Chất lượng thịt bò Tây Ninh
Tây Ninh là một trong những tỉnh khu vực phía Nam có số lượng đàn bò thương phẩm tương đối lớn do điều kiện thuận lợi về chăn thả (đất đai, đồng cỏ rộng); nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Vùng chăn nuôi bò ở Tây Ninh hiện nay phân bố ở tất cả các huyện/thị xã và thành phố, trong đó tập trung chủ yếu ở Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Trảng Bàng và Gò Dầu.
Giống bò Tây Ninh trước đây chủ yếu là bò vàng, tuy nhiên hiện nay cơ cấu giống đang dần chuyển sang các giống bò hướng thịt như: bò lai Sind, Red Angus, Red Sind, Brahman, Drought Master, Charolais, BBB… Đặc điểm các giống bò hướng thịt là có khối lượng cơ thể lớn, ngoại hình đẹp, lớn nhanh, dễ nuôi, thích nghi được nhiều loại thức ăn, tỷ lệ xẻ thịt cao (37-47%). Đối với giống bò vàng thì có khối lượng cơ thể nhỏ, dễ thích nghi điều kiện tự nhiên, sức chống chịu bệnh tốt, tỷ lệ xẻ thịt thấp (35%), phù hợp cho các hộ chăn thả nhỏ lẻ, giúp tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp.
Đặc điểm chất lượng thịt bò Tây Ninh.
Về cảm quan, sản phẩm thịt bò Tây Ninh đáp ứng tiêu chí mang nhãn hiệu chứng nhận phải có bề mặt khô, sạch, không dính lông, không dính nhớt, không dính tay và tạp chất lạ; mặt cắt mịn và thớ thịt có độ đàn hồi. Thịt có màu từ đỏ hồng đến nâu thẫm; vân mỡ rõ ràng và có mùi đặc trưng. Sau khi luộc lên, thịt bò mềm và có vị béo; nước luộc thơm, trong, có váng mỡ to. Về thành phần dinh dưỡng, thịt bò Tây Ninh đáp ứng tiêu chí chứng nhận có hàm lượng nước từ 66,6-82,09%, hàm lượng protein từ 7,75-14,32%, hàm lượng chất béo từ 1,69-17,96%.
Xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu “Bò Tây Ninh”
Chăn nuôi bò được xem là ngành kinh tế chủ lực của nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giúp xóa đói giảm nghèo, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, sự phát triển đàn bò trong tỉnh còn nhiều hạn chế về tầm vóc và chất lượng do việc sử dụng con giống chưa đồng nhất; quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ cao; chưa giải quyết triệt để vấn đề dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm… Mặt khác, các sản phẩm, dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được đưa ra thị trường hiện nay hầu hết chưa được xây dựng thương hiệu bài bản, thống nhất; hệ thống nhận diện thương hiệu chưa đồng bộ, thậm chí có trường hợp lợi dụng danh tiếng bò Tây Ninh để cung cấp sản phẩm thịt bò không đảm bảo chất lượng hoặc từ nơi khác làm ảnh hưởng đến danh tiếng và chất lượng bò Tây Ninh chính gốc.
Nhằm khắc phục những hạn chế, tạo mối liên kết bền vững giữa sản xuất, thị trường tiêu thụ và thiết lập chuỗi sản xuất hàng hóa khép kín; giúp nâng cao giá trị cho nghề chăn nuôi bò và ổn định thị trường tiêu thụ… việc phải xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là cần thiết. Trước thực trạng đó, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu Trí tuệ CIPTEK đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm và dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.
Nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh”.
Sau thời gian triển khai thực hiện (từ tháng 12/2021 đến tháng 06/2024), đề tài đã đánh giá được hiện trạng chăn nuôi, chế biến kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; tạo lập thành công nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm và dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; thiết lập và vận hành thử nghiệm hệ thống quản lý và công cụ quản lý nhãn hiệu chứng nhận sau khi được bảo hộ bao gồm: quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh”; hướng dẫn thực hiện trình tự, thủ tục quy định về cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh”; hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh”; hướng dẫn thực hiện quy định về sử dụng logo, tem, nhãn và các dấu hiệu khác mang nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh”; xây dựng và áp dụng thử nghiệm hệ thống phương tiện quảng bá nhãn hiệu chứng nhận vào thực tế đảm bảo đầy đủ các yêu cầu cần thiết về kỹ thuật, mỹ thuật và tính pháp lý. Bên cạnh đó, đề tài đã triển khai vào thực tế 05 mô hình chủ thể được cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bò Tây Ninh, gồm: hộ kinh doanh bò tơ Sáu Tâm (dịch vụ nhà hàng, quán ăn), cơ sở chăn nuôi bò Võ Thị Lấn (sản phẩm bò thịt), hộ kinh doanh Phạm Đăng Minh (dịch vụ giết mổ), hộ kinh doanh Chú Cuội quán (dịch vụ nhà hàng, quán ăn), Hộ kinh doanh Phát Nguyên (sản phẩm bò thịt).
Những tác động tích cực
Thành công của đề tài đã giúp các sản phẩm, dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chính thức được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, cùng với các công cụ quản lý và hỗ trợ quảng bá, góp phần giúp danh tiếng của sản phẩm vang xa. Bên cạnh đó, các kết quả của đề tài còn giúp người dân địa phương có thêm công cụ quan trọng để nâng cao giá bán sản phẩm, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, thông qua các hội thảo triển khai và lấy ý kiến, đơn vị chủ trì đã lồng ghép và truyền tải đến người dân các kiến thức về SHTT, tài sản trí tuệ, quản lý tài sản trí tuệ, nhãn hiệu chứng nhận, các quy định của pháp luật liên quan đến sở SHTT. Các kiến thức này sẽ góp phần quan trọng giúp các hộ sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nắm bắt và thực hiện đúng các quy định về quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh”.
Thông qua việc thực hiện đề tài, các cơ quan quản lý địa phương đã có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục xây dựng các công cụ tài sản trí tuệ gắn với các đặc sản khác ở địa phương. Thành công của đề tài cũng mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý để các cơ quan quản lý ở những địa phương khác tham khảo, áp dụng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song SHTT vẫn là lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với người dân và cả một số cán bộ quản lý ở địa phương. Do đó, các cơ quan quản lý, chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận cần thiết phải tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị khác tổ chức hoạt động tuyên truyền về SHTT, giúp người dân và cán bộ địa phương, đặc biệt là cán bộ cấp xã nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng quản lý. Đặc biệt, quá trình triển khai cấp và quản lý việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cần có sự quyết tâm và đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, cũng như người dân, có như vậy nhãn hiệu chứng nhận mới phát huy tối đa hiệu quả, mang lại lợi ích bền vững cho người dân địa phương.
Xuân Diện - Thảo Dương