TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Là 1 người gắn bó với Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung, xin ông chia sẻ 1 số cảm xúc của mình nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN và chào mừng ngày KH&CN Việt Nam (18/5)?
Bản thân tôi đã gắn bó với ngành KH&CN hơn 40 năm, được chứng kiến sự trưởng thành của nền KH&CN nước nhà. Có thể nói ngành KH&CN đã có đóng góp vô cùng to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực tế cho thấy, sức mạnh của 1 đất nước, 1 dân tộc gắn liền với KH&CN; vị thế của 1 đất nước, 1 quốc gia được bằng trình độ KH&CN của đất nước, quốc gia đó. Việt Nam từ một nước chậm phát triển, khó khăn, nghèo nàn về kinh tế, hạn chế về hợp tác quốc tế… đã vươn lên trở thành nước có nền kinh tế trung bình, hội nhập sâu rộng và vị thế không ngừng được khẳng định trên trường quốc tế. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Việt làm rạng danh đất nước, không chỉ rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới mà còn tạo nên thứ bậc ngày càng cao và có uy tín trên thế giới. Tôi luôn xúc động và tự hào khi là thành viên của cộng đồng KH&CN.
Ông đánh giá thế nào về vị trí, vai trò hiện nay của đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của ngành KH&CN, đặc biệt sau 16 năm triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?
Nghị quyết 27 được Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) thông qua vào ngày 06/08/2008 trong bối cảnh nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là: “Phát triển đất nước phải bằng và dựa vào KH&CN”; “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Nghị quyết 27 đã đánh giá những ưu điểm và hạn chế, từ đó đưa ra những quan điểm, giải pháp, định hướng cho đội ngũ trí thức trong thời kỳ đất nước ta bước vào giai đoạn mới. Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng.
Qua 16 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, trên cơ sở Nghị quyết 27, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật dựa trên những giải pháp cơ bản là: phải tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ trí thức; trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến cơ bản trong đào tạo nguồn nhân lực; nêu rõ vai trò, trách nhiệm của trí thức. Đây chính là nền tảng quan trọng, động lực mạnh mẽ để đội ngũ trí thức hết lòng cống hiến tài năng, tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành KHCN nói riêng và đất nước nói chung.
Xin ông cho biết, những đóng góp quan trọng của VUSTA trong việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, góp phần đưa KH&CN trở thành động lực phát triển của đất nước?
VUSTA đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh được xếp trong số 30 hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương. Hiện tại VUSTA có 156 hội thành viên, trong đó có 93 hội ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; 560 tổ chức KH&CN; khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có trên 2,2 triệu trí thức, chiếm khoảng 32,5% số trí thức trong cả nước. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, VUSTA đã tập hợp, đoàn kết và phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN; thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với trí thức KH&CN, góp phần ổn định tình hình chính trị tư tưởng trong đội ngũ trí thức.
Sự hình thành, tồn tại và phát triển các hội trí thức, trong đó có VUSTA là yếu tố khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Trong bối cảnh các thế lực chống đối đang tìm mọi cách để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thì đội ngũ trí thức, các hội của trí thức luôn là mục tiêu để họ tìm cách lôi kéo và lợi dụng. Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để tập hợp, sử dụng đội ngũ trí thức phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 45-NQ/TW) đã khẳng định: đội ngũ trí thức “là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội...
Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn, thuận lợi và yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ phát triển KH&CN trong thời gian tới ?
Theo tôi, thời gian tới, đối với nhiệm vụ phát triển KH&CN có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Về mặt thuận lợi có thể thấy, Đảng và nhà nước ta rất quan tâm tới KH&CN, thông qua việc ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng. Trong đó nổi bật là Nghị quyết 45-NQ/TW hay Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển bất cứ một lĩnh vực nào, đặc biệt với lĩnh vực KH&CN cần có nhân lực tốt và đầu tư tốt. Nguồn nhân lực của chúng ta về KH&CN trong thời gian vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, KH&CN Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức:
Một là, cơ chế chính sách còn một số tồn tại cần được tiếp tục đổi mới để phù hợp với tình hình mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngũ trí thức phát huy khả năng và cống hiến cho đất nước.
Hai là, đội ngũ của chúng ta mặc dù đã phát triển vượt bậc trong những năm qua nhưng để đáp ứng tốt những yêu cầu trong tình hình mới thì cần phải được củng cố về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Ba là, chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước tiên tiến và phát triển trên thế giới. Nếu chúng ta không tạo đà phát triển nhanh hơn và mạnh hơn thì khoảng cách này có thể sẽ ngày một xa hơn.
Bốn là, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, các công nghệ đã phát triển như vũ bão, ở một mức độ chưa từng có. Chúng ta phải đưa KH&CN Việt Nam hội nhập, hòa chung với sự vận động của KH&CN thế giới, nhưng nguồn nhân lực của nước ta vẫn còn một khoảng cách so với đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, việc đầu tư chiều sâu để nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có thế mạnh cần được quan tâm nhiều hơn. Đồng thời đội ngũ tri thức và những người làm khoa học cũng phải tận dụng tốt hơn những cơ hội thuận lợi đang có để vượt qua thách thức và khó khăn.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của ông và chúc VUSTA ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển KH&CN nước nhà.
Phạm Thịnh (thực hiện)