Theo các giáo sư địa chất thực hiện nghiên cứu, các sông băng chứa bọt khí cung cấp các bằng chứng trực tiếp về mức độ CO2 từ 800.000 năm trước. Nhưng những manh mối này không có những thông tin địa chất sâu hơn nữa về quá khứ. Do đó việc nghiên cứu xác định nồng độ CO2 phải dựa vào những manh mối gián tiếp và khó thực hiện hơn.
Những manh mối gián tiếp này bao gồm các đồng vị trong khoáng chất, hình thái của lá cây hóa thạch và các bằng chứng địa chất khác phản ánh tính chất hóa học của khí quyển. Một trong những manh mối gián tiếp thu được là kết quả từ những khám phá nền tảng của nhà địa chất học Thure Cerling, tác giả của nghiên cứu xác định rằng, đồng vị carbon trong đất cổ đại là biểu hiện của mức CO2 trong quá khứ. Khả năng cung cấp thông tin của những manh mối gián tiếp này khác nhau và hầu hết đều bao trùm những lát cắt hẹp của quá khứ.
Dự án nghiên cứu có tên CenCO2PIP, được tổ chức bởi các nhà khoa học khí hậu của Đại học Columbia, Mỹ với sự tham gia của khoảng 90 nhà khoa học từ 16 quốc gia. Các nhà khoa học đã bắt đầu đánh giá, phân loại và tích hợp các manh mối gián tiếp có sẵn để tạo ra biểu đồ có độ chính xác cao về CO2 trong khí quyển, từ đó tái tạo lại thông tin nồng độ CO2 từ 540 triệu năm trước - ở buổi bình minh của sự sống phức tạp. Nguồn thông tin được tổng hợp từ các manh mối gián tiếp tại các kho lưu trữ trầm tích khác nhau, ở đại dương và cả trên đất liền. Đây là điều chưa từng được thực hiện từ trước đến nay.
Nhiệt độ và nồng độ CO2 của khí quyển trong 66 triệu năm qua. Màu đỏ là nhiệt độ cao, màu xanh là nhiệt độ thấp.
Khi bắt đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp, con người đốt than, sau đó là dầu và khí đốt để cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế, lượng CO2 trong khí quyển là khoảng 280 ppm. Khí giữ nhiệt được thải vào không khí khi các nhiên liệu hóa thạch này cháy. Trong tương lai, nồng độ dự kiến sẽ tăng lên 600 đến 1.000 ppm vào năm 2100, tùy thuộc vào tốc độ phát thải trong tương lai. Việc có một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về mức độ CO2 trong quá khứ có thể giúp các nhà khoa học dự đoán chính xác hơn khí hậu trong tương lai sẽ như thế nào. Sự hiểu biết vững chắc về biến đổi CO2 trong khí quyển qua thời gian cũng rất cần thiết để giải mã và học hỏi từ các đặc điểm khác nhau của lịch sử Trái đất. Những thay đổi về CO2 trong khí quyển và khí hậu có thể đã góp phần gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt cũng như những đổi mới về mặt tiến hóa.
Trước đây, Trái đất là nơi ấm áp hơn, nồng độ CO2 cao hơn nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, mức 419 ppm được ghi nhận ngày nay thể hiện sự tăng đột biến và có lẽ là nguy hiểm và chưa từng có trong lịch sử địa chất gần đây. Nói cách khác, hoạt động của con người đã làm thay đổi đáng kể bầu khí quyển chỉ trong vài thế hệ. Kết quả là khí hậu trên toàn cầu đang có những dấu hiệu đáng báo động, chẳng hạn như những cơn bão mạnh, hạn hán kéo dài, những đợt nắng nóng chết người và axit hóa đại dương.
NCM (theo sciencedaily.com)