Thăm dò các mặt trăng của sao Mộc
Ngày 14/04/2023, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phóng thành công tàu thăm dò Jupiter Icy Moons Explorer phục vụ sứ mệnh khám phá một số mặt trăng của sao Mộc. Con tàu này sẽ mất khoảng 8 năm cho hành trình đi đến những địa điểm cần khám phá, bao gồm mặt trăng Europa, Ganymede và Callisto. Tàu thăm dò sẽ phải bay qua những mặt trăng này nhiều lần trước khi đi vào quỹ đạo quanh Ganymede. Việc thăm dò kỹ lưỡng những mặt trăng này sẽ giúp xác minh xem chúng có chứa các đại dương nước dạng lỏng bên dưới lớp vỏ băng giá hay không; đồng thời đánh giá xem liệu những vùng biển ngầm này có thể tồn tại sự sống hay không.
Kính viễn vọng không gian Euclid
Ngày 1/07/2023, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phóng thành công kính viễn vọng không gian Euclid. Mục đích của Euclid là tạo ra bản đồ 3 chiều về vũ trụ để giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về vật chất tối - chất bí ẩn chiếm phần lớn vật chất trong vũ trụ và năng lượng tối (là một loại lực chưa biết đang đẩy nhanh quá trình giãn nở của vũ trụ). Vào tháng 11/2023, kính thiên văn này đã gửi về những hình ảnh đầy màu sắc, đẹp rực rỡ về các thiên hà xa xôi.
Hình ảnh minh họa kính viễn vọng Euclid trong không gian.
Sứ mệnh Chandrayaan-3
Ngày 23/08/2023, tàu đổ bộ Vikram trong sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã đáp xuống gần cực nam của Mặt trăng và là tàu vũ trụ đầu tiên làm được điều này. Vikram và tàu thám hiểm của nó (được đặt tên là Pragyan) có nhiệm vụ thực hiện các phép đo, thu thập thông tin về nhiệt độ và thành phần hóa học của bề mặt. Dữ liệu này rất hữu ích đối với các cơ quan không gian có ý định đưa phi hành gia đến cực nam Mặt trăng - một khu vực đầy thách thức và có khả năng chứa nước dạng đóng băng trong các miệng núi lửa bị che khuất. Nhiệm vụ kết thúc vào đầu tháng 9/2023 khi Vikram và Pragyan chuyển sang chế độ ngủ.
Hình ảnh tàu đổ bộ Vikram trên mặt trăng, được chụp bởi tàu thăm dò Pragyan.
Sứ mệnh OSIRIS-REx
Ngày 24/09/2023, sau khi thu thập đá từ tiểu hành tinh Bennu vào tháng 10/2020, tàu vũ trụ OSIRIS-REx của NASA đã bay ngang qua Trái đất để thả mẫu vật xuống mặt đất. Khoảng 250 gram mẫu vật từ Bennu đã được thả bằng dù và đáp xuống Trái đất an toàn trong một thiết bị bảo vệ. Cho đến nay, các nhà khoa học đã phân tích một số vật liệu dính bên ngoài hộp đựng mẫu vật này. Những phần này của Bennu cho thấy thành phần chủ yếu bao gồm các khoáng chất đất sét chứa nước - có lẽ cùng loại khoáng chất đã khiến Trái đất trở thành một thế giới đầy nước. Tính đến đầu tháng 12, việc kiểm tra phần lớn mẫu vật vẫn chưa bắt đầu. Các nhân viên của NASA vẫn chưa thể tháo được hai chốt giữ kín hộp đựng mẫu. Trong khi đó, sứ mệnh tiếp tục dưới cái tên mới - OSIRIS-APEX, khi tàu vũ trụ du hành đến tiểu hành tinh Apophis trong năm 2029.
Hộp đựng mẫu vật từ tiểu hành tinh Bennu.
Sứ mệnh Psyche
Ngày 13/10/2023, NASA đã phóng thành công tàu thăm dò tiểu hành tinh Psyche. Dự kiến đến năm 2029 tàu không gian mới đến được mục tiêu. Psyche là một tiểu hành tinh lớn nhất trong số những tiểu hành tinh giàu kim loại được biết đến cho tới nay trong Hệ mặt trời, và được cho là phần lõi còn lại của một hành tinh sơ khai đã mất các lớp bên ngoài. Nghiên cứu Psyche có thể là cách các nhà khoa học tiến gần nhất đến việc kiểm tra trực tiếp trái tim mà bình thường không thể tiếp cận được của một hành tinh.
Hình minh họa tiểu hành tinh Psyche giàu kim loại.
Sứ mệnh Lucy
Ngày 01/11/2023, sau 2 năm ở trong vũ trụ, tàu vũ trụ Lucy của NASA đã bay ngang qua tiểu hành tinh đầu tiên. Nhiệm vụ của Lucy là tiếp cận ở khoảng cách gần với 10 tiểu hành tinh trong khoảng thời gian 10 năm. Mục tiêu đầu tiên của nó là thăm dò 2 tiểu hành tinh - một tiểu hành tinh lớn được đặt tên là Dinkinesh và một tiểu hành tinh nhỏ hơn quay quanh nó, được gọi là Tagalong. Hai hành tinh này nằm trong vành đai tiểu hành tinh chính, giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Tuy nhiên mục tiêu chính của Lucy là các tiểu hành tinh Trojan - chúng có chung đường đi quanh Mặt trời với Sao Mộc. Việc nghiên cứu những tảng đá không gian có thể đưa ra manh mối mới về nguồn gốc của các hành tinh khổng lồ trong Hệ mặt trời của chúng ta.
Hình ảnh hai tiểu hành tinh được thăm dò.
Nhật Nam (theo Sciencenews.org)