Thứ sáu, 24/05/2024 18:18

Hà Nam hướng đến thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương và vùng đồng bằng sông Hồng

Xác định vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hà Nam, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của các cấp, các ngành, ngành KH&CN Hà Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội tỉnh. Nhằm tìm hiểu về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) cũng như phương hướng, nhiệm vụ và đề xuất kiến nghị của ngành KH&CN Hà Nam, hướng đến thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH,CN&ĐMST địa phương và vùng đồng bằng sông Hồng, phóng viên tạp chí KH&CN Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tất Niên, giám đốc Sở KH&CN Hà Nam.

TS Nguyễn Tất Niên, giám đốc Sở KH&CN Hà Nam.

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thị trường KH&CN tại địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 đến nay?

Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã đặt hàng và tổ chức thực hiện 62 nhiệm vụ KH&CN các cấp trong đó có 44 nhiệm vụ cấp tỉnh và 18 dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (gọi chung là nhiệm vụ KH&CN). Các nhiệm vụ đã được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, tập trung nhiều vào sản xuất nông nghiệp, xử lý môi trường, đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả quản lý, sản xuất, khai thác các thế mạnh của tỉnh. Điển hình về nhiệm vụ khoa học, kỹ thuật là đề tài “Ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển thông minh và giám sát tập trung đèn chiếu sáng công cộng tại một tuyến đường trên địa bàn thành phố Phủ Lý” và đề tài “Ứng dụng công nghệ xử lý ảnh và truyền thông không dây, thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát, điều khiển thông minh đèn tín hiệu cho một khu vực giao thông điển hình của thành phố Phủ Lý”. Sản phẩm của 2 đề tài này đã được bàn giao cho đơn vị thụ hưởng quản lý, sử dụng trong năm 2022.

Các nhiệm vụ về nông nghiệp chủ yếu hướng đến đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo được những đột phá mới trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm thay đổi căn bản diện mạo nhiều vùng nông thôn. Một số mô hình sản xuất được ứng dụng và nhân rộng cho hiệu quả rõ rệt. Tiêu biểu như đến dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá nheo Mỹ (Ictalurus punctatus) và cá chép lai V1 (Cyprinus carpio) trong lồng tại tỉnh Hà Nam” được nghiệm thu năm 2022. Dự án được đánh giá tốt và có tính lan toả cao.

Bánh đa Sở Kiện - sản phẩm được đăng ký thành công quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ năm 2021.

Trong giai đoạn 2020- 2023, có 06 nhiệm vụ KH&CN về xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm địa phương đã được triển khai. Trong đó, 03 nhiệm vụ đã được nghiệm thu. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ này, có 03 sản phẩm đặc sản địa phương đã được đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ là bánh đa Sở Kiện, gạo chất lượng cao Bình Lục, cá trắm đen Bình Lục. Các nhiệm vụ về sở hữu trí tuệ góp phần làm phong phú thêm cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ quy trình sản xuất, bảo vệ uy tín, chất lượng sản phẩm, ý thức tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, việc xây dựng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giúp nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và mang lại nhiều giá trị vô hình khác.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 06 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN. Các doanh nghiệp này đang hoạt động hiệu quả, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, có đóng góp tích cực vào sự phát triển thị trường KH&CN nói riêng, kinh tế - xã hội cho tỉnh nói chung. Điển hình là chi nhánh công ty Cổ phần Sao Thái Dương tại Hà Nam, công ty cổ phần Carbon Việt Nam. Hoạt động quản lý công nghệ và thị trường công nghệ được thực hiện một cách thường xuyên, đúng pháp luật thông qua các cuộc điều tra công nghệ theo kế hoạch, thẩm định hoặc tham gia ý kiến về công nghệ các dự án đầu tư, các hội đồng đánh giá báo cáo tác động môi trường của các dự án đầu tư. Các hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc đánh giá năng lực, nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn nguy cơ xâm nhập công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu.

Mới đây trong công bố Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, Hà Nam là địa phương xếp thứ hạng cao. Xin ông nói rõ hơn về về kết quả này?

PII năm 2023 của Hà Nam xếp thứ 22, với 4 trụ cột xếp hạng từ 30 đến 40, 1 trụ cột xếp thứ 15, 1 trụ cột xếp thứ 24, 1 trụ cột thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu (xếp thứ 8).

Số liệu tính toán PII năm 2023 cũng chỉ ra 5 điểm mạnh của tỉnh là: điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông (85,29 điểm, thứ 5); tỷ lệ diện tích đất công nghiệp đã được xây dựng kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp trên tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch của các khu công nghiệp (95,32 điểm, thứ 5); tỷ lệ dự án đầu tư đang hoạt động trong các khu công nghiệp/1.000 doanh nghiệp (63,64 điểm, thứ 2); đầu tư trực tiếp của nước ngoài/tổng sản phẩm quốc nội vùng (67,87 điểm, thứ 7); tỷ lệ doanh nghiệp có chứng chỉ ISO/1.000 doanh nghiệp (84,27 điểm, thứ 3).

Tuy nhiên, PII năm 2023 của tỉnh Hà Nam cũng chỉ ra một số hạn chế trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, cụ thể: trong 52 chỉ số, có 23 chỉ số (44,2%) xếp thứ hạng trên 30, trong đó có 16 chỉ số là các yếu tố đầu vào đổi mới sáng tạo, 7 chỉ số là các yếu tố đầu ra đổi mới sáng tạo; việc sử dụng đầu vào đổi mới sáng tạo để chuyển thành đầu ra đổi mới sáng tạo chưa thật sự hiệu quả (điểm số và thứ hạng đầu vào cao hơn điểm số và thứ hạng đầu ra).

Trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn những thành tựu đã đạt được trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Hà Nam sẽ tập trung vào những định hướng nào, thưa ông?

Lãnh đạo Bộ KH&CN và tỉnh Hà Nam khảo sát thực tế địa điểm xây dựng khu công nghệ cao Hà Nam.

Trong các cơ chế, chính sách Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành về KH,CN&ĐMST đã xác định: nâng cao tỉ trọng đóng góp của KH,CN&ĐMST trong tăng trưởng kinh tế, tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực KH&CN, đầu tư xây dựng hạ tầng, trọng tâm là khu công nghệ cao Hà Nam, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH,CN&ĐMST của địa phương và vùng đồng bằng Sông Hồng. Để thực hiện được các mục tiêu này, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành về KH,CN&ĐMST.

Thứ hai, xây dựng đồng bộ hạ tầng KH,CN&ĐMST, trong đó trọng tâm là hoàn thiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam. Khu công nghệ cao này được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH,CN&ĐMST của địa phương và vùng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư vào khu đại học Nam Cao nhằm xây dựng một trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo trong lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ áp dụng KH&CN nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp truyền thống, thế mạnh, đặc thù, trong đó có các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số.

Thứ tư, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN theo hướng tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như: công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistic, du lịch, chuyển đổi số.

Thứ năm, triển khai, đo lường và cải thiện PII tương tự như những bộ chỉ số khác, tiến tới sử dụng PII làm công cụ đo lường chính kết quả phát triển kinh tế, xã hội theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng “từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng KH,CN&ĐMST”.

Riêng đối với Bộ KH&CN, Hà Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp như thế nào, thưa ông?

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với tỉnh Hà Nam ngày 13/5/2024.

Nhằm triển khai hiệu quả, chặt chẽ hơn các chương trình, nhiệm vụ KH,CN&ĐMST giữa tỉnh Hà Nam và Bộ KH&CN, chúng tôi mong muốn Bộ KH&CN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai các nhiệm vụ sau:

Một là, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng lựa chọn tỉnh Hà Nam để triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình nâng cao năng suất chất lượng, cụ thể: tạo điều kiện hỗ trợ cho tỉnh triển khai Quyết định 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền KH,CN&ĐMST sáng tạo giai đoạn 2021-2030; xây dựng, áp dụng bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với hoạt động KH,CN&ĐMST tại các địa phương và doanh nghiệp; hỗ trợ tỉnh xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên gia năng suất theo chương trình chuẩn của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO); hỗ trợ tỉnh xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhóm sản phẩm nông sản, thực phẩm, dược phẩm của doanh nghiệp địa phương.

Hai là, xem xét lựa chọn xây dựng tại tỉnh Hà Nam hoặc hỗ trợ địa phương xây dựng một khu (trung tâm) về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc trí tuệ nhân tạo nhằm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ba là, quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức KH&CN hoàn thiện công nghệ, sản xuất sản phẩm mới đặc thù của địa phương phù hợp với thị trường.

Bốn là, ưu tiên hỗ trợ tỉnh Hà Nam thực hiện mục tiêu thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động tại tỉnh Hà Nam bằng hình thức hàng năm hỗ trợ 3 - 4 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trong một số lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh... Trước mắt là các nhiệm vụ về: phát triển dịch vụ logistics tại tỉnh Hà Nam; xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch rau, hoa quả tại vùng nguyên liệu thuộc hệ thống công trình dịch vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Hà Nam.

Năm là, Bộ KH&CN và các đơn vị trực thuộc quan tâm chỉ đạo các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia quan tâm hỗ trợ Sở KH&CN Hà Nam tổ chức triển khai, thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp tỉnh Hà Nam.

Sáu là, Bộ KH&CN hỗ trợ xây dựng và triển khai đề án nâng cao tiềm lực, năng lực hoạt động để Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm thuộc Sở KH&CN tỉnh Hà Nam có điều kiện phát triển thành trung tâm có quy mô vùng trong hoạt động dịch vụ KH&CN.

Bảy là, Bộ KH&CN và các cơ quan Trung ương tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ tỉnh Hà Nam hoàn thiện hồ sơ, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Khu công nghệ cao Hà Nam.

Trân trọng cảm ơn ông! Xin chúc cho ngành KH&CN tỉnh Hà Nam gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Thực hiện Lê Hạnh

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)