Khái niệm, phương pháp tính
Năng suất là thước đo mức độ hiệu quả do con người và các đơn vị sản xuất (doanh nghiệp) chuyển đổi nguồn lực sản xuất (ví dụ như lao động và vốn) để tạo ra sản phẩm là hàng hóa và dịch vụ cho xã hội. Trong số các phương pháp đo lường năng suất như năng suất các yếu tố tổng hợp hoặc năng suất vốn, NSLĐ là chỉ tiêu đặc biệt quan trọng trong phân tích kinh tế và thống kê của một quốc gia.
NSLĐ phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất của lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian, hay lượng thời gian lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm. NSLĐ thể hiện tính chất và trình độ tiến bộ của một tổ chức, đơn vị sản xuất, hay của một phương thức sản xuất; là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), NSLĐ được tính bằng số sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được tạo ra cho một đơn vị lao động tham gia vào hoạt động sản xuất. Hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế là tổng sản phẩm trong nước (GDP). Lao động tham gia vào hoạt động sản xuất tạo ra GDP phản ánh thời gian, công sức và kỹ năng của lực lượng lao động và thường được tính bằng lao động đang làm việc, giờ công lao động, hay lực lượng lao động được điều chỉnh theo chất lượng.
NSLĐ (P) ở cấp quốc gia, theo định nghĩa chỉ là phép chia GDP cho số người/lao động tham gia tạo ra nó. Công thức tính chung là:
Trong đó, GDP là tổng sản phẩm trong nước, còn L là số lao động tham gia tạo ra giá trị này. Công thức trên cho thấy, NSLĐ tỷ lệ thuận với GDP và tỷ lệ nghịch với số lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế. L nhỏ, GDP lớn sẽ cho NSLĐ cao. Trên một góc độ khác, NSLĐ chung còn được tổng hợp từ NSLĐ của các ngành/khu vực kinh tế. Do vậy, ngành kinh tế có tỷ trọng lao động lớn, nhưng NSLĐ thấp sẽ kéo NSLĐ chung đi xuống; ngược lại, ngành có NSLĐ cao, tỷ trọng lao động lớn sẽ giúp NSLĐ chung tăng mạnh.
Bức tranh tổng quan về NSLĐ Việt Nam
Tại Hội nghị “Cải thiện NSLĐ quốc gia”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã báo cáo khái quát về những kết quả và vấn đề của NSLĐ Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, bức tranh tổng quan về NSLĐ của Việt Nam có những đặc điểm sau:
Thu hẹp khoảng cách so với các nước trong khu vực
NSLĐ của Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, NSLĐ tăng 5,77%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, NSLĐ tăng bình quân 4,88%/năm.
NSLĐ ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nếu như giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm, trong đó lực lượng lao động tăng 1,5%/năm, NSLĐ tăng 4,35%/năm thì trong 3 năm 2016-2018, mặc dù lực lượng lao động chỉ tăng 0,88%/năm, nhưng NSLĐ tăng bình quân 5,77%/năm (cao hơn giai đoạn trước 1,42 điểm phần trăm) nên GDP tăng trưởng bình quân đạt 6,7%/năm.
Tính theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (1,4%/năm), Malaysia (2%/năm), Thái Lan (3,2%/năm), Indonesia (3,6%/năm), Philippin (4,4%/năm). Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối về NSLĐ với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu năm 2011, NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam là 17,6 lần, 6,3 lần, 2,9 lần và 2,4 lần thì đến năm 2018 khoảng cách này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần, 5,3 lần, 2,7 lần và 2,2 lần.
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy có tốc độ tăng bình quân cao nhất nhưng NSLĐ lại có mức thấp nhất
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất do đây là ngành có tính đặc thù, giá trị sản phẩm khai khoáng bao gồm cả giá trị tài nguyên thiên nhiên. Tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước nóng, khí đốt; hoạt động kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Các ngành xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú ăn uống nhìn chung NSLĐ thấp. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế (năm 2018 đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% của khu vực dịch vụ). Mặt khác, tỷ trọng lao động của ngành này trong nền kinh tế quốc dân lại cao nhất. Đây là yếu tố kéo NSLĐ quốc gia thấp xuống. Tuy nhiên, NSLĐ của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có tốc độ tăng bình quân cao nhất, với 5,2%/năm giai đoạn 2011-2018, cao hơn tốc độ tăng bình quân của khu vực công nghiệp và xây dựng (3%/năm) và khu vực dịch vụ (3,1%/năm).
NSLĐ của doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt mức thấp nhất
NSLĐ chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu đồng/lao động (gấp 3,2 lần NSLĐ chung cả nước). Trong đó, NSLĐ của doanh nghiệp nhà nước đạt 678,1 triệu đồng/lao động (gấp 7,3 lần NSLĐ chung cả nước) nhờ đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, NSLĐ của doanh nghiệp nhà nước đạt mức cao chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 228,4 triệu đồng/lao động (gấp 2,5 lần NSLĐ chung của cả nước); doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu đồng/lao động (gấp 3,5 lần NSLĐ chung cả nước).
So với các loại hình doanh nghiệp khác, NSLĐ của doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt mức thấp nhất. Mặt khác, khoảng cách về NSLĐ của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp ngoài nhà nước đang ngày càng nới rộng. Chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp của cả nước nên NSLĐ của doanh nghiệp ngoài nhà nước ở mức thấp đã ảnh hưởng nhiều đến NSLĐ chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có quy mô nhỏ nên khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia và học hỏi từ chuỗi giá trị do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt và không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…
Các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua luôn có tác động tích cực đến cải thiện NSLĐ thông qua việc các doanh nghiệp này mang công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến vào đầu tư trong nước. Tuy nhiên, theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ các doanh nghiệp FDI sử dụng nguyên vật liệu trong nước làm đầu vào ở Việt Nam đạt 67,6%, thấp hơn nhiều so với một số nước như Trung Quốc (97,2%), Malaysia (99,9%), hay Thái Lan (96,4%).
Các yếu tố ảnh hưởng đến tăng NSLĐ ở Việt Nam
Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến cho NSLĐ của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ: với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và NSLĐ của Việt Nam với các nước trong thời gian qua là một thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị NSLĐ so với các nước trong khu vực.
Quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng tích cực, nhưng còn chậm, tăng năng suất nội ngành chưa đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế: đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động đóng vai trò quan trọng vào tăng NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. Đóng góp của chuyển dịch cơ cấu lao động vào tăng NSLĐ ở nước ta ở mức cao, nhưng có xu hướng giảm (tỷ lệ này trong giai đoạn 2011-2017 đạt 39%, thấp hơn mức 54% của giai đoạn 2000-2010). Điều này phù hợp với quy luật phát triển của các nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi, tăng NSLĐ sẽ ngày càng phụ thuộc vào tăng NSLĐ nội ngành. Nhưng đến nay chưa có thay đổi đáng kể trong bản chất tăng trưởng của ngành, chủ yếu vẫn nhờ vào mở rộng quy mô những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp, làm cho mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm chưa đạt được. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn, đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng thấp, dẫn đến NSLĐ thấp.
Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu: phần lớn doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu (tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới). Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018, Việt Nam được xếp hạng chung là 77/140 quốc gia, trong khi các chỉ số cấu phần liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều (mức độ phức tạp của quy trình sản xuất xếp hạng 90, tăng trưởng của các doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo xếp hạng 90, kỹ năng số hóa của dân số xếp hạng 98, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp xếp hạng 128, chất lượng đào tạo nghề xếp hạng 115, ứng dụng các sáng chế xếp hạng 89). Điều này cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục kiến tạo môi trường thuận lợi cùng với các thể chế, chính sách mới cho khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình nâng cao công nghệ và sáng tạo. Đây được coi là một nội dung quan trọng của sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.
Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế: điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo tăng dần qua các năm nhưng đến năm 2011 tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 15,4%, năm 2018 đạt 21,9%. Như vậy, cả nước hiện có tới 42,4 triệu lao động (chiếm 78,1% tổng số lao động) chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Ngoài ra, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo của nước ta còn bất hợp lý, năm 2015 tỷ lệ tương quan giữa trình độ đại học trở lên - cao đẳng - trung cấp - sơ cấp tương ứng là: 1-0,35-0,63-0,38, điều này cảnh báo thực trạng thiếu hụt kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc cao. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến.
Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn bất cập: năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng GDP của Việt Nam thời gian qua còn ở mức thấp, giai đoạn 2001-2010 chỉ đạt 4,3%. Trong giai đoạn 2011-2018, đóng góp của TFP được nâng lên nhưng vẫn ở mức thấp (37,7%) so với đóng góp của vốn và lao động là 62,3%. Tỷ lệ đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP cho thấy trình độ phát triển khoa học và công nghệ, ý thức tổ chức và quản lý trong sản xuất kinh doanh của lao động Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.
Khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế: phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu kém. Thực tế quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước.
Các nhiệm vụ trọng tâm
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, NSLĐ của Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp, nhưng tiềm lực trong mỗi người dân là rất lớn. Điều này thể hiện mức tăng NSLĐ của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới. Thủ tướng đã nêu 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện NSLĐ ở Việt Nam:
Một là, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế để mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Hai là, tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động cả ở phía cung (người lao động) lẫn phía cầu (doanh nghiệp), bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có thể tham gia thị trường lao động với một chi phí giao dịch thấp nhất hay lao động tốt nhất theo nguyện vọng, qua đó phát huy được tối đa năng lực và yêu cầu của mình.
Ba là, thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam, đặc biệt là người Việt Nam nói chung, các tài năng Việt Nam đang ở nước ngoài nói riêng.
Bốn là, xây dựng một cơ chế cán bộ mở trong các cơ quan nhà nước để thu hút người giỏi vào bộ máy nhà nước, đồng thời tạo dựng môi trường làm việc cùng với cơ chế cạnh tranh để chọn lọc và thúc đẩy những người tài năng.
Năm là, NSLĐ có tương quan chặt chẽ với trình độ giáo dục, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ, phổ cập và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi sẽ luôn là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Sáu là, lao động phải được trang bị vốn và công nghệ mới có thể phát huy được năng lực, do đó, đầu tư vào ứng dụng khoa học và công nghệ cũng là một chính sách đặc biệt ưu tiên của Chính phủ. Hai chiến lược đào tạo kỹ năng chuyên môn cho lao động và đầu tư cho khoa học và công nghệ cần phải tương thích với nhau để bảo đảm hiệu quả tốt nhất.
Thủ tướng cũng đã phát động phong trào “Năng suất lao động quốc gia” và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp nhân dân hãy nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia, tích cực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để tăng NSLĐ, kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong NSLĐ để đưa đất nước vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.