Thứ ba, 31/10/2023 11:34

Tái tạo toàn bộ khuôn mặt bằng nguồn da tự thân: Thành công mới của ngành vi phẫu và tái tạo Việt Nam

Mới đây, các bác sỹ của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác dưới sự dẫn dắt của PGS.TS Vũ Quang Vinh (Phó Giám đốc Bệnh viện) và TS Tống Thanh Hải (Chủ nhiệm Khoa Vi phẫu và Tái tạo) đã thành công trong việc tái tạo toàn bộ khuôn mặt bằng nguồn da tự thân cho bệnh nhân N.Q.H. Bệnh nhân này bị bỏng nước sôi lúc 6 tháng tuổi, từng trải qua hơn 20 cuộc phẫu thuật trong gần 30 năm qua, trong đó có một cuộc phẫu thuật tại CHLB Đức... nhưng gương mặt vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Nhân dịp này, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với TS Tống Thanh Hải về những bước tiến trong ứng dụng kỹ thuật vi phẫu để tái tạo khuôn mặt cho bệnh nhân bằng nguồn da tự thân tại Việt Nam.

Xin ông cho biết về độ phức tạp trong ca phẫu thuật đối với bệnh nhân N.Q.H. mà ông và các đồng nghiệp vừa thực hiện gần đây. Thành công này sẽ mang lại những lợi ích quan trọng nào cho các bệnh nhân khác, thưa ông?

Trong ca phẫu thuật đối với bệnh nhân N.Q.H, chúng tôi đã cắt bỏ toàn bộ sẹo co kéo biến dạng vùng mặt và ghép gần toàn bộ mặt cho bệnh nhân. Phương pháp này sử dụng chuyển vạt da cân tự do nối 2 cuống mạch vi phẫu, che phủ gần hoàn toàn khuôn mặt cho bệnh nhân. Khi đã có vạt da rộng vùng mặt rồi, bệnh nhân sẽ chỉ cần trải qua một số cuộc phẫu thuật nhỏ nữa để chỉnh cân đối ngũ quan.

Ca bệnh này rất phức tạp, do bệnh nhân bị bỏng biến dạng toàn bộ vùng mặt, vùng cổ, gặp khó khăn trong sinh hoạt, giao tiếp. Đặc biệt, trước khi đến đây bệnh nhân đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nên việc xác định 2 nguồn cấp máu ở vùng mặt cho vạt da đã phẫu tích rất khó khăn. Bên cạnh đó, vùng lấy vạt da cũng bị hạn chế do bệnh nhân đã mổ lấy da nhiều nơi, lồng ngực vai và cổ bị biến dạng, nhiều sẹo, thể trạng gầy yếu, khó khăn trong gây mê...

Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển còn khó khăn về trang thiết bị, nguồn lực tài chính và các chính sách về hiến mô, hiến tạng... Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân bị bỏng lại khá cao do nhiều nguyên nhân như cháy nhà, nổ pháo, nổ bình ga mini, tạt axit… Với việc là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể tái tạo được toàn bộ khuôn mặt bằng vạt da tự thân, tôi tin rằng trong tương lai gần, các bệnh nhân này sẽ được hưởng những thành tựu của nền y học tiên tiến ngay chính tại chính quê hương mình với chi phí thấp, thời gian điều trị được rút ngắn... sớm tự tin và tái hòa nhập cộng đồng.

Ca phẫu thuật này đã giải quyết được những bài toán khó nào trong lĩnh vực vi phẫu mà trước đây Việt Nam chúng ta chưa thực hiện được, thưa ông?

Từ trái sang phải: PGS.TS Vũ Quang Vinh và TS Tống Thanh Hải, cùng ekip tham gia phẫu thuật. Nguồn: Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác.

Trước đây, đối với bệnh nhân biến dạng vùng mặt như trường hợp này, chúng ta phải dùng nhiều phương pháp kết hợp nhưng không ghép được gần toàn bộ khuôn mặt cho bệnh nhân. Dẫn đến bệnh nhân phải thực hiện phẫu thuật nhiều lần, để lại nhiều sẹo, gây mất thẩm mỹ. Giờ đây, với phương pháp mới, chỉ trong một lần phẫu thuật, chúng ta có thể tái tạo gần toàn bộ khuôn mặt, sau đó bệnh nhân chỉ cần thêm một vài phẫu thuật nhỏ để chỉnh hoàn thiện ngũ quan (mắt, mũi, môi…).

Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia sử dụng phương pháp ghép mặt, tuy nhiên hướng giải quyết này có nhiều hạn chế như: khó khăn trong tìm kiếm nguồn hiến da mặt (tử thi, chết não…), phải sử dụng ekip phẫu thuật lớn, sử dụng thuốc chống thải ghép (khiến bệnh nhân hay tử vong sớm do nhiễm trùng…), bệnh nhân sau ghép mặt không có biểu cảm… Với phương pháp mới mà chúng tôi áp dụng, bệnh nhân được tái tạo gần toàn bộ khuôn mặt bằng chính nguồn da của mình nên giảm thiểu tối đa những biến chứng nêu trên, luôn tương thích với cơ thể, tỷ lệ thành công cao. Có thể nói, phương pháp mới mà chúng tôi đang áp dụng sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại của các phương pháp ghép đã có.

Thành công ngày hôm nay được đặt nền móng từ những hoạt động nghiên cứu khoa học như thế nào, thưa ông?

Khoa Vi phẫu và Tái tạo nói riêng, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác nói chung rất chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao thành quả nghiên cứu vào ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Các kỹ thuật áp dụng trong ca phẫu thuật đối với bệnh nhân N.Q.H. cũng được phát triển dựa trên kết quả của Đề tài cấp quốc gia do Bộ KH&CN quản lý: “Hợp tác nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tạo hình biến dạng phức tạp vùng mặt” do PGS.TS Vũ Quang Vinh là chủ nhiệm. Có thể nói, đây là những bước đệm quan trọng, trên cơ sở đó, chúng tôi đã tiếp tục phát triển và đạt được thành công như ngày hôm nay.

Thành quả này cũng cho thấy, nếu chúng ta có sự đầu tư nghiêm túc cho khoa học cơ bản, nhất định sẽ gặt hái được “quả ngọt”. Ví dụ, trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình, chúng ta cần xây dựng được bản đồ cấp máu cho da trên toàn cơ thể. Sau đó, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất chất liệu thay thế da từ sản phẩm đồng loại và dị loại… để mở ra các hướng ứng dụng điều trị cho nhiều căn bệnh khác nhau.

Xin ông chia sẻ một số kế hoạch sắp tới của Khoa sau thành công rất đáng ghi nhận vừa rồi?

Sắp tới chúng tôi sẽ chú trọng phát triển hoàn thiện vạt da tự thân này bằng cách làm cho vạt mỏng hơn nữa để đảm bảo da bám sát vào cơ mặt, thể hiện vào các ngũ quan (mũi, mí, miệng) và vùng cơ mặt, giúp cho hình thành ngũ quan rõ ràng, khuôn mặt thể hiện được cảm xúc rõ hơn trong giao tiếp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có kế hoạch nguyên cứu hoàn thiện quy trình kiểm soát mạch máu vùng nghiên cứu trước phẫu thuật do chi phí này hiện nay vẫn khá cao, các bác sỹ chưa chụp mạch đúng yêu cầu của phẫu thuật viên...

Trân trọng cảm ơn ông. Chúc Khoa Vi phẫu và Tái tạo nói riêng cũng như ngành phẫu thuật tạo hình của Việt Nam nói chung sẽ ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bệnh nhân.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)