Thứ ba, 25/06/2024 17:08

Bạc Liêu: Đổi mới hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Huỳnh Hùng Dũng

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu

Mặc dù vừa mới được tái thành lập nhưng cùng với hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) của cả nước, công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc chuyển đổi Chi cục TCĐLCL thành phòng chức năng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ở Bạc Liệu đã khiến các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc đổi mới hoạt động TCĐLCL được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành KH&CN Bạc Liêu nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Những kết quả bước đấu

Cùng với hoạt động TCĐLCL của cả nước, công tác quản lý nhà nước về hoạt động TCĐLCL trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã phát huy được vai trò tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng được yêu cầu cơ bản đặt ra.

Năm 2023, Phòng Quản lý TCĐLCL (Sở KH&CN Bạc Liêu) đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật về TCĐLCL, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế cho cán bộ và chuyên viên của các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện/thị xã/thành phố, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Phòng đã rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực TCĐLCL trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; hoàn thiện quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực TCĐLCL; đã tiếp nhận hồ sơ sửa chữa 09 cột đo xăng dầu của 06 lượt doanh nghiệp; đôn đốc UBND thành phố, thị xã, các huyện triển khai kiểm tra Nhà nước về đo lường tại địa phương theo quy định của Luật Đo lường; phối hợp với Chi cục Thuế thành phố Bạc Liêu thực hiện niêm phong các đồng hồ (công tơ) tổng của 05 cột đo xăng dầu tại 01 doanh nghiệp trên địa bàn; thường xuyên tiến hành điều tra, thống kê, cập nhật số lượng, chủng loại việc sử dụng phương tiện đo thuộc danh mục phải kiểm định trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện quản lý, kiểm định định kỳ, duy trì và bảo quản đối với các chuẩn dung tích, khối lượng phục vụ công tác kiểm tra Nhà nước về đo lường.

Hội nghị tổng kết Kế hoạch áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bạc Liêu. (Nguồn: Sở KH&CN Bạc Liêu).

Đào tạo “Đo lường và biện pháp đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” và “Nâng cao năng suất chất lượng - Con đường giúp doanh nghiệp  phát triển bền vững”.  (Nguồn: Sở KH&CN Bạc Liêu).

Hội thảo khoa học và công nghệ “Đổi mới hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” tại tỉnh Bạc Liêu. (Nguồn: Sở KH&CN Bạc Liêu).

Hằng năm, Phòng Quản lý TCĐLCL chủ trì phối hợp với Thanh tra Sở KH&CN, phòng kinh tế thị xã/thành phố, phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, các sở, ngành và địa phương có liên quan trong tỉnh thực hiện việc kiểm tra chấp hành quy định của Nhà nước về TCĐLCL sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch và yêu cầu đột xuất như vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán...

Năm 2023, Phòng Quản lý TCĐLCL đã chủ trì thực hiện 02 đợt kiểm tra tại 38 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: 01 đợt kiểm tra về đo lường đối với phương tiện đo tại 11/11 cơ sở (01 cơ sở thực hiện dịch vụ cung cấp điện sinh hoạt và 10 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh); 01 đợt kiểm tra về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, dầu nhờn động cơ đốt trong, vàng trang sức, mỹ nghệ tại 27/51 cơ sở (19/41 cơ sở kinh doanh xăng dầu; 03/04 cơ sở kinh doanh dầu nhờn động cơ đốt trong và 05/06 cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ).

Bên cạnh đó, Phòng Quản lý TCĐLCL cũng đã tiến hành giám sát, kiểm tra thường xuyên các đơn vị được công nhận khả năng kiểm định tại địa phương, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về kiểm định và sử dụng phương tiện đo….

Một số vướng mắc, bất cập

Trước xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, hoạt động quản lý TCĐLCL đã có những tác động tích cực đối với nền kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và trật tự trong sản xuất, kinh doanh. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng được hoàn thiện với 3 đạo luật cơ bản (Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Đo lường) và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý toàn diện và đồng bộ điều chỉnh các hoạt động tiêu chuẩn hoá, quản lý chất lượng sản phẩm và đo lường trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, Sở KH&CN Bạc Liêu được tổ chức lại từ ngày 01/04/2024 (theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 13/12/2022 của HĐND tỉnh Bạc Liêu) từ Sở Giáo dục, KH&CN Bạc Liêu (được hợp nhất từ ngày 01/01/2019). Do mới được tái thành lập nên tổ chức bộ máy của Sở KH&CN Bạc Liêu vẫn chưa thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ KH&CN. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn quy định Chi cục TCĐLCL là tổ chức trực thuộc Sở KH&CN, trong khi đó ở Bạc Liêu, hoạt động quản lý TCĐLCL thuộc Phòng Quản lý TCĐLCL (cấp phòng thay vì cấp Chi cục).

Mặc dù Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BKHCN ngày 01/03/2021 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND cấp tỉnh/thành phố (Thông tư 01). Tuy nhiên, mỗi địa phương triển khai khác nhau, có nơi vẫn là Chi cục TCĐLCL, có nơi lại trở thành phòng thuộc Sở dẫn đến việc triển khai các hoạt động chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn.

Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định Chi cục TCĐLCL là tổ chức trực thuộc Sở KH&CN, có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở KH&CN thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực TCĐLCL, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực TCĐLCL trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật (Thông tư 01 nêu trên; Nghị định số 74/2018/NĐ-CP  ngày 15/05/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/08/2027 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường, Nghị định số 27/2017/NĐ-CP ngày 15/03/2017 về  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 213/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành KH&CN, Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử...). Như vậy, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Quản lý TCĐLCL thuộc Sở KH&CN Bạc Liêu như hiện nay là chưa thật sự chắc chắn về cơ sở pháp lý.

Bên cạnh đó,cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng của Bạc Liêu còn hạn chế, thiết bị thiếu và lạc hậu gây khó khăn cho công tác quản lý. Công tác kiểm định và thử nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất và đời sống địa phương, cũng như công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành. Do năng lực về trang thiết bị, con người còn nhiều hạn chế, nên chưa mở rộng được khả năng kiểm định, thử nghiệm. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định về đo lường, chất lượng chưa kịp thời và đồng bộ. Một số tổ chức, cá nhân kiểm định phương tiện đo nằm trong danh mục phương tiện đo phải kiểm định theo quy định nhưng chỉ kiểm định mang tính chất tượng trưng hoặc khi có cơ quan chức năng thanh/kiểm tra.

Giải pháp phát triển thời gian tới

Nhằm phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh… trong thời gian tới, hoạt động TCĐLCL Bạc Liêu cần hướng tới các giải pháp cơ bản gồm:

Một là, tiếp tục tham mưu xây dựng dự thảo trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2024-2030; Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 19/08/2022 của UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn văn bản pháp luật về TCĐLCL.

Hai là, tăng cường tổ chức phổ biến áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế cho các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bằng hình thức lồng ghép với công tác phổ biến, hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL. Thực hiện hướng dẫn, quản lý xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ba là, theo dõi và duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước tỉnh Bạc Liêu; tổ chức và tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ; kiểm tra việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ quan, đơn vị; báo cáo tình hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh (theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg và Kế hoạch số 133/KH-UBND).

Bốn là, chủ trì phối hợp với Thanh tra Sở KH&CN, Phòng Kinh tế thành phố, thị xã hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện trong tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra đo lường, chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa trong sản xuất, lưu thông trên thị trường tỉnh thuộc trách nhiệm quản lý của ngành theo kế hoạch và theo yêu cầu đột xuất (tập trung vào các đối tượng như xăng dầu và dầu nhờn động cơ đốt trong, công tơ điện, biến áp đo lường, biến dòng đo lường, áp kế, cân, quả cân, hàng đóng gói sẵn, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, điện và điện tử, thép làm cốt bê tông, vàng trang sức, mỹ nghệ...).

Năm là, cập nhật các thông tin về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; xây dựng, cập nhật về văn bản pháp quy, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước thành viên WTO; cập nhật và thông tin cảnh báo của văn phòng TBT Việt Nam; thông báo và hỏi đáp (nếu có) để cung cấp cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Với quan điểm đặt lợi ích của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả…, trong thời gian, hoạt động TCĐLCL ở Bạc Liêu cần phát triển theo hướng hiện dại, phù hợp với các xu hướng hướng tiếp cận của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)