Thứ tư, 26/06/2024 17:30

Công bố quy hoạch vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050

Ngày 23/06/2024, Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã tổ chức hội nghị lần thứ 3 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên chủ trì Hội nghị. Cũng tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 05/05/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các đại biểu chúc mừng thành viên Hội đồng điều phối Vùng Tây Nguyên cùng đón nhận Quyết định Quy hoạch vùng Tây Nguyên.

Phát triển Tây Nguyên dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 04/05/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), chuyển đổi số hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Việc công bố quy hoạch vùng Tây Nguyên không chỉ xác định địa giới, định hướng phát triển và tầm nhìn chiến lược để phát triển vùng mà còn đặt ra cho Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên những nhiệm vụ cụ thể như: Triển khai quy hoạch công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật; kết hợp với tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm tuyên truyền, quảng bá, thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch.

Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên xác định cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ dự án quan trọng quốc gia tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và các dự án trọng điểm, liên kết vùng. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai các dự án tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư; tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và phương án đầu tư mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Tại Hội nghị, Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã sơ kết hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự kiến kế hoạch năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng…

Theo đánh giá, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường, 23 nhiệm vụ và 9 dự án quan trọng, liên kết vùng cần thực hiện đến năm 2030. Đến nay đã hoàn thành 10/23 nhiệm vụ; các nhiệm vụ còn lại là những đề án lớn đang được các bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan triển khai theo tiến độ.

Hội nghị cũng đánh giá những khó khăn, thách thức của vùng Tây Nguyên, điển hình như tăng trưởng kinh tế của vùng năm 2023 thuộc nhóm thấp của cả nước và chưa đạt mức bình quân mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, quy hoạch vùng Tây Nguyên là để xác định khung pháp lý giúp các tỉnh Tây Nguyên cùng phát triển, hợp tác để phát triển. Kinh tế các tỉnh Tây Nguyên đã có sự chuyển biến tích cực. Các tỉnh đã cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ "lá phổi xanh" cho khu vực và cả nước. Tây Nguyên đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Trung ương, toàn hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.

Về quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu, phải xác định khung pháp lý để các tỉnh Tây Nguyên cùng phát triển trên tinh thần hợp tác, đây là định hướng để phát triển bền vững. Với sự liên kết chặt chẽ, bài bản, khoa học, các tỉnh Tây Nguyên có thể thực hiện ngay 3 nội dung gồm: phát triển hệ thống giao thông kết nối; phát triển du lịch theo chuỗi, theo tuyến, khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa độc đáo; chia sẻ thu hút đầu tư trong và ngoài nước sẽ tạo được động lực, niềm tin và tạo đà để Tây Nguyên phát triển bền vững.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, Tây Nguyên cũng như nhiều vùng khác, đang vướng về thể chế, điển hình là quy hoạch bauxit ở Tây Nguyên. Ngoài ra, còn là công tác cán bộ, công tác chuyển đổi số… Các tỉnh cũng cần lưu ý triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm chất lượng và tiến độ; xác định rõ nhiệm vụ trong thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang tham dự Hội nghị.

Với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ xây dựng nhiều Chương trình quốc gia về KH&CN gắn với cơ chế, chính sách phục vụ phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trong đó có vùng Tây Nguyên. Điển hình như: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia trong phát triển sâm Ngọc Linh, cà phê; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên; Chương trình Nông thôn miền núi...

Bộ KH&CN cũng đã phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai hiệu quả các Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN, một số nhiệm vụ có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp bước đầu tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phục vụ phát triển KT-XH của địa phương. Hỗ trợ các địa phương trong Vùng triển khai các nhiệm KH&CN nhằm quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu; các nhiệm vụ cấp thiết có tác động đến phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của địa phương; nhất là các nhiệm vụ liên tỉnh, liên Vùng phục vụ phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương…

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong vùng Tây Nguyên và các bộ, ban, ngành có liên quan triển khai một số nội dung nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển hoạt động KH,CN&ĐMST của Vùng nói riêng và cả nước nói chung, góp phần phát triển KT-XH đất nước. Đặc biệt là nghiên cứu đề xuất các giải pháp tăng cường liên kết trong triển khai hoạt động KH,CN&ĐMST, nhất là liên kết các ngành, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong nội Vùng với nhau và với các vùng khác.

PT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)