Ngọn núi ngầm khổng lồ dưới đại dương
Hình ảnh ngọn núi ngầm cao hơn tòa nhà Burj Khalifa.
Vào tháng 11/2023, các nhà nghiên cứu lập bản đồ đáy biển gần Guatemala đã phát hiện một ngọn núi khổng lồ dưới nước, hay còn gọi là núi ngầm, cao gấp đôi tòa nhà cao nhất thế giới là Burj Khalifa.
Ngọn núi có cấu trúc hình nón cao 1.600 m, nằm ở độ sâu 2.400 m dưới bề mặt đại dương, là tàn tích của một ngọn núi lửa dưới nước cổ đại, có diện tích khoảng 14 km2. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nó bằng cách sử dụng sóng siêu âm đa tia trong chuyến đi kéo dài 6 ngày giữa Costa Rica và phía Đông Thái Bình Dương. Núi ngầm dưới biển cung cấp môi trường sống có nhiều đá, đóng vai trò quan trọng cho san hô biển sâu, bọt biển và nhiều động vật không xương sống. Các chuyên gia ước tính có ít nhất 100.000 núi ngầm chưa được khám phá trong các đại dương trên thế giới.
Những cơn sóng nhiệt dưới đáy biển
Các nhà khoa học sử dụng dữ liệu từ các dòng hải lưu để tạo mô hình sóng nhiệt hải dương ở đáy biển.
Trong một nghiên cứu vào tháng 3/2023, các nhà khoa học đã tiết lộ rằng, một số điểm sâu nhất của đại dương có thể đã trải qua những đợt sóng nhiệt chưa từng được biết đến trước đây.
Những sóng nhiệt gần bề mặt đại dương là kết quả của hiện tượng biến đổi khí hậu và các hiện tượng hải dương học như El Nino. Mô hình máy tính sử dụng nhiệt độ bề mặt và dòng hải lưu cho thấy, đáy biển có thể cũng đang trải qua điều mà các nhà nghiên cứu gọi là sóng nhiệt ở đáy biển. Những đợt nắng nóng ở vùng biển sâu này thậm chí có thể cực đoan hơn và kéo dài hơn các đợt sóng nhiệt trên bề mặt đại dương.
Quả cầu vàng bí ẩn
Hình ảnh quả cầu màu vàng bí ẩn.
Vào tháng 9/2023, các nhà nghiên cứu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã thu được một quả cầu vàng bí ẩn từ đáy biển ở vịnh Alaska. Phân tích ban đầu cho thấy nó có nguồn gốc sinh học, nhưng các nhà khoa học không biết đây là vật thể gì.
Các nhà nghiên cứu đã vớt quả cầu vàng từ một ngọn núi cao khoảng 3.300 m nằm dưới biển bằng phương tiện điều khiển từ xa. Vật thể bí ẩn có chiều ngang khoảng 10 cm và dường như được gắn vào một tảng đá. Khi được kéo lên khỏi mặt nước, nó mất phần lớn cấu trúc và tan chảy thành một đống nhầy nhụa.
Các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về việc quả cầu đó là gì, một số cho rằng đó là một quả trứng và những người khác nghi ngờ đó là một miếng bọt biển, trong khi những người khác lưu ý rằng nó có thể là một thứ hoàn toàn khác.
Núi lửa phủ trứng
Hình ảnh hàng triệu quả trứng bao phủ ngọn núi lửa mới được phát hiện.
Vào tháng 07/2023, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một ngọn núi lửa dưới biển sâu ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Canada và phát hiện ra rằng nó vẫn còn hoạt động. Điều đặc biệt hơn nữa là nó được bao phủ bởi hàng triệu quả trứng có kích thước bằng quả bóng đá.
Ngọn núi lửa ngầm này cao 1.100 m so với đáy biển, đang phun ra dòng nước ấm, giàu dinh dưỡng, duy trì hệ sinh thái thịnh vượng gồm san hô biển sâu và vườn ươm cho cá đuối trắng Thái Bình Dương (đây là loài ít được biết đến và hiếm gặp, có họ hàng với cá đuối và cá mập). Những con cá đuối trắng đã đẻ vô số quả trứng hình thon dài trên ngọn núi. Các nhà khoa học ước tính có thể có từ 100.000 đến hơn một triệu quả trứng trong khu vực.
Rò rỉ khí mê tan ở biển Baltic
Bong bóng khí mê tan đang nổi lên từ đáy biển Baltic.
Trong tháng 08/2023, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một "vết rò rỉ" khí mê tan khổng lồ, khó hiểu, xuất phát từ đáy điểm sâu nhất ở Biển Baltic. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, loại khí nhà kính này đang sủi bọt khắp nơi từ một khu vực có diện tích khoảng 20 km2, ở độ sâu khoảng 400 m. Bong bóng khí mêtan ở khu vực này nổi lên từ đáy biển tới những tầng nước trên cao hơn nhiều so với bong bóng khí mê tan ở những khu vực biển khác trên toàn cầu. Thông thường, khí mê tan hòa tan ở vùng nước sâu và hiếm khi di chuyển xa hơn vài trăm mét so với đáy biển. Nhưng khí bốc lên từ khu vực này đã đạt tới tầng nước khoảng 20 m dưới bề mặt nước biển, hiện tượng này là "hoàn toàn mới".
Các nhà nghiên cứu cho rằng, khí mê tan hình thành từ các chất hữu cơ đang phân hủy dưới đáy biển, nhưng không rõ tại sao lại có nhiều khí mê tan như vậy và tại sao nó lại dâng cao trong môi trường nước biển này như vậy.
Phát hiện loài cá sống sâu nhất từ trước đến nay
Hình ảnh hàng tá những con cá ốc sống ở rãnh sâu của đại dương gần Nhật Bản
Vào tháng 04/2023, các nhà khoa học đã công bố những thước phim về một nhóm cá trắng kỳ lạ bơi quanh đáy biển ở độ sâu hơn 8 km, dưới những con sóng ở một trong những rãnh sâu nhất thế giới.
Loài cá ốc chưa được xác định, có khả năng thuộc chi Pseudoliparis, được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu sử dụng thiết bị điều khiển từ xa ở rãnh Izu-Ogasawara gần Nhật Bản, ở độ sâu 8.336 m. Đây là loài cá được phát hiện sống sâu hơn bất kỳ loài cá nào từng được thấy trước đây. Áp lực mạnh ở độ sâu này sẽ đè bẹp hầu hết các loài cá. Nhưng loài cá ốc này đã thay thế vảy của chúng bằng một lớp sền sệt giúp hấp thụ áp lực. Cá ốc cũng chứa các chất hóa học đặc biệt bảo vệ chúng ở cấp độ tế bào.
Trong cùng chuyến thám hiểm, các nhà nghiên cứu đã bẫy và kéo được hai con cá ốc ở khu vực khác gần đó, tại độ sâu 8.022 m, khiến chúng trở thành loài cá sống sâu nhất từng được con người bắt gặp.
Rạn san hô biển sâu
Hình ảnh san hô ở độ sâu 300 m dưới bề mặt nước biển
Trong chuyến thám hiểm kéo dài 30 ngày ngoài khơi bờ biển Ecuador, các nhà thám hiểm đại dương đã phát hiện một cặp rạn san hô biển sâu nguyên sơ gần Quần đảo Galápagos. Các rạn san hô nằm ở độ sâu khoảng 300 m bên dưới bề mặt đại dương, sâu hơn nhiều so với hầu hết các rạn san hô mà chúng ta đã biết, tại đây các nhà thám hiểm cũng tìm thấy hai rạn san hô khác lớn hơn, có chiều dài hơn 800 m.
Các rạn san hô này phong phú về các loài san hô đá và chúng có thể đã phát triển mạnh ở đó hàng nghìn năm. Chúng là nhà của rất nhiều sinh vật khác như động vật giáp xác, hải quỳ, sao giòn và nhím. Đoàn thám hiểm cũng xác nhận sự tồn tại của hai núi ngầm ở khu vực gần đó, mà trước đó các nhà khoa học đã phát hiện được qua dữ liệu vệ tinh.
Vùng biển sâu hoang sơ đang bị đe dọa
Hình ảnh các sinh vật chưa được biết đến ở vùng biển sâu Clarion-Clipperton.
Trong một nghiên cứu hồi tháng 05/2023, các nhà nghiên cứu phát hiện vùng Clarion-Clipperton (vùng biển có đáy trải dài từ Mexico đến Hawaii, rộng khoảng 6 triệu km2, gấp khoảng 3,5 lần diện tích Alaska), được bao phủ bởi các cục nhỏ hình cầu có kích thước bằng củ khoai tây, rất giàu các kim loại đang được con người quan tâm như mangan, coban, niken, cũng như hàm lượng nhỏ các nguyên tố đất hiếm rất có giá trị.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 100.000 mẫu vật riêng lẻ được thu thập từ khu vực này và ước tính khoảng 90% loài mà họ xác định được có thể là loài mới đối với khoa học. Việc khai thác dưới biển sâu, có thể bắt đầu diễn ra trong vài năm tới, có thể đe dọa tất cả các loài này.
Thế giới ngầm ẩn giấu
Các miệng phun thủy nhiệt có những hệ sinh thái biển sâu đa dạng sinh học
Vào tháng 08/2023, các nhà khoa học đã khám phá khu vực miệng phun thủy nhiệt ở Thái Bình Dương với hệ sinh thái đa dạng bị chôn vùi bên dưới các núi lửa nhỏ hình nón.
Các miệng phun thủy nhiệt nằm ở sườn Đông của Thái Bình Dương gần Trung Mỹ. Dù đã được nghiên cứu trong hơn 40 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu quan sát được bên dưới miệng phun bằng cách cạo sạch trầm tích đáy đại dương với cánh tay robot điều khiển từ xa. Họ đã phát hiện ra sự đa dạng của các sinh vật bao gồm giun, ốc sên và bạch tuộc sống sâu. Khám phá này thực sự đáng chú ý về một hệ sinh thái mới, ẩn bên dưới một hệ sinh thái khác, cung cấp bằng chứng mới cho thấy sự sống tồn tại ở những nơi đáng kinh ngạc.
Bản đồ núi lửa đáng kinh ngạc
Hình ảnh mô phỏng những ngọn núi lửa dưới đáy đại dương.
Vào tháng 04/2023, các nhà nghiên cứu đã công bố một bản đồ đáng kinh ngạc về hơn 19.000 ngọn núi lửa dưới nước trên toàn cầu, hầu hết đều mới được phát hiện. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu radar từ nhiều vệ tinh để hoàn thành bản đồ. Các vệ tinh tìm kiếm những sai lệch nhỏ về trọng lực do các núi ngầm tạo ra và có thể phát hiện các gò núi ngầm này khi chúng có độ cao khoảng 1.100 m. Bản đồ có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về dòng hải lưu, mảng kiến tạo và biến đổi khí hậu.
Nhật Nam (theo livescience.com)