Thứ năm, 21/12/2023 15:21

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Nhằm xác định thực trạng, tăng cường nhận thức về chuyển đổi số của doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các khuyến nghị/giải pháp theo lộ trình chuyển đổi số phù hợp với năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp… đây là những chia sẻ tại Lễ công bố Bộ công cụ đánh giá chuyển đổi số ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu để doanh nghiệp hội nhập và phát triển

Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh truyền thống sang mô hình doanh nghiệp ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là các công nghệ mới như công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình sản xuất - kinh doanh trong doanh nghiệp.

Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đồng thời cũng khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện trạng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn chậm. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp gặp rào cản lớn về chi phí đầu tư, trình độ công nghệ, chưa nắm được thông tin về các giải pháp và công nghệ hiện có và mức độ phù hợp với doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn thiếu chuyên gia, nhân lực nội bộ am hiểu về công nghệ số và tâm lý ngại thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống.

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội số. Trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp… góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa là yêu cầu then chốt trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Ở Việt Nam, xét về mức độ đóng góp vào GDP của các ngành kinh tế, số liệu thống kê từ 2015 đến nay cho thấy, cơ cấu nền kinh tế đang có sự chuyển đổi tích cực theo hướng công nghiệp hóa, với sự giảm dần của nông nghiệp và tăng dần của công nghiệp và dịch vụ. Các ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế gồm chế biến chế tạo, nông nghiệp, bán buôn - bán lẻ và khoáng sản.

Để hội nhập và phát triển, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển nhằm góp phần xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, hiện đại. Quá trình chuyển đổi số trong ngành chế biến, chế tạo cần nhiều sự nỗ lực, khuyến khích và quan tâm hơn nữa của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và mọi thành phần xã hội.

Thúc đẩy mô hình sản xuất thông minh và bền vững

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa cung ứng, cũng như tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nội lực nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới của các tập đoàn đa quốc gia. Chính vì vậy, việc xây dựng Bộ công cụ đánh giá chuyển đổi số sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm xác định thực trạng của doanh nghiệp; đồng thời cung cấp thông tin chuyên sâu và tăng cường nhận thức về chuyển đổi số trong quá trình triển khai đánh giá; để từ đó doanh nghiệp dễ dàng triển khai các khuyến nghị/giải pháp theo lộ trình chuyển đổi số dài hạn phù hợp với năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp.

IFC và Cục Công nghiệp hợp tác phát triển trong khuôn khổ Chương trình thí điểm chuyển đổi số, Bộ công cụ này kết hợp các thông lệ tốt nhất của quốc tế và khu vực, đánh giá chuyển đổi số của doanh nghiệp trên 07 lĩnh vực chính bao gồm: chiến lược và lãnh đạo, con người và văn hóa công ty, khách hàng, vận hành, sản xuất, công nghệ kỹ thuật số và bảo mật, phát triển bền vững. Bộ công cụ là cơ sở quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo và là cơ sở để Bộ Công Thương cùng các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan thúc đẩy hơn nữa hoạt động chuyển đổi số cho các nhà cung ứng nội địa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Thomas Jacobs - Giám đốc quốc gia IFC tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, bộ công cụ này thể hiện một bước tiến quan trọng đối với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trên hành trình hướng tới chuyển đổi số, tập trung ngày càng nhiều vào tính bền vững, góp phần quan trọng trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và cải thiện liên kết vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là bộ công cụ đầu tiên ở Việt Nam tích hợp đánh giá việc số hóa quá trình chuyển đổi xanh và áp dụng các thực tiễn sản xuất bền vững của doanh nghiệp. Thông qua việc áp dụng chuyển đổi số theo hướng sản xuất bền vững, các nhà cung cấp có thể xây dựng quy trình hiệu quả, tăng cường việc giảm phát thải, cũng như tuân thủ các yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị của nhà nước và khách hàng.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)