Thứ năm, 21/12/2023 09:20

Chuyển đổi số báo chí năm 2023: Phần lớn các cơ quan báo chí ở mức yếu

Chuyển đổi số báo chí (CĐSBC) nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp Cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Năm 2023, lần đầu tiên, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành CĐSBC với 5 mức: Xuất sắc, Tốt, khá, Trung bình và Yếu. Kết quả cho thấy cần có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan báo chí về vấn đề này: 63,00% là ở mức yếu.

Trụ cột và chỉ số

Theo Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ngày 02/06/2023 ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐSBC thì mô hình đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, bao gồm một bảng các chỉ số với 5 trụ cột: (1) Chiến lược; (2) Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin; (3) Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; (4) Độc giả, khán giả, thính giả; (5) Mức độ ứng dụng công nghệ số.

Trong mỗi trụ cột có các chỉ số thành phần, trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí (10 chỉ số thành phần và 42 tiêu chí). Trụ cột Chiến lược gồm 02 chỉ số thành phần: Chỉ số chiến lược/kế hoạch/chương trình (3 tiêu chí); Chỉ số tài chính (3 tiêu chí). Trụ cột Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin gồm 03 chỉ số thành phần: Chỉ số Hạ tầng số (2 tiêu chí); Chỉ số nền tảng số (11 tiêu chí); Chỉ số an toàn thông tin (6 tiêu chí). Trụ cột Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn có 02 chỉ số thành phần: Chỉ số Sự đồng nhất về tổ chức (3 tiêu chí); Chỉ số Sự đồng nhất về chuyên môn (4 tiêu chí). Trụ cột Độc giả, khán giả, thính giả gồm 02 chỉ số thành phần: Chỉ số Quản lý trải nghiệm của độc giả, khán giả, thính giả (3 tiêu chí); Chỉ số Trải nghiệm của độc giả, khán giả, thính giả (4 tiêu chí). Trụ cột Mức độ ứng dụng công nghệ số gồm 01 chỉ số thành phần (03 tiêu chí).

Mức độ trưởng thành CĐSBC của các cơ quan báo chí được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 5 trụ cột và được xếp loại như sau: Mức 1: dưới 50 điểm (mức Yếu); Mức 2: từ 50 đến dưới 60 điểm (mức Trung bình); Mức 3: từ 60 đến dưới 70 điểm (mức Khá); Mức 4: từ 70 đến 80 điểm (mức Tốt); Mức 5: trên 80 điểm (mức Xuất sắc). Tổng thang điểm đánh giá đạt tối đa của chỉ số đo lường mức độ trưởng thành CĐSBC của các cơ quan báo chí là 100 điểm, trong đó thang điểm tối đa của các trụ cột như sau: Chiến lược: 18 điểm; Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin: 24 điểm; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn: 20 điểm; Độc giả, khán giả, thính giả: 23 điểm; Mức độ ứng dụng công nghệ số: 15 điểm

Kết quả đánh giá và những tồn tại cần khắc phục

Báo cáo của Cục Báo chí cho biết, đến ngày 30/11/2023, cả nước có 882 cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình được chia thành 4 Khối sau: 1) Khối báo chí địa phương (bao gồm báo, tạp chí thuộc tỉnh, thành phố, tạp chí thuộc hội văn học nghệ thuật của các địa phương): 143 đơn vị; 2) Khối báo chí trung ương (Khối Đảng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, hội trung ương, cơ quan thuộc tập đoàn, tổng công ty, nhà xuất bản): 347 đơn vị; 3) Khối đài (bao gồm: cơ quan hoạt động phát thanh (báo nói), truyền hình (báo hình): 72 đơn vị; 4) Khối Tạp chí Khoa học: 320 đơn vị.

Nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí trên cả nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Cục Báo chí (đầu mối Trung tâm Hỗ trợ CĐSBC) triển khai Chương trình tập huấn, hướng dẫn cho các cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình sử dụng công cụ phần mềm và áp dụng Bộ Chỉ số đúng cách để thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành CĐSBC bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến vào tháng 8 và tháng 10/2023.

Mỗi cơ quan báo chí được cấp 01 tài khoản tập huấn cho người đứng đầu đơn vị. Người được phân công nhập liệu của đơn vị (là người được lãnh đạo đơn vị ủy quyền) sẽ sử dụng tài khoản tập huấn để thực hành trên máy. Nếu bài thực hành đạt kết quả chính xác trùng khớp đáp án được công bố thì cơ quan báo chí đó được cấp chứng nhận hoàn thành tập huấn và được cấp tài khoản chính thức để tiến hành khai báo số liệu và tự thực hiện đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐSBC. Năm 2023 đã có 339 cơ quan báo chí hoàn thành đạt yêu cầu và được cấp tài khoản chính thức để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành CĐSBC năm 2023 cho đơn vị mình.

Top 10 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc là: Đài Truyền hình Việt Nam, Báo VnExpress, Báo Lao động, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Điện tử VIETNAMPLUS, Báo VietnamNet, Báo Điện tử VTC NEWS, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Người Lao động.

Đánh giá của Cục Báo chí cho thấy, mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí ở mức Yếu chiếm tỷ lệ cao nhất (63,00%), tiếp đến là mức Khá (13,19%), mức Trung bình (12,09%), mức Tốt (8,06%), mức xuất sắc (3,66%).

Đối với mức Xuất sắc, Khối trung ương chiếm 50,00%, Khối đài chiếm 40,00% và Khối địa phương chiếm 10%. Mức Tốt: Khối đài chiếm 40,91%, Khối trung ương chiếm 31,82%, Khối địa phương 22,77%. Mức Yếu tập trung nhiều nhất ở Khối tạp chí khoa học chiếm 45,53%, Khối trung ương chiếm 31,82%, Khối địa phương chiếm 17,44%, Khối đài chiếm 12,79%.

Kết quả đánh giá mức độ trưởng thành CĐSBC cũng đưa ra một số vấn đề cụ thể sau: 1) Chỉ có 30,92% cơ quan báo chí tham gia khảo sát nhưng gồm có nhiều cơ quan báo chí lớn, chiếm hơn 85% thị phần người đọc, xem, nghe và chiếm hơn 90% thị phần quảng cáo trên báo đài cả nước; 2) Nhận thức về tầm quan trọng của CĐSBC của lãnh đạo không ít cơ quan báo chí còn ở mức thấp (tỷ lệ báo chí chưa hoàn thành tập huấn: 61,56%, tỷ lệ báo chí chưa tham gia thực hiện việc tự đánh giá: 69.05%, người đứng đầu cơ quan là người chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số: 34,8%, cơ quan báo chí đã xây dựng chiến lược/kế hoạch/chương trình CĐSBC của cơ quan: 43,59%); 3) So với khối báo, khối đài CĐSBC nhanh hơn do yêu cầu về số hoá ngành truyền hình (mức độ yếu của khối các đài chỉ chiếm 12,79%); 4) Mức độ quan tâm của chủ quản đối với việc đầu tư cho CĐSBC còn ở mức thấp (25,27% cơ quan báo chí được chủ quản bố trí nguồn kinh phí CĐSBC); 5) Đa số cơ quan báo chí chưa thực hiện thu phí hoặc có thu phí nhưng hiệu quả kinh tế thấp, chưa hỗ trợ lại cho hoạt động của báo (2,56% báo chí có thu phí; tỷ lệ tăng doanh thu sau CĐSBC còn thấp: 15,02%); 6) Ít quan tâm đến việc nâng cao trải nghiệm cho độc giả, khán giả, thính giả (16,12%); 7) Chưa quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo an toàn thông tin (định kỳ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định chỉ chiếm 10,26%); 8) Ít quan tâm đến bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trên không gian mạng (chỉ có 4,03% cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ để phát hiện, hỗ trợ ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí); 9) Tỷ lệ cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ số để tối ưu hoá quy trình sản xuất tin bài còn ở mức thấp (ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ của tòa soạn và các bộ phận khác để tối ưu hóa hoạt động chỉ chiếm 12,82%; có ứng dựng hệ thống quản trị nội bộ CMS: 19,78%; có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung: 16,72%).

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)