sách cụ thể, quyết liệt hơn trong khuyến khích phát triển. Cần tăng cường kết nối giữa các hộ nuôi yến nhà, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KH&CN, các nhà quản lý, nhà khoa học để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển nghề nuôi chim yến ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đỗ Văn Hoan (2018), “Thực trạng quản lý và tình hình phát triển nuôi chim yến tại Việt Nam”, Bản tin chuyên đề nông nghiệp và phát triển nông thôn, số 3, tr.3-32.

[2] Nguyễn Lân Hùng Sơn, Hồ Thị Loan (2017), Định hướng quy hoạch và phát triển bền vững nghề nuôi chim yến ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam.

[3] Trần Thị Lan Hương (2015), Phát triển các sản phẩm cao cấp từ tổ yến bằng công nghệ cao, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Yến sào Khánh Hòa - sản phẩm quốc gia yến sào Việt Nam”, tr.97-102.

[4] Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa (2018), Báo cáo tổng hợp kết quả KH&CN nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen chim yến đảo (Aerodramus fuciphagus germani Oustalet, 1878) phục vụ phát triển bền vững nghề chim yến của Việt Nam.

[5] Shiwei Zhang, Xintian Lai, Xiaoqing Liu, Yun Li, Bifang Li, Xiuli Huang, Qinlei Zhang, Wei Chen, Lin Lin, and Guowu Yang (2012), “Competitive Enzyme-Linked Immunoassay for Sialoglycoprotein of Edible Bird’s Nest in Food and Cosmetics”, Journal of Agricultural and Food Chemistry, (60), pp.3580-3585.

[6] Qi Hao, Looi & Abdul Rahman Omar,  (2016), “Swiftlets and Edible Bird’s Nest Industry in Asia”, Pertanika Journal of Scholarly Research Reviews (PJSRR), 2(1), pp.32-48.

[7] Hồ Thị Loan (2018), Đa dạng di truyền của loài chim yến Aerodramus fuciphagus ở Việt Nam và một số đặc điểm sinh học sinh thái của chim yến làm tổ trong nhà, Luận án tiến sỹ sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

[8] Lê Hữu Hoàng (chủ biên) (2015), Kỹ thuật nuôi chim yến, khoa học và thực tiễn, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

[9] Lê Hữu Hoàng (chủ biên) (2016), Kỹ thuật xây dựng nhà yến, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

[10] Trương Xuân Lam (2017), Nghiên cứu thành phần thức ăn của chim yến và nhân nuôi một số loài côn trùng làm thức ăn cho chim non và chim trưởng thành ở Cù Lao Chàm, Kỷ yếu Hội thảo khoa học lần thứ nhất về kỹ thuật xây dựng nhà nuôi và nhà tập bay để cứu hộ chim yến đảo Cù Lao Chàm, tr.27-33.



[1]Cơ quan chứng nhận và công nhận của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

[2]Chim yến vốn là loài chim đặc biệt vừa có âm xã hội, vừa có âm định vị để xác định con mồi và vật cản trong quá trình di chuyển trong bóng tối. Tiếng kêu của mỗi phân loài chim yến đều có điểm đặc trưng khác nhau, thậm chí có những nét khác biệt giữa các quần đàn khác nhau của cùng một phân loài. Vì vậy, lựa chọn các file âm thanh phù hợp với từng quần đàn để tăng hiệu quả dẫn dụ chim yến vào nhà yến là lĩnh vực cần tiếp tục nghiên cứu.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)