Thứ ba, 24/10/2023 14:05

Chế biến một số sản phẩm từ quả dừa Sáp làm nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu (Bộ Công Thương) đã nghiên cứu, hoàn thiện quy trình chế biến một số sản phẩm từ quả dừa Sáp làm nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho quả dừa Sáp; đồng thời tạo nền tảng quan trọng trong việc định hướng phát triển bền vững loại cây này tại “thủ phủ” Trà Vinh nói riêng và các tỉnh/thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Từ loại cây trồng có giá trị kinh tế cao

Dừa Sáp là một trong các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao ở một số tỉnh phía Nam. Trước kia, dừa Sáp không được quan tâm trồng và phát triển với quy mô lớn vì giống cây dừa Sáp có tỷ lệ quả cho sáp rất thấp, số quả dừa Sáp chỉ khoảng 20% số quả trên cây. Khi nhu cầu tiêu thụ quả dừa Sáp tăng cao, cùng với kỹ thuật nuôi cấy hiện đại, cây dừa Sáp đã được nhiều tỉnh/thành phố khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh phát triển nhanh, trong đó Trà Vinh là tỉnh có diện tích trồng dừa Sáp lớn nhất nước hiện nay.

Thống kê cho thấy, chỉ riêng ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã có trên 15.000 cây dừa Sáp với khoảng 6.000 cây đang cho quả, năng suất quả dừa Sáp đạt 40-80 quả/cây/năm, với giá bán dao động 57.000-128.000 đồng/quả (cao gấp 10-20 lần so với quả dừa ta), thậm chí có thể tăng lên 160.000-170.000 đồng/quả vào mùa lễ, hội. Trước đây, dừa Sáp thường được bán tươi để sử dụng làm đồ uống và phần lớn các nhà vườn đều bán nhỏ lẻ thông qua các chủ vựa tại địa phương nên giá trị kinh tế chưa cao.

Đến đa dạng hóa sản phẩm từ quả dừa Sáp

Hiện nay, Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam chế biến, sản xuất nhiều dòng sản phẩm từ trái dừa Sáp, như dừa Sáp hút chân không, kẹo dừa Sáp 3 vị (nguyên chất, ca-cao, lá dứa), dừa Sáp sợi, dừa Sáp sấy khô, sữa chua dừa Sáp sấy khô, bánh dinh dưỡng dừa Sáp 3 vị (chuối, khoai lang, bí đỏ), sữa chua uống dừa Sáp...

Bà Trần Nguyễn Mỹ Châu - Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, chủ nhiệm đề tài cho biết, để định hướng cho sự phát triển lâu dài của cây dừa Sáp cần phải đầu tư đồng bộ ở cả 4 khâu từ sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ. Để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm chế biến từ dừa Sáp, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đã đề xuất và được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ quả dừa Sáp làm nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm” nhằm tạo ra các sản phẩm từ dừa Sáp làm nguyên liệu trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm.

Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã lựa chọn được nguyên liệu dừa Sáp là giống dừa Sáp nuôi cấy phôi, với các chỉ tiêu: hàm lượng đường tổng (3,08%), protein (1,85%), béo (20,0%), K (2.746 mg/kg)…; sử dụng bộ kit thử Galactomannan của Hãng Megazyme (Ireland) để tiến hành phương pháp thực nghiệm nhằm xác định các thông số công nghệ; đồng thời, sử dụng cả 2 kỹ thuật là sấy đông khô cơm dừa Sáp và tách chiết, tinh sạch cơm dừa bằng dung môi hữu cơ. Bà Trần Nguyễn Mỹ Châu cho biết thêm, nguyên liệu dùng trong sản xuất bột sữa dừa Sáp sấy khô là phần cơm của quả dừa Sáp trưởng thành. Theo đó, cơm dừa được nghiền/xay với nước theo tỷ lệ 1:4, sau đó được trích ly với nước ở nhiệt độ 50oC tạo thành dịch sữa dừa Sáp, sau khi được sấy đông khô sẽ đem nghiền mịn tạo thành bột sữa dừa Sáp hoàn chỉnh.

Ngoài ra, đề tài còn xác định được dung môi ethanol là phù hợp nhất cho quá trình chiết tách Galactomannan từ dừa Sáp (sản phẩm Galactomannan từ dừa Sáp thu được từ nghiên cứu của đề tài đạt chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn QCVN4-21: 2011/BYT của Bộ Y tế quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm - chất làm dày). Bột sữa dừa Sáp và Galactomannan từ dừa Sáp là các sản phẩm hoàn toàn mới, chưa có mặt trên thị trường Việt Nam, do đó, các sản phẩm của đề tài nghiên cứu đã đáp ứng mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ dừa Sáp phục vụ cho ngành thực phẩm, mỹ phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm Galactomannan từ dừa Sáp đạt các chỉ tiêu theo QCVN4-21:2011/BYT, có thể thay thế các polymer công nghiệp đóng vai trò là chất kết dính, chất làm đặc, chất nhũ hóa và chất ổn định có thể ứng dụng trong ngành dệt, giấy…

Hiện tại, quy trình công nghệ sản xuất bột sữa dừa sáp và quy trình chiết tách Galactomannan từ dừa Sáp đã được nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu hoàn thiện với hiệu quả cao, sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp và đơn vị có nhu cầu.

Với định hướng phát triển vùng dừa hữu cơ tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 ổn định khoảng 30.000 ha, trong đó có 750 ha dừa Sáp đặc sản, việc nghiên cứu làm chủ quy trình công nghệ, sản xuất thành công bột sữa dừa Sáp và chiết tách Galactomannan từ dừa Sáp, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đã tạo ra các sản phẩm đặc trưng cung cấp cho thị trường, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ tại vùng trồng dừa Sáp. Thành công này bước đầu đã tạo ra được các sản phẩm mới, nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây dừa Sáp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh nói riêng và các tỉnh/thành phố trong khu vực nói chung.

Phong Vũ

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)