Bản đồ vật chất được tạo ra từ một trong những mô phỏng vũ trụ. Các khu vực sáng nhất trên bản đồ hiển thị các khu vực có mật độ vật chất tối dày đặc nhất. Chúng tương ứng với các siêu cụm thiên hà. Những mảng tối, gần như đen là những khoảng trống vũ trụ, những khoảng trống lớn giữa các cụm thiên hà (nguồn: Đại học Luân Đôn).
Sử dụng AI để học hỏi từ các mô phỏng vũ trụ trên máy tính đã giúp tăng độ chính xác của các ước tính về những đặc tính chính của vũ trụ lên gấp 2 lần, bao gồm cả mật độ tổng thể của năng lượng tối có thể được suy ra từ bản đồ. Để đạt được sự cải tiến này nếu không có những kỹ thuật AI mới thì sẽ cần lượng dữ liệu nhiều hơn gấp 4 lần. Điều này tương đương với việc cần phải khảo sát lập thêm bản đồ của 300 triệu thiên hà khác.
Việc khảo sát để xây dựng bản đồ năng lượng tối được thực hiện thông qua phương pháp thấu kính hấp dẫn yếu (xem ánh sáng từ các thiên hà xa xôi đã bị bẻ cong như thế nào, bởi lực hấp dẫn của vật chất nào đó đã can thiệp vào trên đường tới Trái đất). Nhóm nghiên cứu đã phân tích sự biến đổi về hình dạng của 100 triệu thiên hà để suy ra sự phân bố của cả vật chất tối và vật chất nhìn thấy được của các thiên hà đó. Bản đồ thu được bao phủ một phần tư bầu trời ở Nam bán cầu.
Năng lượng tối là lực bí ẩn đang đẩy nhanh sự giãn nở của vũ trụ và được cho là chiếm khoảng 70% thành phần của vũ trụ. Trong khi đó vật chất tối - vật chất vô hình có lực hấp dẫn kéo các thiên hà, chiếm khoảng 25% và vật chất thông thường chỉ có 5%.
Nhật Nam (theo phys.org)