Thứ năm, 14/03/2024 15:15

Cà Mau: Hiệu quả từ mô hình sử dụng Vẹm đất (Vòm) làm thức ăn nuôi cua

Với lợi nhuận thu được đạt bình quân 102.196.000 đồng/ha/vụ, dự án “Sử dụng Vẹm đất (Vòm) làm thức ăn nuôi cua (Scylla paramamosain) bán thâm canh 2 giai đoạn trong ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả” do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN Cà Mau triển khai đã tạo điều kiện cho người dân tận dụng và khai thác được nguồn Vẹm đất sẵn có tại địa phương để làm thức ăn nuôi cua với chi phí thấp, góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng, phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tận dụng loài nhuyễn thể để phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương

KS Nguyễn Quốc Thới - Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN Cà Mau) cho biết, cua biển Cà Mau là sản phẩm thủy sản đặc sản, thuộc thế mạnh và nằm trong nhóm đối tượng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau. Hình thức nuôi chủ yếu hiện nay là kết hợp với nuôi tôm sú, nuôi thâm canh, bán thâm canh. Trong các loại hình nuôi thì nuôi kết hợp có tính bền vững và chất lượng sản phẩm tốt hơn; nuôi thâm canh và bán thâm canh thì tỷ lệ rủi ro cao và chất lượng sản phẩm chưa được đảm bảo an toàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Đầm Dơi nói riêng còn khá nhiều ao nuôi tôm thâm canh đã cũ, canh tác kém hiệu quả do nuôi nhiều vụ nên ao đã bị nhiễm mầm bệnh, phần lớn người dân tận dụng để làm ao lắng, ao chứa thải hoặc bỏ hoang.

Vẹm đất (hay Vòm) là loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, sinh sản và phát triển khá phổ biến trong các ao lắng nước, tuyến kênh, rạch hoặc cửa sông, cửa biển của tỉnh Cà Mau. Trong thịt Vẹm đất có chứa 53,5% protein, 17,6% glucid, 8,6% chất tro... nên hiện nay người dân tự phát sử dụng Vẹm đất để làm thức ăn nuôi các loài thủy sản, trong đó có cua.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có công trình nghiên cứu nào để đánh giá hiệu quả mang lại của việc sử dụng Vẹm đất làm thức ăn cho cua biển. Từ thực trạng trên, năm 2023, Sở KH&CN Cà Mau đã giao Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN phối hợp với UBND xã Tân Duyệt huyện Đầm Dơi triển khai dự án “Sử dụng Vẹm đất (vòm) làm thức ăn nuôi cua (Scylla paramamosain) bán thâm canh 2 giai đoạn trong ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả” với một số mục tiêu cụ thể là sẽ xây dựng mô hình nuôi cua có diện tích 09 ha/09 hộ dân thực hiện (01 ha/hộ). Nuôi giai đoạn 1: mật độ thả giống 1,5 con/m2, tỷ lệ sống ≥20%, cua đạt trọng lượng 100-120 g/con sau 03 tháng nuôi; nuôi giai đoạn 2: mật độ 1 con/m2, tỷ lệ sống đạt ≥5%, cua đạt trọng lượng trung bình ≥250 g/con sau 02 tháng nuôi; năng suất đạt ≥550 kg/ha/vụ, chất lượng cua nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Vẹm đất dùng làm thức ăn nuôi cua.

Kết quả đạt được

Sau 2 năm triển khai, dự án đã xây dựng được mô hình nuôi cua với quy mô diện tích thực hiện 09 ha, có 09 hộ dân tham gia; mật độ thả giống nuôi giai đoạn 1 là 1,5 con/m2; mật độ thả giống nuôi giai đoạn 2 là 1con/m2; tỷ lệ sống trung bình của cua nuôi giai đoạn 1 là 20% (đạt 100% so với mục tiêu của dự án); tỷ lệ sống trung bình của cua nuôi giai đoạn 2 là 76,5% (đạt 102% so với mục tiêu); trọng lượng bình quân của cua nuôi giai đoạn 1 là 128 g/con, thời gian nuôi 03 tháng (đạt 116,3% so với mục tiêu); trọng lượng bình quân của cua nuôi giai đoạn 2 là 332 g/con, thời gian nuôi 02 tháng (đạt 132,8% so với mục tiêu); năng suất thu hoạch bình quân là 657,8 kg/ha/vụ (đạt 119,6%); sản lượng cua thương phẩm thu hoạch được 5.920 kg, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng cua thương phẩm theo yêu cầu của thị trường.

Mô hình nuôi cua bán thâm canh 02 giai đoạn đã giúp các hộ dân tận dụng được diện tích các ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả để sản xuất nhằm tăng thu nhập. Đặc biệt, trong quy trình nuôi, các cán bộ của Trung tâm đã hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, không sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh bị cấm, nên cua thương phẩm có chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, việc sử dụng chế phẩm sinh học còn giúp cải thiện chất lượng môi trường, hạn chế dịch bệnh phát sinh, làm cho mô hình nuôi cua biển phát triển bền vững.

Các cán bộ của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN đang kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua không sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh bị cấm cho người dân tham gia dự án.

Kết quả đạt được cho thấy, mô hình có tính hiệu quả thiết thực, khẳng định sự tác động tích cực của Vẹm đất khi cho cua ăn thông qua việc tăng trọng và lột xác nhanh, cải thiện được tỷ lệ sống của cua nuôi. Quy trình nuôi 02 giai đoạn đã kiểm soát được tỷ lệ sống ở giai đoạn 1 cũng như xác định được số lượng cua nuôi giai đoạn 2; cùng với việc trong giai đoạn 2 nuôi với diện tích nhỏ, mật độ dầy (1 con/m2), từ đó kiểm soát được nguồn thức ăn và các loại vật tư làm giảm chi phí đầu tư cho vụ nuôi.

Ngoài hiệu quả kinh tế (lợi nhuận đạt bình quân 102.196.000 đồng/ha/vụ); dự án còn là mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tận dụng và khai thác được nguồn Vẹm đất có tại địa phương để làm thức ăn nuôi cua với chi phí thấp.

Mô hình đã góp phần phát triển ngành hàng cua biển, nâng cao năng suất, chất lượng cua Cà Mau, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích sản xuất, đặc biệt là tận dụng được các ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả. Dự án đã giúp các hộ dân tham gia cũng như người dân tại địa phương nắm bắt được kỹ thuật nuôi cua bán thâm canh 02 giai đoạn bằng thức ăn Vẹm đất. Thành công của mô hình đã góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng, giữ vững nông thôn mới của huyện Đầm Dơi nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung.

Phong Vũ - Mỹ Duyên

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)