Thứ hai, 18/12/2023 15:36

Hơn 10.000 bài nghiên cứu bị rút đăng trong năm 2023

Số bài nghiên cứu bị rút đăng trong năm 2023 đã vượt qua 10.000 - phá kỷ lục của các năm trước. Một phân tích của Nature cho thấy các quốc gia: Ả Rập Saudi, Pakistan, Nga và Trung Quốc có tỷ lệ bài bị rút đăng cao nhất trong hai thập kỷ gần đây.

Phần lớn số bài nghiên cứu bị rút lại trong năm 2023 là từ các tạp chí thuộc sở hữu của Hindawi - một công ty con thuộc Nhà xuất bản Wiley có trụ sở tại London (Anh). Tính đến giữa tháng 12 năm nay, tổng số bài báo do Hindawi công bố bị rút lại là hơn 8.000 bài, với những lý do như: vi phạm quy trình bình duyệt, nhiều tài liệu tham khảo không liên quan trong bài báo, bài báo có chất lượng thấp, có dấu hiệu gian lận...

Số bài nghiên cứu bị rút lại năm 2023 đã tăng lên mức kỷ lục

Vào ngày 6/12/2023, Wiley đã thông báo rằng, họ sẽ ngừng hoàn toàn việc sử dụng thương hiệu Hindawi, trước đó họ đã hủy bỏ bốn tựa sách do Hindawi phát hành và đến cuối năm 2022, tạm dừng xuất bản số đặc biệt. Matthew Kissner - Giám đốc điều hành tạm thời của Wiley cho biết: do những vấn đề này, nhà xuất bản dự kiến sẽ mất 35-40 triệu USD doanh thu trong năm tài chính 2023.

Người phát ngôn của Wiley nói rằng, Nhà xuất bản này sẽ còn tiếp tục rút thêm các bài nghiên cứu đã đăng, dù không nói rõ con số là bao nhiêu; đồng thời cho biết, Wiley đã đưa ra các quy trình nghiêm ngặt hơn để xác nhận danh tính của các biên tập viên khách mời và giám sát các bản thảo, loại bỏ “hàng trăm” tác nhân xấu (một số người trong số họ đã giữ vai trò biên tập viên khách mời) khỏi hệ thống của mình và mở rộng quy mô của đội ngũ liêm chính. Họ cũng đang “theo đuổi các biện pháp hợp pháp” để chia sẻ dữ liệu về những cá nhân không đáng tin cậy với các nhà xuất bản, các nhà cung cấp công cụ và cơ sở dữ liệu khác.

Guillaume Cabanac, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Toulouse, Pháp, người theo dõi các vấn đề trong bài báo cho biết, các bài báo bị rút lại của Hindawi có thể hầu hết là các bài báo giả mạo, nhưng chúng vẫn được trích dẫn tới hơn 35.000 lần. Nhiều bài báo đã sử dụng các mánh khóe để trốn tránh phần mềm kiểm tra độ trùng lặp và các dấu hiệu sử dụng trí tuệ nhân tạo

Trong số các quốc gia đã xuất bản hơn 100.000 bài báo trong hai thập kỷ qua, phân tích của Nature cho thấy Ả Rập Saudi có tỷ lệ rút lại cao nhất, 30/10.000 bài báo (không bao gồm số lần rút lại của các tài liệu hội nghị).

Các quốc gia có tỷ lệ bài nghiên cứu bị rút lại cao nhất

Tổ chức có số lần rút lại bài nghiên cứu cao nhất trong hai thập kỷ gần đây là Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE), với hơn 10.000 bài. Hầu hết những bài bị loại bỏ đều được xuất bản từ năm 2010 đến năm 2011.

Các nhà điều tra liêm chính cho biết, cho đến nay, khoảng 50.000 lần rút lại được ghi nhận trên khắp thế giới. Tuy nhiên đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Số lượng các bài nghiên cứu được sản xuất bởi các “nhà máy giấy - các doanh nghiệp bán tác phẩm không có thật và quyền tác giả cho các nhà khoa học” được ước tính lên tới hàng trăm nghìn.

Nhật Nam (theo nature.com)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)