Thứ sáu, 17/05/2024 18:24

Cà Mau: Đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 16/05/2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cà Mau đã tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận lưu hành, quyết định cấp bằng bảo hộ giống lúa CAMAU1 và họp mặt nhân Ngày KH&CN Việt Nam 18/05.

Giống lúa CAMAU1 là sản phẩm của đề tài “Chọn giống lúa chịu mặn năng suất, chất lượng cao tại tỉnh Cà Mau” do Sở KH&CN Cà Mau đặt hàng Trường Đại học Cần Thơ thực hiện. Giống lúa CAMAU1 được bố trí sản xuất thử nghiệm tại nhiều vùng sinh thái trong và ngoài tỉnh. Cụ thể là xã Khánh Lâm, Khánh Hoà (huyện U Minh), xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời), xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình), xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước) và nhiều vùng của các tỉnh: Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre…       

Qua quá trình sản xuất thử nghiệm, giống lúa CAMAU1 có những đặc điểm như: thời gian sinh trưởng 92-97 ngày (lúa sạ), 97-102 ngày (lúa cấy), chiều cao cây 100-110 cm, đẻ nhánh khoẻ, cứng cây, bông to, dài (90-100 hạt chắc/bông), tỷ lệ lép thấp, hạt gạo thon dài 6,8-7,0 mm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tiềm năng năng suất từ  6-8 tấn/ha. Đặc biệt, lúa thích hợp với vùng đất bị nhiễm phèn, mặn (khả năng chịu mặn 3-4‰).

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Phan Tấn Thanh - Giám đốc Sở KH&CN Cà Mau cho biết, tỉnh đã tiến hành khảo nghiệm 02 giống lúa CAMAU1 và CAMAU2. Tuy nhiên, CAMAU1 cho những đặc tính vượt trội hơn. Việc được cấp bằng bảo hộ và quyết định công nhận lưu hành giống CAMAU1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Nếu chỉ tính riêng chi phí mua bản quyền thì đã tiết kiệm hơn 36 tỷ đồng cho nông dân.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau Phan Tấn Thanh trao Quyết định công nhận lưu hành cho giống lúa CAMAU1.

Cũng tại buổi Lễ, Sở KH&CN Cà Mau đã tổ chức họp mặt các nhà khoa học nhân Ngày KH&CN Việt Nam 18/05.

Ông Phan Tấn Thanh cho biết, đối với tỉnh Cà Mau, Sở KH&CN tiền thân là Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Minh Hải, được thành lập ngày 23/09/1979 có chức năng quản lý nhà nước về các mặt hoạt động KH&CN ở địa phương; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân; quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội… Đến nay, sau khi sắp xếp lại bộ máy tổ chức từ 06 phòng chức năng còn lại 04 và 03 đơn vị trực thuộc, tổng số công chức, viên chức và người lao động hiện nay của Sở là 103 người, trong đó có 4 TS, 20 ThS. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các cơ quan, ban/ngành trong tỉnh, sự đoàn kết, vượt qua khó khăn của tập thể công chức, viên chức, người lao động của toàn ngành, đến nay đội ngũ các nhà khoa học của Sở đã ngày càng trưởng thành. Công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước đổi mới và đi vào nề nếp. Công tác nghiên cứu, ứng dụng được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đạt được những kết quả rất tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau.

Trong thời gian tới, ngành KH&CN Cà Mau quyết tâm phấn đấu thực hiện có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát động và hỗ trợ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; cải tiến nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo vào sản xuất và đời sống, chọn lựa các công nghệ tiên tiến để ứng dụng ở địa phương; nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương được bảo hộ để nâng cao giá trị…, góp phần xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Mỹ Nguyên

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)