Thứ hai, 11/12/2023 15:54

Xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm “Đũa đước Mũi Cà Mau”

ThS Lê Thị Cẩm Tú, ThS Tô Thảo Đang

Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau

Để phát triển thương hiệu đũa đước Mũi Cà Mau trên thị trường, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống làng nghề, góp phần quảng bá, kích cầu du lịch và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cà Mau đã chủ trì thực hiện dự án: Xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Đũa đước Mũi Cà Mau” thuộc Chương trình Xây dựng bảo hộ và quản lý phát triển cho các sản phẩm đặc thù và đặc sản ở địa phương.

“Vệ sỹ” bảo vệ bờ biển

Cây đước có tên khoa học là Rhizophora apiculata Blume, thuộc họ Rhizophoraceae. Ở Việt Nam, đước sống chủ yếu ở rừng ngập mặn từ Quảng Trị đến Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều nhất tại Cà Mau. Đước là loại thân gỗ, tròn, mọc thẳng, được mệnh danh là “vệ sỹ” bảo vệ bờ biển tại Việt Nam. Khi còn nhỏ, tán cây có hình dù, sau 6 tuổi trở thành hình trụ. Khi cây đước trưởng thành, có hoa đến lúc quả đước chín cần đến 6 tháng. Quả đước già sẽ nảy mầm ngay từ lúc còn đang lơ lửng trên cây, khi rụng xuống quả đước trôi theo dòng nước biển đến khi gặp nơi bùn lầy, quả đước đã mọc mầm sẽ được giữ lại và bắt đầu mọc rễ để phát triển. Mầm đước sẽ có búp non màu đỏ và hai chiếc lá xanh đầu tiên. Từ đó cây đước tiếp tục phát triển, lớn lên và lan rộng thành rừng. Cây đước có nhiệm vụ quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ bờ biển, chống xâm lấn, xói mòn các đồng bằng ven biển, cố định các bãi bồi ven biển, chống gió bão, cân bằng hệ sinh thái và môi trường.

Cây đước thích nghi tối ưu với môi trường sống, không những có giá trị lớn về mặt môi trường, mà còn là “sinh kế” của người dân địa phương. Người dân Cà Mau sử dụng cây đước từ gốc đến ngọn. Gỗ từ thân cây đước phục vụ cho đời sống của dân cư quanh vùng, làm củi, làm than, than đước được người dân ưa thích sử dụng nhờ tạo được nhiệt lượng cao. Gỗ từ cây đước sản xuất đũa ăn, còn xẻ làm ván, đóng đồ gia dụng như bàn ghế, giường tủ, làm nhà, dựng cột, đặc biệt xẻ gỗ để tạo ra sản phẩm mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. Ngày nay, rừng đước cũng là địa điểm thu hút du lịch nổi tiếng, nhờ hình thái đặc biệt, hệ sinh thái đa dạng nên được rất nhiều du khách yêu thích mỗi khi đến đất Mũi Cà Mau.

Phát triển giá trị từ cây đước

Để phát triển thương hiệu đũa đước Mũi Cà Mau trên thị trường, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống làng nghề, góp phần quảng bá, kích cầu du lịch và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, năm 2021, Sở KH&CN Cà Mau đã giao Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ chủ trì thực hiện dự án: Xây dựng NHTT đũa đước Mũi Cà Mau thuộc Chương trình Xây dựng bảo hộ và quản lý phát triển cho các sản phẩm đặc thù và đặc sản ở địa phương.

Logo NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”.

Trong quá trình triển khai dự án, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thiện 4 quy chế, 1 quy trình phục vụ quản lý và khai thác NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”. Các quy chế, quy trình bao gồm: quy chế quản lý và sử dụng NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”; quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”; quy chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”; quy chế cấp và sử dụng tem mang NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” và quy trình khai thác đước và sản xuất sản phẩm mang NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”.

Tập huấn quy chế và quy trình quản lý và sử dụng NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” tại UBND huyện Ngọc Hiển.

Sau 18 tháng triển khai (12/2021-6/2023) NHTT đũa đước Mũi Cà Mau đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 59411/QĐ-SHTT ngày 04/08/2023 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, có hiệu lực 10 năm. Chủ sở hữu NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” là Hội Nông dân tỉnh Cà Mau theo Công văn số 4613/UBND-KGVX ngày 21/07/2022 của UBND tỉnh Cà Mau. Dự án không chỉ xác lập thành công quyền sở hữu công nghiệp đối NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” mà còn xây dựng được hệ thống văn bản quản lý đầy đủ, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm “Đũa đước Mũi Cà Mau”.

Mặt khác, thông qua việc xây dựng NHTT đã tổng hợp được sức mạnh tập thể, cộng đồng cùng tham gia vào việc khai thác, bảo vệ giá trị truyền thống của địa phương, vùng miền. Dự án còn có ý nghĩa nâng cao nhận thức về NHTT, về việc sử dụng quyền SHTT. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong hoạt động kinh doanh sản xuất phát triển sản phẩm mà đối với công tác giữ gìn và phát huy giá trị làng nghề, góp phần quảng bá, kích cầu du lịch tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống người dân.

Nhằm duy trì và phát triển thuận lợi NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” đòi hỏi cần có sự tham gia tích cực của các sở/ngành, tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý tại địa phương. Để xây dựng và phát triển NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” trong thời gian tới, các đơn vị có liên quan tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm đũa đước. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ các thành viên sử dụng NHTT thực hiện đúng các quy chế, quy trình đã ban hành nhằm đảm bảo đầu ra của các sản phẩm đồng đều, ổn định về mặt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giữ vững thương hiệu đũa đước Mũi Cà Mau. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm; duy trì, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp vừa khai thác vừa trồng đước để tái tạo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất bền vững.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)