Thứ hai, 26/02/2024 15:27

Tan băng ở Bắc Cực giải phóng chất phóng xạ gây ung thư phổi

Lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tan chảy do biến đổi khí hậu có thể giải phóng nhiều radon - một loại khí không màu, không mùi có liên quan đến ung thư phổi.

Biến đổi khí hậu gây tan băng

Khủng hoảng khí hậu không chỉ gây ra hiện tượng nước biển dâng cao, mà còn dẫn đến sự gia tăng các bon trong khí quyển và có lẽ sẽ sớm xảy ra trong vi sinh vật. Lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực đã không ngừng đóng băng bề mặt của Bắc Bán cầu trong 800.000 đến 1 triệu năm. Tuy nhiên, những tác động tàn phá của khí hậu đã và đang tước đi từng vùng băng vĩnh cửu. Ngay cả trữ lượng băng cổ đại bị chôn vùi sâu bên dưới các lớp đá cũng đang dần bị nhiệt độ gia tăng gây ảnh hưởng. Lớp băng vĩnh cửu này đang tan dần và hé lộ những bí mật ẩn giấu. Theo nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực chứa tới 1672 tỷ tấn các bon, cao gấp đôi lượng CO2 trong khí quyển hiện nay. Lượng khí này nếu được giải phóng khi lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tan sẽ làm cho nhiệt độ của Trái Đất tăng lên gây ra hiệu ứng nhà kính và suy giảm tầng ozon, đẩy mạnh sự biến đổi khí hậu theo hướng tiêu cực. Bên cạnh đó, những tảng băng vĩnh cửu tại Bắc Cực cũng ẩn chứa nhiều hóa thạch thời tiền sử, trữ lượng khí thải methane khổng lồ, dòng thủy ngân độc hại và các virus cổ xưa.

Các nhà khoa học cảnh báo lớp băng vĩnh cửu tan có thể giải phóng khí radon phóng xạ.

Trong một nghiên cứu mới công bố tháng 2/2024, các nhà khoa học lưu ý rằng có một loại khí nguy hiểm đang ẩn nấp dưới lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực: radon. Loại khí không màu, không mùi này là một bước trong quá trình phân rã phóng xạ của uranium tự nhiên, đôi khi chúng tích tụ trong các căn nhà, đặc biệt là dưới tầng hầm, do đó làm tăng nguy cơ ung thư phổi lâu dài cho cư dân. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), radon là nguyên nhân gây ung thư phổi đứng thứ hai ở nước này, gây ra hơn 21.000 ca tử vong mỗi năm. Hiện nay, radon không phải lúc nào cũng là vấn đề cấp bách ở các vùng Bắc Cực hoặc gần Bắc Cực, nơi mặt đất vẫn đóng băng quanh năm. Đó là bởi vì lớp băng vĩnh cửu giữ cho khí không thoát ra khỏi đất. Nhưng khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy, lá chắn bảo vệ này biến mất.

Chuyên gia chương trình môi trường về các mối nguy hiểm địa chất tại Phòng Khảo sát Địa chất và Địa vật lý Alaska Paul Goodfellow cho biết, các nhà khoa học đang triển khai một số nghiên cứu để tìm hiểu lớp băng vĩnh cửu này có thể khiến con người tiếp xúc với radon như thế nào. Công việc của ông liên quan đến việc khuyến khích các chủ nhà ở Alaska kiểm tra lượng radon tồn tại trong nhà mình, đây là một thách thức do mật độ dân số thưa thớt của bang. Ông nói, các cộng đồng dân cư ở xa trung tâm có dịch vụ thư tín hạn chế, gây khó khăn cho việc đưa bộ dụng cụ xét nghiệm trở lại phòng thí nghiệm để phân tích.

Nghiên cứu giải pháp vì sức khỏe con người

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tại Trung tâm Điều tra Toàn diện Tài nguyên Thiên nhiên Cáp Nhĩ Tân của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc tập hợp các nghiên cứu trước đây về radon ở các vùng băng vĩnh cửu, bao gồm cả Alaska (Hoa Kỳ) và vùng núi Cáp Nhĩ Tân, một tỉnh ở phía đông bắc Trung Quốc. Họ cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu có khả năng cho phép radon phát tán vào nhà và nơi làm việc. Tuy nhiên, hiện nay nghiên cứu về sự phán tán radon ở các vùng băng vĩnh cửu là chưa đầy đủ.

Chuyên gia năng lượng Art Nash (Trung tâm Dịch vụ Khuyến nông Hợp tác xã Fairbanks - Đại học Alaska) cho biết, băng vĩnh cửu không tan chảy một cách có tổ chức, từ trên xuống dưới. Thay vào đó, nó tan chảy không đều, tạo ra các vết nứt và kẽ hở trên tảng băng dày. Đồng thời, các hoạt động địa chấn thường xuyên xảy ra ở vùng Alaska cũng có thể tạo ra các vết đứt gãy mới trên băng mà radon có thể phát tán qua đó. Từ đó, rất khó để xác định được chính xác vị trí mà radon phát tán để có biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu.

Hiện nay các nhà khoa học đặt ra nhiều câu hỏi về việc radon tương tác như thế nào với các loại khí khác cùng bị giữ lại bên dưới đất đóng băng vĩnh cửu. Loại khí đáng lo ngại nhất là methane. Nếu giải phóng theo số lượng lớn, methane có thể gia tăng nhanh chóng hiện tượng ấm lên toàn cầu. Một loại hóa chất cần lưu tâm khác là metyl thủy ngân, chất gây rối loạn hệ thần kinh có thể tích tụ trong nước và mô động vật trong chuỗi thức ăn. Để xử lý tình trạng này, các trường đại học và cơ quan chính phủ của các quốc gia đang nỗ lực nghiên cứu và đưa ra giải pháp thiết thực.

NMK (theo Live Science)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)