Nhắc đến xã Thống Nhất là nói đến cây ngưu tất bởi đây là xã duy nhất của huyện Hưng Hà (Thái Bình) có diện tích trồng ngưu tất lớn với gần 80 ha, chiếm 40% diện tích cây vụ đông của xã. Từ vùng trồng ngưu tất toàn xã thu được hơn 20 tỷ đồng/vụ, nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.
Không đơn thuần là cây trồng vụ đông, cây ngưu tất còn cây thuốc quý lâu nay được người dân Thống Nhất coi là “vàng mười” bởi giá trị nó mang lại.
Trong y học cổ truyền, ngưu tất có tác dụng bổ can thận, hoạt huyết, điều kinh, trừ ứ, mạnh gân cơ, kích thích tiểu tiện. Dược liệu này thường được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh chảy máu dạ con, đau bụng kinh, bế kinh, bí tiểu, phong hàn tê thấp, đau lưng, chân tay tê mỏi... Ngưu tất có tác dụng giảm đau, chống viêm và giảm các triệu chứng đau nhức xương khớp. Nó cũng được sử dụng để điều trị các bệnh như đau đầu, đau lưng, đau cổ, và các vấn đề về thần kinh như đau dây thần kinh và tê liệt. Ngoài ra, saponin là một hoạt chất có trong ngưu tất và có nhiều công dụng hữu ích trong y học. Saponin có tác dụng chống viêm, giảm đau, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu và bảo vệ gan, giảm sự tăng trưởng của vi khuẩn và viruss.
Cây ngưu tất dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng khó khăn nhất là khâu làm đất vì phải làm luống cao. Người trồng cần thường xuyên tìm tòi những phương thức gieo trồng mới và chăm sóc theo đúng quy trình nên khi thu hoạch cho hiệu quả kinh tế cao. Đối với loại cây này, phải đánh luống thật cao thì cây mới không bị ngập úng. Ngoài ra, khi cây ngưu tất sinh trưởng mạnh phải thường xuyên cắt ngọn để cây nuôi củ to và dài. Như năm 2022, mỗi sào cây ngưu tất cho người nông dân thu gần 1 tấn củ, cho thu nhập 12-15 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần cấy lúa. Mặc dù vậy, hiện nay, sản phẩm ngưu tất làm ra chủ yếu do thương lái đến thu mua, bên cạnh đó sản phẩm chưa được quảng bá rộng rãi nên giá cả sản phẩm thường bấp bênh.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Hưng Hà đã nộp đơn đăng ký chứng nhận sản phẩm “Ngưu tất Hưng Hà” cho Cục Sở hữu trí tuệ. Việc đăng ký chứng nhận sản phẩm là tín hiệu tích cực, giúp bà con nông dân yên tâm mở rộng diện tích gieo trồng nhằm hướng đến sản xuất nông sản sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó, diện tích trồng cây ngưu tất của địa phương sẽ ngày càng được mở rộng, cùng với đó thu nhập của người nông dân sẽ ngày càng cao hơn, góp phần làm giàu cho gia đình và địa phương.
KĐ