Điện hạt nhân là tất yếu
Thống kê cho thấy, để phát triển kinh tế - xã hội, Hàn Quốc phải nhập khẩu đến 98% nhiên liệu hóa thạch. Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Hàn Quốc từ những năm 1960 đã kéo theo sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu sử dụng điện hằng năm. Hoạt động hạt nhân được khởi xướng khi Hàn Quốc trở thành thành viên của IAEA vào năm 1957. Luật NLNT được thông qua vào năm 19583 và Văn phòng NLNT được thành lập vào năm 1959. Lò phản ứng (LPƯ) hạt nhân đầu tiên ở Hàn Quốc đạt tới hạn vào năm 1962 là một LPƯ nghiên cứu nhỏ, tương tự lò Đà Lạt của Việt Nam. Năm 1972, nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên Kori-1 của Hàn Quốc được xây dựng, sử dụng LPƯ công nghệ PWR với công suất 600 MW của Công ty Westinghouse (Mỹ). Nhà máy bắt đầu hoạt động vào năm 1977 và vận hành thương mại vào năm 1978. Sau đó, liên tục 8 LPƯ được xây dựng vào những năm 1980 để đến năm 1989, ĐHN đã đóng góp 50,2% tổng sản lượng điện của Hàn Quốc. Đối với Hàn Quốc, ĐHN không phải là một lựa chọn, mà là một tất yếu nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Năm 2022, sản lượng ĐHN của Hàn Quốc đạt 176 tỷ kWh, chiếm 28% tổng sản lượng điện. Tiêu thụ điện năng bình quân đầu người của Hàn Quốc là 10.700 kWh (2022). Trong những năm gần đây, hệ số công suất các LPƯ ở Hàn Quốc đạt trung bình lên tới 96,5% - một trong những nước cao nhất trên thế giới.
Tháng 03/2022, Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp hạt nhân nội địa và xuất khẩu. Quy hoạch Điện lực lần thứ 10 của Chính phủ Hàn Quốc (2022-2036) được công bố vào tháng 01/2023 nêu rõ: tăng tỷ lệ ĐHN lên 34,6% với việc khởi động 6 LPƯ mới vào năm 2033. Công suất phát ĐHN dự kiến sẽ tăng từ 24,7 GWe (2022) lên 28,9 GWe năm 2030 và 31,7 GWe năm 2036. Quy hoạch cũng đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tổ máy ĐHN vào năm 2030 và phát triển LPƯ mô-đun nhỏ (SMR) do Hàn Quốc tự thiết kế, chế tạo.
Sự ủng hộ của người dân
Chính phủ nhiệm kỳ trước từng có chính sách loại bỏ dần ĐHN trong vòng 40 năm. Tháng 06/2017, tại buổi lễ chấm dứt hoạt động của Nhà máy ĐHN Kori-1, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố sẽ “xem xét lại toàn bộ chính sách về nhà máy ĐHN” và rằng đất nước sẽ “từ bỏ chính sách phát triển tập trung vào các nhà máy ĐHN và thoát khỏi kỷ nguyên năng lượng hạt nhân”. Tháng 07/2017, Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy điện và ĐHN Hàn Quốc (KHNP) cũng đã quyết định đình chỉ việc xây dựng 02 tổ máy 5 và 6 của Nhà máy ĐHN Shin Kori dù đã có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, cũng trong tháng 07/2017, 27 nhà khoa học uy tín trên thế giới đã cùng ký một bức thư ngỏ kêu gọi Tổng thống Moon Jae-in xem xét lại chính sách của mình. Bức thư có đoạn: "Nếu Hàn Quốc rút khỏi ĐHN, thế giới có nguy cơ mất đi một nhà cung cấp năng lượng giá rẻ và dồi dào cần thiết để đưa loài người thoát khỏi đói nghèo và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu". Bức thư này xuất phát từ việc hàng trăm giáo sư đại học và học giả Hàn Quốc kêu gọi Tổng thống Moon Jae-in từ bỏ kế hoạch loại bỏ ĐHN của mình. Đặc biệt, 410 giáo sư - bao gồm cả những người đến từ Đại học Quốc gia Seoul và Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc đã kêu gọi chính phủ "ngăn chặn ngay lập tức nỗ lực dập tắt ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân cung cấp điện giá rẻ cho công chúng".
Nhà máy Điện hạt nhân Shin Kori ở Hàn Quốc.
Trong cuộc thăm dò ý kiến với 1.000 người trưởng thành vào tháng 9/2021 do Công ty EmBrain Public thay mặt cho Hiệp hội Hạt nhân Hàn Quốc thực hiện, 72,1% số người được hỏi ủng hộ việc sử dụng ĐHN so với 24,3% phản đối. Khoảng 69,9% ủng hộ việc duy trì các nhà máy ĐHN hiện tại của đất nước hoặc mở rộng chúng.
Khác với nhiều quốc gia, đa số người dân Hàn Quốc ủng hộ ĐHN, kể cả người dân ở những khu vực xung quanh nhà máy ĐHN. Đó là nhờ kết quả của chính sách, chiến lược truyền thông bền bỉ và bài bản. Năm 1989, Hàn Quốc đã thông qua Luật Hỗ trợ người dân các vùng xung quanh nhà máy ĐHN như công cụ pháp lý hữu hiệu để đảm bảo việc phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng dân cư xung quanh các nhà máy ĐHN, tạo điều kiện cho việc xây dựng, vận hành và quản lý các nhà máy ĐHN. Một tỷ lệ phần trăm trong doanh thu điện năng được dành cho các dự án nhằm nâng cao thu nhập của nhân dân địa phương, cải thiện các công trình công cộng, tạo ra môi trường giáo dục tốt hơn cho các cộng đồng dân cư xung quanh nhà máy ĐHN.
Đẩy mạnh xuất khẩu lò phản ứng
Tháng 12/2009, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã lựa chọn công nghệ LPƯ APR-1400 của Hàn Quốc làm cơ sở cho chương trình ĐHN của mình, với 04 LPU đầu tiên hoạt động tại Barakah vào năm 2020 theo hợp đồng trị giá 20,4 tỷ USD. Sự lựa chọn này dựa trên cơ sở chi phí và độ tin cậy của tiến độ xây dựng. Tổ máy đầu tiên của Nhà máy ĐHN Barakah đã bắt đầu vận hành thương mại vào tháng 4/2021, tổ máy thứ 2 tháng 3/2022, tổ máy thứ 3 tháng 2/2023 và tổ máy thứ 4 tháng 3/2024. Từ tháng 11/2014, có 200 kỹ sư của UAE đã làm việc tại các nhà máy ĐHN của Hàn Quốc nhằm tích lũy kinh nghiệm cho Nhà máy ĐHN Barakah.
1Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tiếp Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Hua Liu ngày 21/03/2024 tại Trụ sở Chính phủ
2International Project on Innovation Nuclear Reactors and Fuel Cycles - dự án quốc tế về lò phản ứng hạt nhân tiên tiến và chu trình nhiên liệu của IAEA.
3Luật này đã được sử đổi toàn diện vào tháng 07/2011.