Những thành tựu đạt được
Sau khi thành lập, lực lượng cán bộ của Ban chỉ có vài người có trình độ đại học, còn lại chủ yếu là cán bộ trung cấp kỹ thuật, điều kiện trang thiết bị, máy móc phục vụ nghiên cứu, ứng dụng KHKT còn rất thiếu thốn và lạc hậu, đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh gian khổ. Song với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao của các cán bộ KHKT của Ban, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Khoa học Nhà nước và của lãnh đạo Tỉnh, đội ngũ cán bộ KHKT Nam Định đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ quan trọng; đã tập hợp lực lượng cán bộ KHKT tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết đối với sản xuất, đời sống và phục vụ chiến đấu; đã phổ biến nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế và các lĩnh vực đời sống xã hội. Có 10 cán bộ kỹ thuật của ngành và 08 lao động là xã viên HTX Nhân Hậu - Lý Nhân đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ, di chuyển các tài sản, thiết bị của Ban KHKT Tỉnh để tránh sự phá hoại của đế quốc Mỹ.
Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tuy còn rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng ngay sau khi Ban KHKT tỉnh Nam Định được thành lập, lãnh đạo Ban đã quan tâm phát triển lực lượng cán bộ KHKT của tỉnh cả về số lượng và chất lượng; Từ chỗ chỉ có một vài cán bộ có trình độ đại học khi mới thành lập, đến năm 1973 đã có trên 1.500 người có trình độ đại học cùng với gần 5.000 người có trình độ trung cấp kỹ thuật.
Sau giải phóng miền Nam đến năm 1991, Ban KHKT Hà Nam Ninh được thành lập trở lại. Trong giai đoạn này có nhiều hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ban KHKT Hà Nam Ninh đã có nhiều công trình nghiên cứu về nông nghiệp, đã tuyển chọn được các tập đoàn giống lúa cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và thích nghi với các vùng thổ nhưỡng như IR 1820, CR 203, NN5, NN8… góp phần đưa năng suất lúa của tỉnh Hà Nam Ninh từ 22,6 tạ/ha (năm 1975) lên 32,22 tạ/ha (năm 1991); sản lượng lương thực của tỉnh đạt 722 ngàn tấn (năm 1991). Trong lĩnh vực công nghiệp - phát triển công nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm và vật liệu mới phục vụ các ngành kinh tế khác, điển hình như: cầu dao điện 3 pha của Nhà máy Sửa chữa động cơ; máy vò lúa của Nhà máy Cơ khí Nam Hà, Ninh Bình, Hà Nam; Xi măng của Nhà máy Xi măng Ninh Xuân, Ba Sao, Hệ Dưỡng, X18; bột nhẹ của hợp tác xã Vật liệu xây dựng Thanh Lâm và nhiều sản phẩm dệt kim, dệt lụa… Cũng trong giai đoạn này, phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng hết sức sôi nổi và đã có 5.711 sáng kiến được áp dụng và sản xuất và đời sống.
Mô hình sản xuất giống khoai tây nguyên chủng tại Trung tâm Giống cây trồng Nam Định.
Từ năm 1992 đến 2002, Ban KHKT Hà Nam Ninh được đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nam Định. Cùng với việc tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN, Sở được bổ sung thêm chức năng quản lý nhà nước về môi trường.
Vai trò của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong giai đoạn này tiếp tục được khẳng định là một trong những động lực quan trọng trong phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều tiến bộ KHKT và công nghệ mới được áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất; các ngành sản xuất đều tăng trưởng nhanh về năng suất lao động và giá trị sản xuất; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13,5%/năm; năng suất lúa của tỉnh tăng từ 7,8 tấn/ha (năm 1994) lên 11,7 tấn/ha (năm 1999); sản lượng lúa đạt trên 01 triệu tấn;
Vai trò trụ cột và động lực của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2003, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nam Định được đổi tên thành Sở KH&CN Nam Định. Từ đó đến nay, với vai trò, chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực KH&CN, tiêu chuẩn đo lường chất lượng… , Sở đã từng bước tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu, nhiều sản phẩm công nghệ mới được áp dụng, chuyển giao vào sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng giúp tỉnh Nam Định chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển nhanh kinh tế - xã hội, góp phần vào thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Khai mạc Techfest Đồng bằng sông Hồng tổ chức tại Nam Định năm 2023.
Trong những năm qua, ngành KH&CN Nam Định đã có những đổi mới cơ bản, toàn diện trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; khơi dậy và khuyến khích các tiềm năng sáng tạo; xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN có trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực, ngành nghề, sát với yêu cầu thực tiễn của sản xuất và đời sống xã hội, gắn với nhu cầu của thị trường; Chú trọng đến giá trị ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm KH&CN.
Hiện nay, với đội ngũ gần 70 cán bộ KH&CN có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ và đại học; năng động, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, Sở KH&CN Nam Định đang tập trung triển khai nhiều hoạt động phát triển thị trường công nghệ, hỗ trợ khuyến khích khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh; cùng với đó là các giải pháp thu hút các nguồn lực tri thức, các nguồn lực hỗ trợ phát triển KH&CN, hỗ trợ khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo…
Lễ ký biên bản ghi nhớ hệ sinh thái khởi nghiệp Nam Định.
Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ KH&CN và tỉnh Nam Định, Sở KH&CN Nam Định đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1999, Huân chương lao động hạng Nhì năm 2004, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2016 và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN và Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen…
Ông Đỗ Hải Điền, Giám đốc Sở KH&CN Nam Định cho biết: những kết quả và thành tựu trong chặng đường 60 năm trưởng thành và phát triển của ngành KH&CN tỉnh Nam Định tuy đáng khích lệ, nhưng cũng mới chỉ là khởi đầu trong tiến trình phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng quốc tế; vẫn còn nhiều hạn chế như: năng suất lao động chưa cao, nhiều sản phẩm KH&CN chưa có chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cao, hàm lượng KH&CN trong nhiều sản phẩm của tỉnh còn thấp; năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp Nam Định nhìn chung còn yếu; tinh thần khoa học, văn hóa đổi mới sáng tạo chưa thấm sâu vào tư duy, nhận thức của cộng đồng xã hội; KH&CN Nam Định phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội…
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số đang diễn ra sôi nổi trên toàn cầu với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi ngành KH&CN cần phải nhanh chóng đổi mới tư duy và hành động kịp thời; cùng với việc tăng cường các tiềm lực KH&CN trong dài hạn, quyết tâm đổi mới sáng tạo và thực hiện các giải pháp để có bước bứt phá. Đồng thời phải thống nhất cao trong nhận thức về vai trò trụ cột và vai trò động lực của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội để huy động được tối đa sự quan tâm của toàn xã hội và các nguồn lực hỗ trợ phát triển KH&CN - Ông Đỗ Hải Điền nhấn mạnh.
Thành công và những đóng góp của ngành KH&CN Nam Định trên chặng đường 60 năm qua là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta về sứ mệnh và vai trò động lực của KH&CN; được quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả của các thế hệ cán bộ KH&CN qua các thời kỳ, đồng thời đây cũng là giá trị tinh thần to lớn để tiếp thêm sức mạnh và động lực giúp mỗi cán bộ công chức, viên chức ngành KH&CN tiếp tục đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hơn nữa để đạt được nhiều thành tích cao trong chặng đường tiếp theo, góp phần xây dựng tỉnh Nam Định phát triển bền vững.
Lê Hạnh