Thứ ba, 28/05/2024 16:56

Bắc Kạn: Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo

Mới đây, đoàn công tác của Bộ KH&CN (KH&CN) do Thứ trưởng Hoàng Minh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Kạn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trên địa bàn tỉnh. Báo cáo tại buổi làm việc của UBND tỉnh Bắc Kạn đã khẳng định một số kết quả đạt được trong hoạt động KH&CN và nêu lên định hướng phát triển trong thời gian tới của lĩnh vực này.

Kết quả đạt được

Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để làm cơ sở, tạo hành lang pháp lý phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thiện, đồng bộ. Xây dựng các văn bản quy phạm phạm pháp luật, chỉ thị, chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch 5 năm và hằng năm của UBND tỉnh và chỉ đạo Sở KH&CN xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm để thực hiện tốt hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn.

Đầu tư ngân sách của tỉnh cho KH&CN trung bình/năm ở mức 0,4-0,5% trên tổng chi ngân sách toàn tỉnh, thấp hơn nhiều so với quy định tại Khoản 1, Điều 49 Luật KH&CN “Nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN”.

Trong 27 năm qua (kể từ khi tái lập tỉnh), UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện 262 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, trung bình 9-10 nhiệm vụ/năm, trong đó lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 56%, khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 19%, khoa học y dược 9%, khoa học xã hội và nhân văn 16%. Các nhiệm vụ đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết, vướng mắc ở các địa phương, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Kết quả các nhiệm vụ hoàn thành mang lại giá trị khoa học, giá trị thực tiễn, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế, là cơ sở cho việc định hướng phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai phát triển cây trồng đặc sản, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc và hướng tới tạo các sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch.

Tiềm lực KH,CN&ĐMST bước đầu có chuyển biến nhưng nhìn chung còn hạn chế. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 04 tổ chức, chi nhánh KH&CN, 04 doanh nghiệp KH&CN. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã đầu tư phát triển hạ tầng phòng nuôi cấy mô, trang thiết bị nhân giống nấm, trang thiết bị phục vụ hoạt động đo lường, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn (phòng Vilas 380).

Lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng được quan tâm đẩy mạnh. Tăng cường hướng dẫn các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu, trọng tâm là các sản phẩm OCOP của tỉnh. 100% cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015 giúp cải tiến phương pháp làm việc, hạn chế tác động tiêu cực trong thực thi công vụ.

Hồng không hạt Bắc Kạn là 1 trong 2 nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Công tác sở hữu trí tuệ đạt được một số kết quả nhất định. Đến nay tỉnh Bắc Kạn có 04 sản phẩm nông nghiệp đặc sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 01 sản phẩm Bí xanh thơm đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ cấp chỉ dẫn địa lý (Quýt Bắc Kạn, Hồng không hạt Bắc Kạn, Miến dong Bắc Kạn, Vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn); 5 sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu tập thể (Gạo Bao thai Chợ Đồn, Gạo Nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Chè Shan tuyết Bằng Phúc huyện Chợ Đồn, Gạo Nếp Tài Ba Bể, Gạo Khẩu nua Pái Chợ Đồn).

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh bước đầu được hình thành. Từ năm 2018, tỉnh tổ chức Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn, Hội thi sáng tạo kỹ thuật 02 năm/lần dần thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, một số giải pháp được ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn. Có 02 giải pháp đoạt giải thưởng cấp trung ương.

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng đóng góp của KH&CN còn khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với vị trí, vai trò trong sự phát triển của địa phương. Tiềm lực còn yếu, trình độ công nghệ còn hạn chế, tổ chức và doanh nghiệp KH&CN còn ít, đầu tư ngân sách cho KH&CN chiếm tỷ lệ thấp. Việc ứng dụng KH&CN để phát triển những lĩnh vực tỉnh có tiềm năng và lợi thế chưa nhiều, chưa tạo được động lực thúc đẩy hình thành những vùng sản xuất hàng hoá có quy mô phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Việc đặt hàng nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa đồng đều ở các lĩnh vực...

Định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới

Tỉnh Bắc Kạn có lợi thế về nguồn tài nguyên đất đai, khí hậu thuận lợi, nguồn gen thực vật phong phú để phát triển nền nông nghiệp sinh thái, tạo ra các sản phẩm đặc sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó có Vườn quốc gia Ba Bể để phát triển ngành du lịch với những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Do đó, xác định việc tăng cường ứng dụng KH&CN gắn với đổi mới sáng tạo để phát triển những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, tập trung vào hai hướng đi chủ yếu: 1) Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN nâng cao chất lượng các sản phẩm nông, lâm nghiệp tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo thành vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cung cấp cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, ưu tiên những sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; 2) Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tìm ra giải pháp kỹ thuật, công nghệ phù hợp, đột phá để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ xác lập sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Trong giai đoạn tới, ngành KH&CN Bắc Kạn xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của KH,CN&ĐMST đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của ngành, địa phương nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức, làm chuyển biến hành động của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Hai là, xác lập được danh mục những sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh, những sản phẩm phục vụ phát triển du lịch trong giai đoạn tới để tập trung đầu tư ứng dụng KH&CN gắn với đổi mới sáng tạo. Tăng cường hướng dẫn đề xuất, đặt hàng các đề tài, dự án KH&CN để phục vụ sản xuất và đời sống theo hướng: phát triển sản phẩm hàng hoá nông, lâm sản theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ sản phẩm tham gia trục sản phẩm quốc gia; sản phẩm đặc sản của địa phương; hỗ trợ hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP... trong đó địa bàn chuyển giao trực tiếp là các hợp tác xã và doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ cấp quốc gia có quy mô lớn, tầm ảnh hưởng và thu hút nguồn lực để phát triển những địa bàn, lĩnh vực trọng tâm.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng cán bộ có trình độ cao trên một số lĩnh vực phù hợp với điều kiện của địa phương. Chủ động mở rộng liên kết, hợp tác với các viện, trường, các cơ sở nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ KH&CN, đồng thời xác định, lựa chọn tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN, tranh thủ các chương trình hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức, các quốc gia… cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm trung tâm để hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao với các doanh nghiệp, hợp tác xã để họ vừa là đơn vị ứng dụng KH&CN, vừa là đơn vị tiếp nhận sản phẩm đầu ra. Tăng cường liên kết 04 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông) để từng bước giải quyết các vấn đề về giống, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Năm là, đổi mới cơ chế quản lý đề tài, dự án; tăng cường thực hiện cơ chế đặt hàng, tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì; khoán kinh phí theo kết quả đầu ra và công khai minh bạch. Tập trung triển khai thực hiện tốt các hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trong đó thực hiện tốt việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.

Sáu là, thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, đưa hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trở thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bảy là, tham mưu các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa để huy động đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới trên địa bàn tỉnh.

VH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)