Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, Hội nghị góp phần triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, Kế hoạch số 345/KH-UBND ngày 29/12/2022 của UBND Thành phố thực hiện Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 trên địa bàn TP Hà Nội; Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 15/02/2024 của UBND Thành phố về KHCN&ĐMST TP Hà Nội năm 2024.
Phó Giám đốc Nguyễn Quốc Hà mong rằng, thông qua Hội nghị này, sẽ nhận được các ý kiến trao đổi, đóng góp để làm rõ các nội dung thực hiện bộ chỉ số PII năm 2024 và đề xuất giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, kịp thời trong thời gian tới.
Điểm mạnh về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Hà Nội
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Mai - Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Học viện KHCN&ĐMST cho biết, bộ PII gồm 52 yếu tố thành phần, chia làm 7 trụ cột. Dữ liệu phục vụ xây dựng bộ PII năm 2023 được lấy từ 2 nguồn thứ cấp chính: số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các cơ quan, tổ chức ở Trung ương (39 chỉ số) và do các địa phương cung cấp (13 chỉ số).
Bà Nguyễn Thị Phương Mai nhấn mạnh, Hà Nội có đến 26 chỉ số thuộc top 10 địa phương của cả nước. Trong đó, trụ cột nhân lực và nghiên cứu - phát triển là các thế mạnh của Hà Nội khi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn của cả nước. Trụ cột trình độ phát triển của thị trường và sản phẩm tri thức, sáng tạo, công nghệ cũng là 2 trụ cột có điểm số cao nhất với số lượng lớn các doanh nghiệp, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích. Hà Nội có các điểm mạnh vượt trội đều đạt 100 điểm, như số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên, tín dụng cho khu vực tư nhân hay đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích... Đây là những trụ cột góp phần đưa Hà Nội trở thành địa phương có PII đứng đầu cả nước, đóng góp quan trọng vào Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam.
Trong quá trình thu thập và cung cấp dữ liệu, Bà Nguyễn Phương Mai cũng lưu ý các địa phương cần hạn chế thiếu tài liệu minh chứng (dữ liệu không khớp với tài liệu minh chứng hoặc không theo đúng hướng dẫn đã cung cấp); thông tin, dữ liệu không khớp giữa biểu mẫu trực tuyến và biểu mẫu gửi kèm theo công văn; việc một địa phương gửi dữ liệu muộn sẽ ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra, thẩm định dữ liệu và ảnh hưởng đến tiến độ chung; cử cán bộ đầu mối xuyên suốt, đảm bảo sự phối hợp của các sở, ban, ngành và giữa các phòng, ban trong nội bộ Sở KH&CN.
Giải pháp khắc phục điểm hạn chế về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Hà Nội
Về những điểm hạn chế PII của Hà Nội, Trưởng Ban Chính sách Đổi mới sáng tạo, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Học viện KHCN&ĐMST Nguyễn Võ Hưng cho biết, Hà Nội có 11 chỉ số thuộc nhóm 20 địa phương đứng cuối cả nước, bao gồm: thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chi phí gia nhập thị trường; tỷ lệ % chi cho KH&CN/GRDP; tính năng động của chính quyền địa phương; quản trị môi trường; chỉ dẫn địa lý đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ/tổng số xã...
Để cải thiện bộ PII năm 2024, ông Nguyễn Võ Hưng khuyến nghị một số giải pháp đối với Hà Nội: ở trụ cột thể chế, cần tiếp tục cải thiện môi trường chính sách, môi trường kinh doanh, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, chi phí gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền địa phương...; tăng cường chi cho KH&CN từ ngân sách địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phổ thông tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật; tập trung cải thiện môi trường sinh thái; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp KH&CN khởi nghiệp sáng tạo; cải thiện kết quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn Thủ đô, nâng cao giá trị xuất khẩu...
Ông Nguyễn Võ Hưng cho rằng, bộ PII cung cấp bức tranh thực tế, đa chiều, cho thấy các điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN&ĐMST của từng địa phương. Tuy nhiên, việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối, không phải mục đích chính của bộ PII, bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau. Bên cạnh đó, kết quả đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia hay địa phương là tổng hòa từ nhiều chỉ số có tính chất khác nhau, vì vậy cần xem xét toàn diện trên tổng thể bộ chỉ số, đồng thời cần tính đến bối cảnh cụ thể của từng địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các câu hỏi liên quan đến quá trình thu thập, cung cấp các dữ liệu của ngành/địa phương, góp ý thể chế với doanh nghiệp, tổ chức... Sau buổi Hội nghị này, Sở KH&CN Hà Nội sẽ tổng hợp lại các nội dung mà các đại biểu đã trao đổi để tiếp tục nghiên cứu, phản hồi, đề xuất với UBND Thành phố và các bộ, ngành trong quá trình triển khai bộ PII.
BL