Thứ hai, 11/12/2023 16:13

Cần Thơ: Nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN

TS Ngô Anh Tín

Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ

Những năm gần đây, để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn, Cần Thơ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, thiết bị…, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ

Với quan điểm xem doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH&CN, Sở KH&CN Cần Thơ đã tham mưu UBND TP han hành, triển khai kịp thời, đồng bộ các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đổi mới công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh. Theo đó, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 20301 (Chương trình) đã xét duyệt hỗ trợ cho 35 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, chế biến sản phẩm gỗ, công nghệ thông tin, môi trường… đổi mới công nghệ, thiết bị với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước là 10,5 tỷ đồng, huy động được 36,2 tỷ đồng vốn đối ứng của doanh nghiệp (chiếm trên 70% tổng kinh phí thực hiện dự án). Với sự hỗ trợ từ Chương trình, nhiều doanh nghiệp đã bước đầu thành công trong việc đổi mới công nghệ, nâng tầm giá trị doanh nghiệp, năng suất lao động trung bình tăng khoảng 2 lần, doanh thu của các doanh nghiệp tăng từ 30-50%, lợi nhuận tăng khoảng 25% so với trước. Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của TP Cần Thơ  đã xét duyệt hỗ trợ cho 82 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất - kinh doanh như: ISO 9001, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17025, ISO/IEC 17065, ISO 50001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, VietGAP...; đồng thời đã đào tạo những kiến thức chuyên sâu về nâng cao năng suất, chất lượng và sở hữu trí tuệ cho hơn 5.900 lượt học viên thuộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP

Bên cạnh đó, Sở KH&CN TP Cần Thơ đã triển khai sâu rộng và tham mưu các chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước. Cụ thể là Chương trình phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đến năm 2030 (Quyết định số 3032/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của UBND TP), Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ (Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của HĐND TP)… Theo đó, Sở KH&CN đã hỗ trợ triển khai 09 nhiệm vụ KH&CN với mục tiêu thúc đẩy đăng ký bảo hộ và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 45 tổ chức, cá nhân có sản phẩm, dịch vụ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ (48 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và 06 đơn đăng ký sáng chế). Giai đoạn 2021-2023, TP có 1.102 đơn và 1.179 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp mới (tăng 20% so với giai đoạn 2018-2020). Điều đó cho thấy sự quan tâm nhiều hơn của xã hội và cộng đồng đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh các chương trình nêu trên, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp còn được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển của TP Cần Thơ. Đặc biệt, UBND TP đã phê duyệt Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 10/08/2021 hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN TP Cần Thơ đến năm 2025 (Kế hoạch số 170) nhằm nâng cao năng lực hấp thụ, ứng dụng và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0; doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của TP. Đến nay, trên địa bàn TP đã hình thành được 11 doanh nghiệp KH&CN.

Với sức lan tỏa của các chương trình, kế hoạch nêu trên, hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới, ứng dụng công nghệ đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ các doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ tăng lên cả về số lượng và chất lượng, năng lực công nghệ của doanh nghiệp từng bước được nâng cao, các hệ thống quản lý tiên tiến được áp dụng vào sản xuất. Doanh nghiệp đã ý thức hơn trong bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ... Có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN từ năm 2013 đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Thống kê cho thấy, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2014-2021 đã đạt 13,02%, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của TP đến năm 2021 đạt 30,06%2. Kết quả này cho thấy, Cần Thơ có tốc độ đổi mới công nghệ, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao tương đương mặt bằng chung của cả nước3.

Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Cần Thơ là một trong những địa phương tích cực, đi đầu trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Sở KH&CN Cần Thơ đã tham mưu trình UBND TP ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 12/12/2017 về việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 30/06/2021 cho giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách nêu trên, Sở KH&CN cùng các đơn vị phối hợp đã tích cực triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể: đã tổ chức hơn 70 hoạt động đào tạo, cung cấp thông tin về khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, thu hút hơn 14.000 lượt tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham dự. Mạng lưới liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ, Mạng lưới vườn ươm Đồng bằng sông Cửu Long, 02 Quỹ đầu tư và phát triển khởi nghiệp đã được hình thành. Đặc biệt, Cần Thơ đã đưa vào hoạt động 06 không gian hỗ trợ khởi nghiệp, nhằm kết nối hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên, doanh nghiệp và những dự án khởi nghiệp mới. Qua đó, đã có 05 doanh nghiệp được hỗ trợ ươm tạo tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (đơn vị trực thuộc Sở KH&CN TP Cần Thơ). Những kết quả này bước đầu cho thấy, sự quan tâm của TP trong việc xây dựng và phát triển mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế TP nhanh và bền vững.

Giải pháp hỗ trợ thời gian tới

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực về đổi mới công nghệ, thiết bị trong doanh nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là sự ra đời của 11 doanh nghiệp KH&CN (trong đó có 4 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2023), tuy nhiên, sự phát triển này còn khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương. Đặc biệt, chỉ có một số ít doanh nghiệp KH&CN hoạt động có hiệu quả. Nguyên nhân của tình trạng trên là do các doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn TP còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực KH&CN có trình độ cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu; nguồn vốn đầu tư do hoạt động KH&CN còn hạn chế; một số sản phẩm KH&CN chưa có chỗ đứng trên thị trường…

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong thời gian tới Sở KH&CN TP Cần Thơ sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách hiện có, đồng thời tham mưu cho UBND TP ban hành các cơ chế hỗ trợ linh hoạt khác, trong đó tập trung vào một số nội dung chính sau:

Một là, triển khai các chương trình KH&CN để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng đổi mới công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, tập trung thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ “nền” vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng; bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ thực hiện dự án tham gia chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ của Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KH&CN, Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Hai là, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng, bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; hỗ trợ phát triển các dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tư vấn về quản trị, phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học trên địa bàn TP. Tập trung hỗ trợ phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Ba là, xây dựng và triển khai Đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Cần Thơ kết nối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Trung tâm được thành lập sẽ đóng vai trò là tổ chức đầu mối kết nối và khai thác các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP và các tỉnh trong vùng.

Bốn là, thúc đẩy gắn kết KH&CN với doanh nghiệp để phát triển kinh tế, bên cạnh việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN về lượng (mục tiêu đến năm 2025, số doanh nghiệp đạt tiêu chí và thành lập doanh nghiệp KH&CN tăng ba lần so với năm 2020), Sở KH&CN Cần Thơ cũng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN phát triển về chất như các yếu tố liên quan đến thị trường, đầu ra cho sản phẩm, công nghệ mới…, qua đó giúp doanh nghiệp KH&CN có thêm khả năng cạnh tranh và phát triển, đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

 

1Quyết định số 3187/QĐ-UBND ngày 26/08/2022 của UBND TP Cần Thơ phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

2Số liệu từ: Cục Thống kê, Hải quan TP, Sở KH&CN, Niên giám Thống kế và điều tra số liệu từ doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.

3Theo tính toán của Bộ Khoa học và Công nghệ, tốc độ đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2011-2014 là 10,68%, tỷ trọng giá trị SPCNC&UDCNC trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần (năm 2011 là 12,74%, năm 2012 là 17,22%, năm 2013 là 18,37% và khoảng 25% vào năm 2015).

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)