Thứ sáu, 12/01/2024 14:46

Vắc-xin ngừa COVID-19 qua đường mũi có khả năng miễn dịch lâu hơn?

Mới đây, các nhà khoa học từ Trường Y Duke thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã chứng minh rằng, sử dụng vắc-xin COVID-19 dưới dạng thuốc xịt mũi, thay vì tiêm dưới da, có thể giúp tăng cường hiệu quả của vắc-xin.

Các nhà nghiên cứu đã phát triển một loại vắc-xin ngừa COVID-19 qua mũi có khả năng bảo vệ lâu, tốt hơn so với đường tiêm (ảnh minh họa).

Hiện nay, việc tiêm phòng vắc-xin COVID-19 đã giúp giảm đáng kể số ca lây nhiễm, tỷ lệ nhập viện, tử vong, tuy nhiên, sự gia tăng của các biến thể cùng số lượng ca nhiễm mới đang cho thấy những hạn chế về thời gian bảo vệ của các loại vắc-xin hiện tại.

Trong bối cảnh đó, một nhóm các nhà khoa học tại Trường Y Duke thuộc NUS đã phát hiện ra một loại vắc-xin tiềm năng dùng qua đường mũi có khả năng miễn dịch chống lại vi-rút SARS-CoV-2 lâu hơn so với dạng tiêm. Bằng cách kích hoạt phản ứng miễn dịch trực tiếp tại thời điểm xâm nhập, loại vắc-xin mới này giúp tăng cường “trí nhớ miễn dịch” lâu dài của vi-rút, từ đó giảm nhu cầu tiêm nhắc lại.

Sau khi thử nghiệm loại vắc-xin mới này trên chuột đồng, nhóm nghiên cứu đã so sánh phản ứng miễn dịch khi tiêm vắc-xin qua đường mũi và dưới da, cũng như khả năng miễn dịch từ vắc-xin có và không sử dụng chất bổ trợ (các chất được thêm vào vắc-xin để tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể). Kết quả được công bố trên Tạp chí eBioMedicine cho thấy, việc sử dụng vắc-xin qua đường mũi đã làm tăng phản ứng kháng thể ở niêm mạc. Đặc biệt, nó còn tăng cường khả năng bảo vệ miễn dịch toàn thân và niêm mạc lâu hơn thông qua việc kích thích phản ứng của các tế bào miễn dịch - tế bào T thường trú trong đường thở và tế bào T ghi nhớ (Memory T cells). Tế bào ghi nhớ T đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khi tái tiếp xúc với vi-rút. Chúng tăng cường trí nhớ của hệ thống miễn dịch, từ đó tạo ra phản ứng miễn dịch để bảo vệ cơ thể.   

Bên cạnh đó, việc sử dụng tá dược trong vắc-xin để thúc đẩy phản ứng miễn dịch có ảnh hưởng đến đặc điểm của tế bào T, cũng như sự kích hoạt và sản xuất cytokine (các protein nhỏ điều chỉnh sự giao tiếp của tế bào và kiểm soát tình trạng viêm), với các tá dược khác nhau sẽ dẫn đến các tác dụng khác nhau.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, immunoglobulin G (IgG) (kháng thể phổ biến nhất ở người và là kháng thể bảo vệ chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và vi-rút) có hiệu quả tốt hơn trong việc vô hiệu hóa các biến thể vi-rút, bao gồm cả những biến thể mới xuất hiện, khi được tạo ra thông qua đường mũi. Những khám phá này cung cấp bằng chứng khoa học quan trọng cho thấy, phản ứng miễn dịch với COVID-19 được cải thiện từ cả tế bào T và kháng thể IgG sẽ giúp bảo vệ tốt hơn và lâu dài hơn khi sử dụng vắc-xin qua đường mũi.

Nhóm nghiên cứu đã nộp một bằng sáng chế liên quan đến việc phát triển thành phần vắc-xin được bào chế để phân phối qua niêm mạc. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Y Duke, Bộ Giáo dục Singapore, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Singapore và Quỹ tài trợ DBT-BIRAC.

BL (theo Trường Y Duke-NUS)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)