Một nghiên cứu kết hợp dữ liệu chất lượng không khí và các báo cáo tự tử ở Trung Quốc đã xác nhận những giả thuyết trước đó rằng, ô nhiễm không khí nặng nề từ giao thông, nhà máy, nhà máy nhiệt điện than và sưởi ấm tại nhà làm tăng nguy cơ tự tử. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kế hoạch của Trung Quốc trong việc làm sạch không khí, được triển khai cách đây một thập kỷ, đã giúp ngăn chặn khoảng 45.970 vụ tự tử từ năm 2013 đến năm 2017.
Tháp Trấn Hải cổ kính ở Hoài An, Trung Quốc bị bao phủ trong “sương mù” do ô nhiễm không khí gây nên (ảnh: Costfoto/Nurphoto).
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng, ô nhiễm không khí có thể gây hại cho sức khỏe thể chất. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi do không khí ô nhiễm dẫn đến khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sức khỏe tâm thần cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Các nghiên cứu về môi trường và sinh học thần kinh ở quy mô nhỏ đã chứng minh rằng, sự tăng đột biến về nồng độ của các hạt có kích thước từ 2,5 micron trở xuống (được gọi là PM2.5), có thể nhanh chóng làm thay đổi tính chất hóa học của não, gây ra sự hung hăng, mất kiểm soát cảm xúc và không có khả năng đối phó với khủng hoảng. Ô nhiễm không khí cũng có liên quan đến trầm cảm, lo lắng, rối loạn tâm thần, rối loạn nhận thức thần kinh, ví dụ như chứng mất trí nhớ.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc đã giảm mạnh: Năm 2010, có 10,88 vụ tự tử trên 100.000 người ở Trung Quốc, nhưng đến năm 2021, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 5,25. Có nhiều yếu tố dẫn đến sự suy giảm này, bao gồm tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị (ở Trung Quốc, gần một nửa tỷ lệ tự tử ở nông thôn), điều kiện sống được cải thiện, cơ hội việc làm ngày càng tăng và những hạn chế trong việc tiếp cận thuốc trừ sâu (uống thuốc trừ sâu được biết đến là cách tự tử phổ biến ở vùng nông thôn châu Á).
Dữ liệu thời tiết được thu thập từ nhiều khu vực trên đất nước Trung Quốc, kết hợp với dữ liệu từ 1.400 máy giám sát ô nhiễm không khí cho thấy, trung bình các quận phải đối mặt với 4-5 đợt đảo nhiệt mỗi tuần. Mỗi lần thường kéo dài 2-3 giờ nhưng có thể tăng mức PM2,5 trung bình hàng tuần lên 1%. Kết hợp những dữ liệu này với gần 140.000 báo cáo tự tử hằng tuần ở cấp quận, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nghịch đảo nhiệt có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ tự tử trong vòng 1 tuần. Một phát hiện đáng chú ý nữa là phụ nữ trên 65 tuổi có nhiều khả năng tự tử do ô nhiễm không khí hơn bất kỳ nhóm nhân khẩu học nào khác.
Nghiên cứu này được đánh giá là một bước tiến lớn so với các nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa PM2.5 và hành vi tự tử. Đặc biệt, nghiên cứu này được thực hiện với quy mô rất lớn, trên toàn bộ đất nước Trung Quốc.
Các nhà khoa học cho biết thêm, họ có kế hoạch nghiên cứu kỹ hơn tỷ lệ tự tử ở các quốc gia Đông Nam Á khác, bởi hầu hết các nghiên cứu về tự tử đã được tiến hành ở Mỹ và châu Âu, tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới hành vi tự tử ở các nước đang phát triển - nơi chúng ta đang chứng kiến những thay đổi về môi trường nhanh chóng nhất, vẫn còn là một ẩn số.
BL (lược dịch theo ScienceAlert)