Thứ ba, 07/05/2024 15:48

Cà Mau: Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp

Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cà Mau đã phối hợp với Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KH&CN) thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và tính toán chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020 và đề xuất giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ tỉnh Cà Mau trong thời gian tới”.

Thị trường công nghệ chậm phát triển

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 300 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là nhóm doanh nghiệp thuộc phạm vi cần được đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất… Điểm mấu chốt của đánh giá trình độ, năng lực công nghệ là làm sao đo lường và lượng hóa được trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí đánh giá cụ thể và thống nhất, để từ đó nêu bật được mặt mạnh cần phát huy, mặt yếu cần khắc phục và những vấn đề cần điều chỉnh bổ sung và tăng cường.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai một số hoạt động nhằm phát triển thị trường KH&CN của địa phương như: tiến hành khảo sát nhu cầu công nghệ của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh; khảo sát cung cầu công nghệ đối với 07 nhóm lĩnh vực hoạt động (chế biến, xuất khẩu thủy sản; sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; trồng, khai thác rừng và chế biến gỗ; y dược; môi trường và đô thị; chế biến và sản xuất bột cá; in ấn). Qua việc nắm bắt nhu cầu công nghệ, Sở KH&CN đã tiến hành tìm kiếm những công nghệ phù hợp trong và ngoài tỉnh thông qua các sự kiện kết nối cung cầu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh; khai thác cổng thông tin cung - cầu công nghệ thông qua giới thiệu công nghệ của các đơn vị để tư vấn chuyển giao phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Đặc biệt, hàng năm, Sở KH&CN Cà Mau đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo kết nối cung - cầu công nghệ với chủ đề phù hợp để phát triển một số ngành hàng chủ lực của tỉnh. Thông qua hội thảo đã giới thiệu một số nội dung cho cán bộ quản lý và các tổ chức, cá nhân liên quan về công nghệ, giới thiệu các chuyên đề về tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

Mặc dù bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, những năm gần đây, tỉnh Cà Mau chưa triển khai thực hiện một cách toàn diện việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và tính toán chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ trong phạm vi toàn tỉnh.

Việc nhân rộng những kết quả nghiên cứu, những mô hình hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, chưa thành lập được quỹ phát triển KH&CN, chưa hình thành được các vườn ươm doanh nghiệp KH&CN. Nguyên nhân là do tiềm lực KH&CN của tỉnh còn hạn chế, đội ngũ cán bộ KH&CN đầu đàn trong tỉnh còn thiếu và yếu, tỷ lệ đội ngũ trí thức có trình độ từ cao đẳng, đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ thấp. Đa số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc nghiên cứu, cải tiến đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị hàng hoá, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ đã phối hợp với Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ triển khai đề tài “Nghiên cứu, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và tính toán chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020 và đề xuất giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ tỉnh Cà Mau trong thời gian tới”. Triển khai thực hiện đề tài nêu trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các nội dung gồm:  

Một là, điều tra, khảo sát thu thập thông tin về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất doanh nghiệp và thông tin về chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020. Doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sự gia tăng liên tục về số lượng. Năm 2020, số lượng doanh nghiệp hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 78 doanh nghiệp, tương ứng tăng 50,3% so với năm 2010; tăng 73 doanh nghiệp so với năm 2015, tương ứng tăng 45,6%. Bình quân giai đoạn 2015-2020 có 210 doanh nghiệp hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 49 doanh nghiệp so với bình quân giai đoạn 2010-2015 (161 doanh nghiệp).

Hai là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm dạng website (trực tuyến), đảm bảo các thông tin dữ liệu luôn được cập nhật, chế độ báo cáo theo đúng quy định của Bộ KH&CN và đặc thù của tỉnh Cà Mau. Cơ quan chủ trì thực hiện các thủ tục cần thiết để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm dạng website (trực tuyến), đảm bảo các thông tin dữ liệu luôn được cập nhật, chế độ báo cáo theo đúng quy định của Bộ KH&CN và đặc thù của tỉnh Cà Mau (phần mềm tính toán trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp tỉnh Cà Mau; phần mềm tính toán tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trên địa bàn tỉnh Cà Mau). Hiện phần mềm đang chạy online tại địa chỉ http://khcncamau.stec.gov.vn và chạy localhost tại server đặt tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau.

Giao diện phần mềm tính toán chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau.

Giao diện phần mềm tính toán trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp tỉnh Cà Mau.

Ba là, xây dựng các báo cáo phân tích, đánh giá hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và phân tích chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020. Qua phân tích hiện trạng từng thành phần trong kết quả đánh giá trình độ năng lực công nghệ sản xuất theo Hướng dẫn tại Thông tư số 17/2019-TT-BKHCN có thể thấy: nhóm (T) - công nghệ thiết bị và thành phần, nhóm (E)- hiệu quả sử dụng công nghệ thiết bị, so sánh giữa 2 giai đoạn điều tra nhiều ngành được khảo sát năm 2020 còn thấp hơn năm 2016. Nhóm (O) - năng lực tổ chức quản lý, nhóm (R) - năng lực nghiên cứu phát triển, tổng hợp kết quả khảo sát, thu thập dữ liệu và phân tích, cho thấy đối với nhóm hoạt động đầu tư kinh phí để đào tạo huấn luyện nhân viên nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao tay nghề tại đa số các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau còn hạn chế hoặc không có. Nhóm (I) - năng lực đổi mới sáng tạo, thực trạng qua số liệu khảo sát, đánh giá cho thấy có rất ít (01) doanh nghiệp có công nghệ mới được chấp nhận đăng ký hoặc được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Không có doanh nghiệp nào có công nghệ đã được nghiên cứu, phát triển nhưng đang ở mức thử nghiệm hay quy mô phòng thí nghiệm.

Bốn là, đề xuất giải pháp nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.

Với tầm quan trọng của việc ứng dụng KH&CN và lựa chọn đầu tư vào các ngành sản xuất chế biến chủ lực của địa phương, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhóm nghiên cứu đề xuất giai đoạn tiếp theo cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất để ổn định chất lượng, đăng ký nhãn hiệu. Đặc biệt, do đa số các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau có quy mô nhỏ khả năng tái đầu tư vốn, mở rộng đầu tư sản xuất, nâng cấp công nghệ còn hạn chế, nên tỉnh cần tập trung lựa chọn, xác định lại các đối tượng ưu tiên, nâng cao năng lực lan tỏa, để kết nối với doanh nghiệp khác, chuyển tải được các tiến bộ KH&CN, thay đổi danh mục đầu tư dàn trải sang tập trung đầu tư cho một số doanh nghiệp có  quy mô, năng lực trung bình tiên tiến trở nên, có khả năng kết nối với chuỗi cung ứng công nghệ, nâng cấp công nghệ doanh nghiệp từ khâu sản xuất, bảo quản, đóng gói, và tiêu thụ đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nâng tầm giá trị, phát triển nhanh và bền vững.

Giai đoạn tới, Cà Mau cần tiếp tục thực hiện các chương trình KH&CN, ứng dụng chuyển giao, hoàn thiện quy trình công nghệ, sở hữu trí tuệ, nâng cao chất lượng sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP, phát huy thế mạnh của địa phương. Thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, chuỗi sản phẩm; nghiên cứu mô hình hợp tác xã kiểu mới, liên kết chuỗi trong cung ứng nông sản, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản, thủy sản. Xây dựng thương hiệu gắn chặt với truyền thông quảng bá, tạo dựng hình ảnh địa phương, tạo sức lôi cuốn cho tỉnh.

Đặc biệt, để đổi mới công nghệ, Cà Mau cần kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực tài chính phù hợp với điều kiện của địa phương, lan tỏa tinh thần, phát triển kinh tế tuần hoàn và phát triển logistic trong nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tham gia vào cụm liên kết các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm (gồm TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau với Bạc Liêu và Hậu Giang). 

Phong Vũ

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)